Lương và... lậu
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:25, 20/06/2012
Theo như lộ trình thì Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1-5-2013, có nghĩa là từ nay tới thời điểm đó còn chưa đầy một năm, một khoảng thời gian không ngắn nhưng không phải là quá dài. Nhìn lại, từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã tiến hành 3 cuộc cải cách tiền lương. Tuy nhiên có thể thấy hiệu quả đạt được chưa như mong muốn. Với một số chuyên gia, nhà phân tích thì những bất hợp lý của chế độ tiền lương là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng "chảy máu chất xám". Theo thống kê, trong 3 năm (từ 2006 đến 2009) đã có khoảng 16.000 người xin ra khỏi khu vực Nhà nước, trong số đó có không ít người tài, người giỏi. Và cũng bởi lẽ đó, thời gian qua có rất nhiều địa phương "trải thảm đỏ" mời các thủ khoa tốt nghiệp đại học về công tác, nhưng tiếc rằng, số nhân tài tuyển dụng được vẫn như... lá mùa thu. Lý do cơ bản là mức lương cơ bản nói riêng cũng như thu nhập (chính đáng) nói chung không đủ đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Lấy ví dụ, người ta đã làm một phép tính, với thu nhập hằng tháng của cán bộ, công chức, viên chức như hiện nay muốn mua được một căn hộ chung cư (ở mức trung bình) thì phải tiết kiệm trong khoảng 40-50 năm...
Có nhiều ý kiến cho rằng, hiện mức lương chỉ bảo đảm đáp ứng được từ 30 đến 50% nhu cầu tối thiểu của gia đình cán bộ, công chức. Vậy còn một khoản ít nhất là tương đương với mức lương đang được hưởng một cách chân chính thì người lao động phải trông chờ vào nguồn nào? Mỗi người sẽ có những "đáp án" riêng để giải bài toán này. Và những khoản thu nhập ngoài lương theo kiểu... lậu buộc phải xuất hiện, tiêu cực, tham nhũng bắt đầu nảy sinh và có điều kiện để phát triển. Đó cũng là lý do dù mức lương của cán bộ, công chức, viên chức rất thấp, dù không tuyển dụng được nhiều người thực tài, nhưng người ta vẫn phải thân quen, chạy chọt để được tuyển dụng vào biên chế Nhà nước. Điều đó cho thấy, chìm ẩn ở phía sau các vị trí công việc được xã hội phân công có những khoản... lậu và có nơi, có chỗ (nói cách khác là tùy thuộc công việc, tùy thuộc vị trí công tác) khoản lậu có thể còn lớn hơn mức lương được nhận rất nhiều.
Bên cạnh đó, những bất hợp lý của chính sách tiền lương đã không tạo ra được động lực phấn đấu cho người lao động. Với số cán bộ, công chức, viên chức đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước, người ta đã thống kê chỉ có khoảng 30% làm việc tương đối tốt, hơn 30% không làm việc gì và cũng bằng chừng đó là số người yếu kém về năng lực...
Với một thực trạng như đã nêu, người lao động kỳ vọng rất nhiều vào những điểm mới trong chính sách tiền lương tại Bộ luật Lao động (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết: "Lộ trình tiền lương tối thiểu trong khu vực DN sẽ đi trước khu vực cán bộ, công chức để đến năm 2015 mức lương tối thiểu do Chính phủ công bố hằng năm phải đáp ứng đúng cuộc sống tối thiểu của người lao động". Hy vọng hiện thực sẽ là như vậy. Một chính sách tiền lương hợp lý, công bằng chính là động lực cho sự phát triển của xã hội khi khuyến khích con người lao động, sản xuất tạo thêm nhiều của cải vật chất và tinh thần cho cộng đồng; đồng thời hạn chế tối đa điều kiện phát sinh những khoản... lậu, cá nhân có thể vụ lợi thông qua tiêu cực, sách nhiễu, tham nhũng.