Bảo tồn, cải tạo khu phố cổ Chợ Lớn: Còn nhiều băn khoăn
Đời sống - Ngày đăng : 06:43, 20/06/2012
Nhóm nghiên cứu, lập dự án cho rằng, khu vực Chợ Lớn còn nhiều di sản văn hóa như đền, chùa người Hoa, chợ Bình Tây, nhà thờ… và còn lưu truyền các lễ hội dân gian, tôn giáo như Tết Trung thu, Nguyên tiêu, Nguyên đán… Đây là vùng đất mang đậm bản sắc giao thoa giữa văn hóa Việt Nam và Trung Hoa. Dự án nhằm hỗ trợ TP có chiến lược bảo tồn và phát triển khu vực Chợ Lớn, đưa ra những khuyến cáo trong quản lý đô thị, tăng cường không gian công cộng, phát triển tiềm năng du lịch. Tuy nhiên, theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, đây mới là ý tưởng thiết kế, phải chờ quyết định của TP (về thời gian, nguồn vốn, đơn vị đầu tư...) mới triển khai.
Tuyến đường Triệu Quang Phục (quận 5) có nhiều nhà cao tầng xây mới, ảnh hưởng đến giá trị văn hóa - lịch sử của khu phố cổ. |
Không ít người dân ở Chợ Lớn cho rằng, khu phố này có nhiều ngành nghề truyền thống nhưng chưa phát triển đúng tầm; nếu dự án được triển khai sẽ là điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước, người dân sẽ có điều kiện sống, buôn bán làm ăn tốt hơn. Tuy nhiên, chính sách đưa ra phải phù hợp, đừng để người dân phải chờ quy hoạch "treo". Thực tế cho thấy, nhiều căn nhà đang trong tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan", dột nát nhưng không được sửa chữa, cơi nới, cũng không bán được vì quy hoạch "treo".
TS Võ Kim Cương (Hội Quy hoạch và Phát triển TP Hồ Chí Minh) cho rằng, "bài toán" quy hoạch, cải tạo và phát triển một khu đô thị cũ như Chợ Lớn sẽ chịu nhiều điều kiện ràng buộc. Quy hoạch không chỉ tổ chức không gian mà phải giải quyết các mâu thuẫn về lợi ích giữa nhu cầu bảo tồn với phát triển; giữa lợi ích kinh tế với văn hóa, lịch sử; đặc biệt giữa lợi ích cá nhân với lợi ích chung. Để quy hoạch có tính khả thi cao, cần chọn lựa kỹ đối tượng bảo tồn, không tràn lan mà vẫn giữ được giá trị đặc trưng.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam (SVEC), nhận định, ngay tiêu đề dự án đã mâu thuẫn và không ăn khớp bởi khái niệm "bảo tồn và cải tạo". "Bảo tồn" là giữ dáng vẻ cổ xưa, còn "cải tạo" là thay đổi theo chiều hướng mới. Mục tiêu dự án cũng chưa giải quyết được vấn đề cần quan tâm về mặt giá trị lịch sử, văn hóa của khu phố cổ. Không ít chuyên gia quy hoạch và phát triển đô thị còn cho rằng, công tác quy hoạch ở TP Hồ Chí Minh hiện nay đang đi ngược xu thế (từ chi tiết đến tổng quan), vì vậy việc bảo tồn, cải tạo khu phố cổ gặp không ít thách thức.
Bảo tồn, cải tạo nhằm phát huy giá trị văn hóa - lịch sử là việc rất nên làm, nhất là đối với một đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để đề án mang tính khả thi, cơ quan chức năng nên tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, đa ngành; tiến hành điều tra xã hội học để lấy ý kiến của người dân trước khi thực hiện thí điểm, bởi mục tiêu đề án không chỉ nhằm bảo tồn giá trị của phố cổ mà còn phải bảo đảm đời sống người dân. Trước mắt, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và đơn vị tư vấn (Công ty DCU - Tây Ban Nha) cần nghiên cứu thêm về phạm vi, địa điểm bảo tồn, đặc biệt là phải xác định hướng đi thích hợp nhất, bảo đảm tính lịch sử mà không mất đi các giá trị truyền thống cốt lõi.
Theo đề án, khu phố cổ Chợ Lớn dự kiến rộng 68ha, gồm các phường 10, 11, 13, 14 của quận 5 và phường 1, 2 (quận 6); giới hạn bởi các tuyến đường Tản Đà - Nguyễn Trãi - Phù Đổng Thiên Vương - Hồng Bàng - Lương Nhữ Học - Nguyễn Trãi - Phú Hữu - Tháp Mười - Lê Tấn Kế - Phan Văn Khỏe - Phạm Đình Hổ - Bãi Sậy - Đại lộ Võ Văn Kiệt. Đây là một trong những địa điểm phát tích của vùng đất Sài Gòn, vốn là khu làng Minh Hương thành lập từ năm 1686. Dự án đề xuất bảo tồn thí điểm 3 khu vực còn nhiều di sản, cụ thể: khu vực 1 (khoảng 4,2ha) gồm toàn bộ không gian khu phố cổ tại chợ Bình Tây; khu vực 2 (4,5ha) gồm hệ thống đình, chùa bao quanh đường Triệu Quang Phục; khu vực 3 (5,3ha) vừa bảo tồn vừa phát triển, cho phép xây nhà cao tầng xung quanh Đại lộ Võ Văn Kiệt. |