Thần Châu 9 ghép nối thành công với Thiên Cung

Công nghệ - Ngày đăng : 15:21, 19/06/2012

Tàu vũ trụ có người lái đầu tiên của Trung Quốc đã ghép nối thành công với trạm thí nghiệm Thiên cung 1 vào lúc 2h chiều 18.6 (giờ Bắc Kinh), Trung tâm Điều khiển Không gian Bắc Kinh tuyên bố.

Hình ảnh Thần châu 9 ghép nối thành công với Thiên cung 1 được hiển thị trên màn hình Trung tâm Điều khiển Không gian Bắc Kinh.

Tân Hoa xã đưa tin, quy trình ghép nối được hoàn tất trong vòng chưa đầy 8 phút. Trưa nay, Thần Châu 9 di chuyển tới vị trí cách Thiên cung-1 khoảng 52 km, sau đó, nó trôi chậm về phía Thiên Cung-1 trước khi thực hiện khâu ghép nối vào lúc 14h07 phút.

Theo kế hoạch, vào khoảng 17h22 chiều 18.6, giờ Bắc Kinh, 2 trong số ba phi hành gia trên Thần Châu 9 bước vào bên trong trạm thí nghiệm Thiên Cung 1.

Sau đợt kết nối tự động đầu tiên này, ba phi hành gia trên tàu sẽ chuẩn bị cho đợt ráp nối thứ hai, do người điều khiển, diễn ra sau đây 6 ngày.

Tên lửa Trường Chinh II-F mang theo tàu vũ trụ có người lái Thần châu 9 đã được phóng lên quỹ đạo từ sân bay Gobi vào hôm thứ 7 vừa qua. Đây là sứ mệnh không gian có người lái thứ tư của Trung Quốc, nhưng lại là lần đầu tiên có sự tham gia của một nhà nữ du hành.

Nhiệm vụ chính của phi hành đoàn trong hành trình kéo dài 13 ngày này là thực hiện việc lắp ghép phi tự động (do người điều khiển) đầu tiên cho Trung Quốc, một quy trình mà nếu thành công, sẽ giúp nước này tiến gần thêm một bước với mục tiêu phóng trạm thí nghiệm không gian của riêng mình vào năm 2020.

Đây mới là lần thứ hai mà Trung Quốc tiến hành một quy trình phức tạp, công nghệ cao là ghép nối hai tàu vũ trụ trong không gian. Nước này đã tiến hành ráp nối thành công Thiên cung 1 với Thần châu 8 hồi tháng 11 năm ngoái.

Nếu thành công trong đợt diễn tập diễn ra vào cuối tuần này, Trung Quốc sẽ trở thành nước thứ ba trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga, hoàn tất được việc ráp nối bằng tay hai tàu vũ trụ trong quỹ đạo. Trước khi bước lên tàu Thần châu 9, ba nhà du hành đã tiến hành diễn tập hơn 1500 lần trong môi trường tái tạo.

Theo Telegraph, việc ráp nối do người điều khiển đòi hỏi sự chính xác cực cao và là một công đoạn bắt buộc để đề phòng trường hợp khâu ráp nối tự động phát sinh bất cứ trục trặc nào, chẳng hạn như việc trung tâm điều khiển không thể truyền được tín hiệu cho tàu từ Trái đất.

Trưởng đoàn du hành lần này là Jing Haipeng, một nhà du hành kỳ cựu đã 3 lần lên không gian. Hai trợ tá cho ông là Liu Wang, một chuyên gia đã theo đuổi các chương trình không gian của Trung Quốc suốt 14 năm qua và phụ trách trực tiếp giai đoạn ráp nối bằng tay, cùng với Liu Yang, 33 tuổi, nhà nữ du hành đầu tiên bay vào không gian của Trung Quốc. Yang sẽ chịu trách nhiệm tiến hành các thí nghiệm y tế và thực hiện các bài test khác trong sứ mệnh kéo dài 13 ngày của mình.

Y Lam