Thương hiệu “sữa Ba Vì” bị “mượn” trái phép

Xã hội - Ngày đăng : 07:53, 19/06/2012

(HNM) - Sản phẩm sữa tươi Ba Vì của Công ty CP Sữa quốc tế (IDP) và Công ty CP Sữa Ba Vì đã trở thành thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, sự buông lỏng trong việc quản lý sử dụng nhãn hiệu của địa phương khiến nhiều doanh nghiệp


Trang trại bò sữa mẫu của Công ty CP Sữa quốc tế (IDP). Ảnh: Trọng Hải

Mới đây, lực lượng liên ngành TP Hà Nội đã kiểm tra Công ty CP Sữa tươi Ba Vì, phát hiện một dây chuyền sản xuất sữa tươi đóng chai và một số sản phẩm mang nhãn hiệu "sữa Ba Vì". Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 6 mẫu sản phẩm của công ty này có nhãn mác tương đồng với mẫu nhãn mác sản phẩm của Công ty CP Sữa Ba Vì (trụ sở đóng tại huyện Ba Vì). Ngoài ra còn 3 sản phẩm không có hồ sơ công bố và giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm. Đại diện DN không xuất trình được hồ sơ, hóa đơn chứng từ một số nguyên liệu sử dụng trong chế biến sản phẩm. Lực lượng chức năng đã yêu cầu Công ty CP Sữa tươi Ba Vì ngừng sản xuất và lưu hành trên thị trường 3 sản phẩm "Sữa bò tươi thanh trùng 100% sữa sạch - không đường", "Sữa dê tươi thanh trùng 100% sữa sạch" và "Sữa bò tươi thanh trùng 100% sữa sạch - mật ong rừng". Trước đó, lực lượng chức năng đã thu giữ một số mẫu sản phẩm của đơn vị này, qua kiểm nghiệm có những mẫu không đạt các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, có những mẫu hàm lượng một số chất không bảo đảm tiêu chuẩn.

Ngày 14-6, đoàn thanh tra liên ngành TP Hà Nội đã công bố kết quả điều tra đối với vụ làm nhái nhãn hiệu sữa tươi Ba Vì. Theo đó, đại diện huyện Ba Vì khẳng định chỉ có hai đơn vị là Công ty CP Sữa quốc tế và Công ty CP Sữa Ba Vì được cấp phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm sữa Ba Vì. Các đơn vị khác sử dụng nhãn hiệu này là vi phạm về sử dụng nhãn hiệu hàng hóa. Ông Phùng Phương Nam, Giám đốc Công ty CP Sữa tươi Ba Vì đã thừa nhận công ty không được cấp phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm sữa Ba Vì và việc sản xuất trái phép sữa tươi Ba Vì đóng chai loại 1 lít là vi phạm về nhãn mác.

Ngoài Công ty CP Sữa tươi Ba Vì vừa bị phát hiện và xử lý vi phạm, còn có nhiều đơn vị cùng khai thác nhãn mác "sữa Ba Vì" như Công ty CP Bánh sữa Ba Vì Milk, Công ty CP Bánh sữa Anh Minh Ba Vì Milk… Việc có nhiều DN dùng thương hiệu và cung cấp các sản phẩm sữa tươi Ba Vì khiến người sử dụng rất khó nhận biết, lựa chọn…

Các sản phẩm đặt tên giống hoặc nhái hầu hết nhằm mục đích trục lợi từ sự nổi tiếng của thương hiệu khác để đánh lừa người sử dụng, gây thiệt hại cho những thương hiệu truyền thống. Vì vậy, để bảo vệ DN làm ăn chân chính và quyền lợi của người tiêu dùng, các cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện tốt việc cấp phép và quản lý sử dụng nhãn hiệu, chất lượng hàng hóa. DN cần chủ động đăng ký tác quyền thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng; kiên quyết đấu tranh với tình trạng cố tình đặt tên giống hoặc nhái thương hiệu như sự việc nêu trên.

Thanh Hiền