Tái diễn “giấy phép con” trong lĩnh vực in ấn?
Chính trị - Ngày đăng : 11:18, 18/06/2012
Cân nhắc việc cấp giấy phép đối với cơ sở in ấn
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) đề nghị cần cân nhắc khi quy định trở lại việc cấp giấy phép đối với tất cả các cơ sở in như trong dự thảo. Đại biểu Sang dẫn chứng, từ năm 2000 đến nay, thực hiện chủ trương của Nhà nước về bãi bỏ một số giấy phép và chuyển một số giấy phép thành điều kiện kinh doanh, giấy phép phát hành xuất bản phẩm đã giúp thị trường phát hành xuất bản phẩm nước ta có bước phát triển mạnh mẽ, với sự tham gia của các thành phần kinh tế. Cho rằng đây là một hình thức “giấy phép con” trong lĩnh vực in ấn, đại biểu đề nghị Bộ Thông tin – Truyền thông chỉ nên giữ vai trò quy định, giám sát và kiểm tra việc thi hành các quy định của pháp luật về xuất bản, việc cấp giấy phép và các vấn đề cụ thể liên quan đến xuất bản nên phân cấp để địa phương thực hiện. Nếu quy định quá tập trung về Bộ thì sẽ rất khó thực hiện.
Cùng chung quan điểm, các đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Đoàn Hà Nội), Nguyễn Văn Minh (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định cấp phép đối với các cơ sở in sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và chưa nâng cao được trách nhiệm quản lý của địa phương trong lĩnh vực này. Đại biểu đề nghị rà soát lại các quy định tại Chương III khi thực hiện cấp phép “đối với các cơ sở in khác” để tránh chồng chéo so với quy định của Luật Doanh nghiệp vì các cơ sở in hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hộ kinh doanh phải theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Các ý kiến cũng đề nghị phân cấp việc cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm (Điều 32) cho UBND cấp tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc quản lý nhà nước về công tác xuất bản in, phát hành các xuất bản phẩm, phù hợp với việc cách hành chính.
Không đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) đã dẫn ra một loạt mặt trái của lĩnh vực in ấn hiện nay. Đại biểu dẫn chứng, cả nước hiện có 1.500 cơ sở in công nghiệp lớn, nhỏ. Tuy nhiên, việc quản lý đối với các cơ sở in lại không cùng một khung pháp lý. Cụ thể là, trong số 1.500 cơ sở in thì mới chỉ có khoảng 400 cơ sở in chịu sự điều chỉnh của Luật Xuất bản và Nghị định số 105/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Trên 1.100 cơ sở in còn lại không bị quản lý bằng pháp luật chuyên ngành in. Chính điều này vô hình chung đã tạo ra kẽ hở, dẫn đến việc quản lý 1.100 cơ sở in nói trên gần như bị buông lỏng. Lợi dụng điều này, thời gian qua có không ít cơ sở in mặc dù không có chức năng in xuất bản phẩm nhưng vẫn thực hiện in hoặc tiếp tay cho các đối tượng khác để in lậu, in trái phép xuất bản phẩm nhằm trục lợi bất chính. Việc này đã gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, làm suy kiệt các nhà xuất bản làm ăn chân chính, đúng pháp luật. Đồng thời xâm hại nghiêm trọng quyền tác giả và các quyền liên quan, gây cản trở, hạn chế sức sáng tạo của đội ngũ tác giả. Thậm chí, không loại trừ cơ sở in loại này còn tham gia in lậu, in trái phép xuất bản phẩm có nội dung xấu, thậm chí in xuất bản phẩm có nội dung thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia.
Để khắc phục, giải quyết những hạn chế, bất cập trên, đại biểu Đào Thị Xuân Lan tha thiết đề nghị Luật Xuất bản sửa đổi lần này cần phải bổ sung các quy định về quản lý Nhà nước đối với các cơ sở in. Bên cạnh đó, cần bổ sung thẩm quyền, trình tự thủ tục của việc đăng ký cấp phép in ấn.
Không “thả lỏng” xuất bản phẩm điện tử
Cho rằng Xuất bản phẩm điện tử là mảng nội dung quan trọng nhất trong lần sửa đổi này, tại phiên thảo luận các ý kiến đã đề nghị nâng cao tính pháp lý, vai trò quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này.
Đại biểu Nguyễn Văn Minh (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong thực tế các việc quản lý ấn phẩm thực tế đang rất nhiều phức tạp, người dùng thoải mái sao chép mà không cần nghĩ đến việc thực hiện bản quyền. Đại biểu đề nghị sách điện tử cũng cần quy định phải có giấy phép xuất bản, phải có biện pháp, chế tài xử lý các vi phạm chủ quyền đối với xuất bản phẩm điện tử.
Ghi nhận những mặt tích cực của xuất bản phẩm điện tử song đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) cho rằng, lĩnh vực này đã bộc lộ nhiều mặt trái, nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ gây ảnh hưởng lớn đến an ninh chính trị. Dự thảo Luật mới dừng lại ở một số quy định mang tính nguyên tắc liên quan đến việc xuất bản xuất bản phẩm điện tử mà chưa kịp thời điều chỉnh hoạt động trước xu thế phát triển nhanh về công nghệ thông tin và truyền thông. Chẳng hạn việc quy định máy chủ đặt ở Việt Nam như trong dự thảo là chưa sát với thực tế. Đại biểu đề nghị các quy định của Dự thảo luật không chỉ nên thay đổi phương thức quản lý mà còn cần chú trọng nội dung, đề cao trách nhiệm người sử dụng, cung cấp thông tin.
Cũng liên quan tới nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) đưa ra con số, trung bình một ngày có tới 6.000 người đọc các ấn bản phẩm điện tử song quy định về vấn đề này tại Dự thảo còn mang tính chung chung, chưa chặt chẽ, chưa đưa ra khung pháp lý quản lý cụ thể, chi tiết nên khó khả thi. Vì vậy, Dự thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định về hình thức, phương thức và cơ chế quản lý; cần quy định về cả xuất bản, in và phát hành đối với xuất bản phẩm điện tử.
Liên quan tới nội dung liên kết giữa các nhà xuất bản, các ý kiến trong phiên thảo luận cho rằng chế tài trong Luật chưa có khả năng kiểm soát được tình trạng sai phạm trong những xuất bản phẩm liên kết. Cần bổ sung cụ thể hơn nữa trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong vấn đề quản lý mới nâng cao được hiệu quả, hạn chế được sai phạm trong lĩnh vực liên kết xuất bản. Đồng thời quy định rõ hơn, cụ thể hơn về trách nhiệm của đối tác liên kết, cần quy định chế tài nghiêm khắc xử lý trường hợp sai phạm, quy định rõ khi có sai phạm về xuất bản phẩm liên kết thì trách nhiệm thuộc về nhà xuất bản, không nên quy định đối tác liên kết phải chịu trách nhiệm vì nhà xuất bản có trách nhiệm thẩm định, phê duyệt xuất bản phẩm trước khi ký quyết định phát hành xuất bản phẩm.
Về mô hình tổ chức và đối tượng thành lập nhà xuất bản, nhiều ý kiến cho rằng, nhà xuất bản không nhất thiết phải là của nhà nước; Đề nghị bỏ loại hình đơn vị sự nghiệp công lập, mang nặng tính bao cấp, không thể hiện được chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực xuất bản và cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức; Nên mở rộng thành phần ngoài nhà nước được thành lập nhà xuất bản để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho xuất bản để bớt đi gánh nặng về kinh phí ngân sách nhà nước.