Nghĩ từ đêm nhạc “Ca trù hát khuôn”…

Xã hội - Ngày đăng : 06:29, 20/06/2012

(HNM) - Trong khi nhiều CLB Ca trù hoạt động lay lắt, nhiều đêm diễn mà khán giả ít hơn ca nương, kép đàn thì đêm "Ca trù hát khuôn" của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) vào tối 13-6, nhiều người đã phải ra về vì hết chỗ. Điều đó cho thấy ca trù vẫn có thể "sống khỏe", miễn là được tổ chức đúng cách, rõ chất lượng nghệ thuật.

Thực trạng đáng suy ngẫm

Số liệu thống kê về di sản văn hóa phi vật thể bị mai một, nghệ nhân - những người nắm giữ và truyền dạy di sản ít dần, chế độ đãi ngộ với nghệ nhân còn nhiều bất cập… liên tục được phản ánh trong báo cáo của ngành văn hóa cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, bức tranh bảo tồn di sản chưa thực sự thuyết phục. Bằng nhiều cách khác nhau, các địa phương có di sản đã nỗ lực bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của di sản nhưng đâu đó vẫn còn những điều chưa hợp lý.

Nghệ nhân Phó Thị Kim Đức (trái) trình diễn “Tỳ bà hành”.

Hát xoan (Phú Thọ), sau khi trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại đã được tỉnh Phú Thọ quảng bá rầm rộ. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, phường xoan An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì cho biết: "Trước đây, tôi phải đến từng nhà vận động các gia đình tạo điều kiện cho con em tham gia sinh hoạt trong CLB hát xoan, nhưng sau khi di sản này là tài sản chung của nhân loại, từ người nông dân chân đất cho tới học sinh, sinh viên, thậm chí cả phóng viên, cảnh sát sinh sống và làm việc trên vùng đất Tổ cũng hào hứng học hát xoan, nhiều đến mức tôi phải sắp xếp lịch và thời gian để dạy". Cộng đồng học hát xoan với mong muốn đưa hát xoan thoát khỏi tình trạng khẩn cấp như ở Phú Thọ là việc "xưa nay hiếm" trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, song nhiều nhà nghiên cứu lại lo ngại trước sự "phổ thông hóa" hát xoan. GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nói: "Hát xoan là loại hình nghệ thuật bám rễ vào tín ngưỡng, không gian diễn xướng là cửa đình, vì thế dù hát xoan được cộng đồng đón nhận như thế nào thì cũng phải giữ lối truyền dạy theo cách truyền thống, có chọn lọc". Tương tự, quảng bá cho quan họ bằng cách tạo kỷ lục ở Bắc Ninh khiến giới nghiên cứu văn hóa phải trăn trở.

Ca trù có mặt ở 14 tỉnh, thành phía Bắc nhưng sau gần 3 năm được UNESCO vinh danh, lượng người theo học tăng không đáng kể. Ở CLB Ca trù Thượng Mỗ (Đan Phượng), người yêu ca trù phải tự bỏ tiền nuôi CLB và vận động con em theo học. Một số "báu vật nhân văn sống" mất đi khi chưa kịp được hưởng chính sách đãi ngộ như Nghệ nhân Phan Thị Mơn (Hà Tĩnh), Nguyễn Thị Kim (Thanh Hóa)… ít nhiều khiến việc truyền dạy di sản gặp khó khăn.

Rõ ràng là ngoài kinh phí, nhiệt huyết, hiệu quả bảo tồn di sản còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó có chuyện cách thức thực hiện phù hợp hay không.

Thu hút khán giả bằng chất lượng nghệ thuật

Đêm "Ca trù hát khuôn" của Nghệ nhân Phó Thị Kim Đức diễn ra không màu mè, không quảng bá rầm rộ nhưng thu hút khán giả bởi chất lượng nghệ thuật đích thực. Chỉ trong khoảng một giờ, Nghệ nhân Kim Đức cùng học trò đã chinh phục khán giả qua các làn điệu "khuôn vàng thước ngọc" với nhiều thể cách như "Bắc phản", "Hồ Tây", "Bút huê thảo", "Tràng An hoài cổ", "Tỳ bà hành"... Kết thúc mỗi làn điệu là tiếng vỗ tay không ngớt, tiếng thầm thì ngợi khen. Để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng khán giả là làn điệu "Tỳ bà hành", do Nghệ nhân Kim Đức thể hiện. TS Nguyễn Thị Minh Thái, Trưởng khoa Quan hệ công chúng, Trường Đại học Đại Nam nhận xét: "Tiếng phách lúc lặng yên, chỉ còn tiếng đàn đáy và trống chầu, lúc lại cao trào, dào dạt, kịch tính khiến trái tim khán giả như đập nhanh hơn, khi dứt thì làm cho không gian trùng xuống, như thể tiếng phách đã lặn sâu vào ca từ. Tiết mục này không dành cho ca nương hạng hai".

Chia sẻ cảm xúc sau đêm diễn, Nghệ nhân Kim Đức cho biết: "Tôi rất bất ngờ trước lượng khán giả đông đảo. Khi truyền dạy cho thế hệ trẻ, tôi luôn tâm niệm phải chuyển tải được niềm say mê nghệ thuật, giúp họ cảm nhận và thể hiện được vẻ đẹp thanh khiết, tinh túy mang tính bác học của ca trù. Chúng tôi tổ chức đêm "Ca trù hát khuôn" không nằm ngoài mục đích giới thiệu cái hay, đẹp, chuẩn mực của ca trù tới công chúng, qua đó hy vọng môn nghệ thuật này ngày càng được nhiều người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ".

Đêm "Ca trù hát khuôn" được "bảo hành" bởi chất lượng nghệ thuật đỉnh cao, cho thấy di sản phi vật thể khó được bảo tồn và phát huy giá trị nếu thiếu sự quan tâm, đầu tư về kinh phí, nhưng có kinh phí rồi mà sự truyền dạy không đúng hướng, trình diễn không đúng không gian, bài bản thì cũng vô ích.

Minh Ngọc