Hỏa thủy vị tế
Sách - Ngày đăng : 12:34, 19/06/2012
Hà Nội Ngày nay xin bày tỏ lời tri ân đến bạn đọc gần xa đã đón nhận và chỉ giáo cho chúng tôi nhiều điều bổ ích, để chúng tôi tiếp tục giới thiệu với bạn đọc thêm những giá trị của Tinh hoa văn hóa phương Đông.
Hình vẽ một viên quan võ, tay phải cầm búa, tay trái cầm kiếm, tựa lưng vào chiếc thang, là muốn khẳng định dựa vào sức mạnh và khả năng của bản thân để thăng tiến. Một người cầm cờ lệnh phất cao, trong khi con cọp ngồi yên chờ đợi, là biểu trưng cho uy quyền tuyệt đối. Lá cờ đại ở phía xa là vẫn còn mục đích chưa đạt được. Vị tế vốn tượng trưng cho cái đẹp trọn vẹn, nhưng Dịch luôn biến đổi, nên mọi chuyện chưa thể kết thúc trọn vẹn được. Không nên vội vàng giải quyết một lúc tất cả mọi vấn đề, mà cần suy nghĩ để đối ứng từng người, từng việc một.
Vị tế có tượng mặt trời ở trên. Mặt trăng ở dưới. Đó là bình minh. Tế là qua, Vị tế là chưa sang sông, chưa xong, việc chưa thành hoặc dở dang chưa có kết quả, nên chưa khẳng định được điều gì. Vị tế có triệu tiểu hồ ngật tế (giấu đầu hở đuôi). Màu sắc của quẻ này là đỏ - xanh lơ tạo ra sự liên kết không thống nhất, thiếu gắn bó và có xu hướng chia các ngả khác nhau. Xét về tổng thể, đây là quẻ kết thúc của Dịch, nhưng vòng tuần hoàn vẫn phải tiếp tục cho đến vô cùng. Bởi vậy, ta cần chuẩn bị cho chuỗi sự kiện mới bằng cách nắm vững ý nghĩa của Vị tế:
1. Mọi việc khi kết thúc chỉ là bước khởi đầu của một sự việc mới. Con đường tiếp theo sẽ hoặc khó đi lên con dốc cao hơn, hoặc dễ dàng tuột dốc xuống vực. Cách lựa chọn con đường cho riêng mình, phải thật cẩn trọng, sáng suốt và có cơ hội thành công. Sử chép, vào năm thứ 4 Hy Ninh dưới thời vua Tống Thần Tông, Âu Dương Tu xin nghỉ quan về nhà. Các đồ đệ của ông thắc mắc rằng: Công đức, uy tín của thầy được cả triều đình kính trọng, sao chưa đến tuổi nghỉ mà thầy đã vội vã rút lui như vậy? Dương Tu trả lời: Danh tiếng lúc bình sinh của ta đã được người sau học hết rồi. Rút lui để giữ trọn khí tiết tuổi già, chẳng hay hơn so với khi bị đuổi sao? Thực ra, lúc đó danh tiếng của Dương Tu đã lan truyền khắp thiên hạ rồi, nên ông nghĩ đến việc về quê làm một số việc công ích trong làng xã và bắt đầu viết sách để lại cho đời sau. Ông đã viết được nhiều tác phẩm hay và giá trị. Như thế, sự lựa chọn của ông là rất sáng suốt.
2. Không nên ngủ quên trong quá khứ, hoặc lấy quá khứ làm cơ sở cho thắng lợi hiện tại. Nếu không tỉnh táo, sẽ sai lầm không cứu vãn được. Thời Chiến quốc, Khuất Hà thắng trận trở về một thời gian thì lại được Sở Tử cử đi thảo phạt nước La, triều đình cử Môn Bá Tỷ đi tiễn. Lúc quay về, Tỷ nói rằng: Khuất Hà tất sẽ bị thua vì ông ta quá cao ngạo. Sau đó, Tỷ đi gặp Sở Tử đề nghị cho thêm quân đi trợ giúp Hà, nhưng Sở Tử từ chối. Khi bãi triều, Sở Tử về nhà kể chuyện này với phu nhân là Đăng Mạn. Phu nhân phân tích rằng: Bá Tỷ thực ra không phải muốn xin tăng thêm quân cho Khuất Hà đâu. Bá Tỷ thừa biết toàn bộ quân Sở của ta đã được đưa ra trận rồi, lấy đâu ra quân tăng thêm nữa? Nhưng vì thắng lợi lần trước làm mờ mắt, trận này Khuất Hà tất sẽ chủ quan, tự làm theo ý mình mà coi thường nước La. Nếu bệ hạ không phái người đi giám sát, làm quân sư thì rất có thể Hà sẽ thua nhanh. Sở Tử lúc này mới hiểu ý nghĩa lời đề nghị của Bá Tỷ, vội vàng cử người đuổi theo quân của Khuất Hà, nhưng không kịp. Do quá chủ quan khinh địch, nên Khuất Hà đã binh bại, thân vong.
3. Tại mỗi khúc quanh của cuộc đời, lại phải cần đến ý chí và lòng tin được củng cố. Còn trong mỗi công việc của mình, lại cần thêm cả sự chuyên tâm và kiên trì khổ luyện cho đến thành công. Chuyện Liệt Tử kể, có Cam Đăng bắn tên rất thiện nghệ, hễ giương cung lên là thú chạy không thoát, chim bay trên trời phải rơi. Học trò của ông là Phi Vệ theo học thầy bắn tên, xong cũng thành tài, trình độ còn hơn cả sư phụ. Kỷ Xương thấy vậy cũng muốn theo Phi Vệ học bắn tên. Thầy bảo, trước hết phải học nhìn không chớp mắt, sau đó mới học bắn. Kỷ Xương về nhà nằm ngửa mặt dưới khung cửi của vợ, hai mắt nhìn chăm chăm con thoi chạy đi chạy lại không hề chớp mắt. Sau 2 năm, dù lấy dùi gí sát tròng mắt, Kỷ Xương cũng không chớp. Phi Vệ bảo vẫn chưa được, phải luyện tập nhãn lực đến khi nào nhìn vật nhỏ thành to, vật không rõ thành rõ rồi hãy đến. Kỷ Xương trở về nhà dùng sợi lông trâu buộc con rận treo trước cửa sổ, ngày ngày chăm chú nhìn nó, càng lúc nhìn nó càng to hơn. Sau 3 năm, nhìn con rận to như chiếc bánh xe. Kỷ Xương dùng sừng trâu chế thành cung cứng, dùng cỏ bồng làm tên nhắm bắn con rận, mũi tên xuyên ngay giữa con rận mà sợi lông trâu không đứt. Lúc đó Kỷ Xương mới đến báo với thầy. Phi Vệ vui mừng chúc mừng Kỷ Xương đã thành tài.
|
4. Kiên trì với mục tiêu đã định ra, tranh thủ thời gian, khắc phục điều kiện sống để vươn lên, sẽ đạt được thành công cao nhất. Sách cổ chép, nhà thư pháp Vương Hy Chi bắt đầu rèn thư pháp từ năm 7 tuổi. Lúc nào ông cũng luyện viết, viết cả lên quần áo, viết dưới trăng. Sau 20 năm vừa làm, vừa học viết, nước ao nhà bị nhuộm đen do ông mài mực nhiều quá. Khi con trai ông hỏi bí quyết viết chữ đẹp, ông chỉ vào 18 cái vại đựng nước trong nhà và nói, đó chính là cơ sở rèn bí quyết. Nếu dùng hết nước của số vại đó để mài mực viết thì sẽ thành công. Quả nhiên, về sau, con trai ông viết cũng rất đẹp. Hay như đại văn hào Lỗ Tấn, học ở Nam Kinh, cũng hết sức nghèo túng. Mùa đông, ông không có tiền mua quần áo len, trên người chỉ có chiếc áo bông rách hở vai và quần vải bình thường. Nhưng, ông lại dùng số tiền làm thêm kiếm được, đến các hiệu sách cũ mua sách về đọc. Ông học rất giỏi, luôn đứng đầu lớp. Mỗi khi giành được huy chương Vàng, ông lại đem bán đi để mua sách về đọc. Nhờ đó, ông đã viết được hàng loạt tác phẩm nổi tiếng.
5. Không bao giờ nên nghĩ rằng, có thể mình sẽ luôn luôn đúng, mà bỏ ngoài tai những lời góp ý, phê bình của bạn bè và những người có trách nhiệm, hết lòng vì lợi ích chung. Đời nhà Đường, các đại thần phò tá Huyền Tông là Diêu Sùng, Tống Cảnh, Hàn Hưu đều có công rất lớn. Trong số đó, Tể tướng Hàn Hưu là người rất cương trực. Bất cứ khi nào Huyền Tông mắc sai lầm, dù nhỏ ông cũng thẳng thắn phê bình ngay. Có lần, trong bữa tiệc rượu, nhà vua có thái độ không đúng mực, hôm sau lên triều vừa hỏi quần thần xem Hàn Hưu có biết chuyện xảy ra không, thì tấu chương của Hàn Hưu đã chuyển lên rồi. Thấy thế, một nịnh thần thưa với Huyền Tông: Từ khi Hàn Hưu giữ chức Tể tướng đến nay, khiến bệ hạ tâm sức mỏi mệt, gầy sút đi nhiều, long thể người khiến cho ai cũng phải lo ngại! Lẽ ra, bệ hạ phải cách chức Hàn Hưu đi mới phải? Huyền Tông lắc đầu trả lời: Thật thiệt thòi cho Hàn Hưu, bởi tuy trẫm có gầy đi, nhưng nhờ có Hàn Hưu phò tá trẫm, nên trăm họ trong thiên hạ đều được béo lên! Thường các vị vua chỉ coi trọng chuyện mình béo, mặc thiên hạ gầy, nhưng vua Đường lại suy nghĩ ngược lại, nghe và làm theo người có trách nhiệm để dân nước được ấm no.
6. Yếu tố tinh thần rất quan trọng, nhưng tư tưởng mới là quyết định. Không nắm chính xác và giải quyết vướng mắc tư tưởng, thì việc to, việc nhỏ đều hỏng. Sách chép rằng, đời nhà Đường có công chúa Đơn Dương kết hôn với Tiết Vạn Triệt. Trong một lần nói chuyện nơi đông người có cả công chúa Đơn Dương, vua Thái Tông lỡ nhận xét rằng: Tiết phò mã thật là quê mùa! Nghe được câu nói ấy, công chúa cảm thấy tự nhiên rất xấu hổ, mấy tháng liền không ngủ chung với phò mã nữa. Thái Tông biết chuyện, bèn tìm cách hóa giải tư tưởng nặng nề của con gái. Nhà vua tổ chức một bữa tiệc rượu chỉ mời hai vợ chồng công chúa đến. Sau khi ăn uống no say, Thái Tông và Vạn Triệt thi đóng kịch xem ai giống nhân vật nhất, phần thưởng cho người thắng là thanh bảo đao của nhà vua. Thái Tông cố tình thua, rồi cởi bảo đao ra đeo cho Vạn Triệt. Ngay sau bữa tiệc ấy, công chúa Đơn Dương rất thoải mái, vui mừng ra mặt và hai vợ chồng lại nồng ấm như trước.