Quản lý xuất bản: Không thể buông lỏng

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:47, 18/06/2012

(HNM) - Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống xã hội, là nền tảng trong sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Xuất bản giữ vị trí quan trọng trong việc chuyển tải văn hóa.


Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 1.500 cơ sở in công nghiệp nhưng chỉ có khoảng 400 cơ sở chịu sự điều chỉnh của Luật Xuất bản. Lợi dụng kẽ hở này, thời gian qua không ít cơ sở in không có chức năng in xuất bản phẩm đã tiếp tay cho các đối tượng in lậu, in trái phép nhằm trục lợi bất chính. Vấn nạn in lậu đã trở thành căn bệnh trầm kha, không chỉ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế mà còn xâm hại nghiêm trọng quyền tác giả, gây cản trở, hạn chế sức sáng tạo của đội ngũ tác giả. Nguy hiểm hơn, một số cơ sở in lậu, in trái phép xuất bản phẩm có nội dung xấu, thậm chí có nội dung sai trái, không thể hiện đúng chủ quyền quốc gia!

Tình trạng in lậu tràn lan đang diễn ra ở mức độ khó, nếu không muốn nói là không thể kiểm soát có liên quan đến hoạt động phát hành. Các vụ việc vi phạm pháp luật về sản xuất và tiêu thụ sách giả, sách lậu bị các cơ quan chức năng phát hiện gần đây cho thấy nhiều cơ sở phát hành đã đứng sau, câu kết với nhà in thực hiện in lậu, in trái phép. Có một thực tế đáng lo ngại là sách được xuất bản theo hình thức liên kết giữa các nhà xuất bản với cơ sở phát hành sách tư nhân hiện nay chiếm tỷ lệ rất lớn, thậm chí tới hơn 90% tổng số sách xuất bản hằng năm tại một số nhà xuất bản.

Thức trạng này không thể tiếp diễn, tạo ra một hành lang pháp lý đủ sức ngăn chặn tình trạng xuất bản lậu và những hệ lụy của nó, đồng thời bảo vệ các cơ sở xuất bản làm ăn chân chính là hết sức cần thiết.

Một vấn đề nữa, xuất bản hiện nay đã và đang trở thành một ngành công nghiệp, công nghiệp tri thức - văn hóa. Thói quen đọc sách cũng đang dịch chuyển dần từ đọc thuần túy đến kết hợp đọc với nghe - nhìn. Do vậy, thời gian tới, xuất bản sẽ phát triển mạnh mẽ theo hướng đa dạng loại hình như sách trực tuyến, đĩa CD; qua các thiết bị kỹ thuật số, internet, điện thoại di động… Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển. Và để đón trước nhu cầu của cư dân đô thị (theo dự báo, đến năm 2020, chiếm 25-27% dân số), không ít nhà xuất bản đã và đang bắt tay xây dựng đề án phân phối sách điện tử…

Sách điện tử và các hình thức xuất bản trên phương tiện truyền thông hiện đại ra đời không phải để thay thế xuất bản truyền thống với sách in, nhưng chắc chắn sẽ phát triển sôi động trong thời gian tới, nếu không có biện pháp quản lý, hệ quả sẽ rất khó lường.

Sửa đổi Luật Xuất bản về tổ chức và hoạt động in nhằm giải quyết triệt để những bất cập đang tồn tại, tạo điều kiện cho hoạt động in phát triển lành mạnh là vấn đề cấp bách. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần lưu ý đến xu hướng phát triển của xuất bản để tránh việc văn bản pháp luật lạc hậu so với thực tế phát triển của xã hội.

Thế Phương