Thấy lại những "Số đỏ", "Cơm thầy cơm cô"
Văn hóa - Ngày đăng : 06:26, 20/06/2012
- Thưa đạo diễn, từ ý tưởng nào các nhà làm phim lại muốn thực hiện "dự án Số đỏ" này?
- Lớp chúng tôi nay hầu như đã nghỉ cả, nhưng nhiều người vẫn nhiệt tình, vẫn là những cái "kho" về đời sống đất nước những năm chiến tranh, thời bao cấp và có thời gian dài tìm hiểu, yêu mến văn học giai đoạn 1930-1945. Anh em làm phim trẻ thì thường tập trung vào các đề tài đương đại, mai kia sẽ thiếu một lực lượng làm phim từng trải, bao gồm những tác giả, đạo diễn am hiểu về giai đoạn trước. Tôi đã dạy ở nhiều trường, thấy sinh viên rất ít đọc… Từ những suy nghĩ ấy, chúng tôi nảy ra ý mời anh em đồng lứa làm phim này nhằm truyền tải màu sắc đời sống những năm 1930-1945, khơi gợi sự tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử không thể bỏ qua hay hiểu một cách hời hợt. Dự án phim khai thác tiểu thuyết "Số đỏ" và các tác phẩm khác của nhà văn Vũ Trọng Phụng, mang tên "Ánh sáng kinh kỳ".
- Tại sao lại là các tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng mà không phải tác phẩm của tác giả khác?
|
- Nhiều vấn đề mà văn học giai đoạn 1930-1945 phản ánh nay vẫn còn tính thời sự, trong đó có những khía cạnh mà "Số đỏ" đề cập như chuyện cái anh chỉ đủ tài nhặt bóng trong "sân quần" lại được đẩy lên vị trí cao, hay cảnh "Tây hóa" một cách nhố nhăng, rồi là sự suy đồi về đạo đức, lối sống… Tái hiện đời sống thời đã xa cũng là để tạo tiền đề chiêm nghiệm về cuộc sống hôm nay một cách thú vị hơn. Trên nền "Số đỏ", hai nhà biên kịch Lê Phương và Trịnh Thanh Nhã "đắp" thêm tác phẩm khác của Vũ Trọng Phụng như "Cơm thầy cơm cô", "Kỹ nghệ lấy Tây"… để cho phim đầy đặn.
- Với dự án này, hẳn sẽ phải chịu sức ép về bối cảnh, phục trang?
- Chúng tôi chọn bối cảnh ở nhiều nơi như Nam Định, Ninh Bình, Ba Vì, làng Cự Đà, làng Cựu… Quả là khó bởi không gian nông thôn đã bị bê tông hóa nhiều rồi, lại chằng chịt dây điện. Nhiều nơi có nhà theo lối cổ nhưng lại như "đồ chơi" vì quá to và màu mè, không giống khu dân cư thường thấy thuở trước. May mà chúng tôi mời được "anh Đức nhà sàn" (họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức) giàu kinh nghiệm nghiên cứu, phục chế, từng làm bối cảnh phim "Lều chõng", "Long thành cầm giả ca"... để hợp tác. Chúng tôi cũng mời NSND, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn làm giám đốc hình ảnh.
- Là dự án hợp tác giữa hai hãng phim, vai trò của mỗi bên sẽ như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi lo nhân sự cơ bản như biên kịch, đạo diễn, thiết kế mỹ thuật, biên tập… Bên VFC có phó đạo diễn, trợ lý, quay phim, lo máy móc, phương tiện… Khi tôi viết dự án, phía Đài nói hay, nhiều màu sắc, nhưng cũng băn khoăn. Tôi có phân tích, nếu chỉ làm một phim thì sẽ tốn kém do bối cảnh chỉ sử dụng một lần, làm một loạt về cùng một thời kỳ thì sẽ tận dụng được bối cảnh, đạo cụ, trang phục… "Ánh sáng kinh kỳ" là phim đầu tiên, hy vọng là tiền đề tốt cho các phim khác. Ví dụ, không thể làm riêng từ một truyện ngắn của Thạch Lam, Thanh Tịnh… nhưng tập hợp lại thì sẽ có phim tốt.
- Xin cảm ơn ông!