1h45 ngày 18-6, BĐN - Hà Lan (Bảng B): Lách qua cửa hẹp?
Xã hội - Ngày đăng : 04:10, 17/06/2012
"Lốc" chưa nổi lên
Bóng đá Hà Lan từng khiến thế giới túc cầu mê mẩn bởi lối chơi tấn công tổng lực. Lối chơi ấy cũng hàm chứa cả khái niệm phòng ngự tổng lực dựa trên khả năng gây sức ép ngay trên phần sân đối phương, bắt đầu từ các tiền đạo. Nhờ lối chơi đặc trưng ấy, Hà Lan đã một lần đăng quang ở EURO 1988. Nhưng cũng không ít lần, họ gục ngã ở trận chung kết giải vô địch thế giới hoặc ở vòng bán kết EURO. Và dù thành công hay thất bại, bóng đá Hà Lan vẫn được nể trọng bởi lối chơi tấn công tổng lực. Người ta đã không ngoa khi gọi đội tuyển Hà Lan là "Cơn lốc màu da cam". Một cách gọi mang đầy đủ sự tôn trọng với một đội bóng mạnh, có phong cách chơi bóng phong phú, hấp dẫn của làng túc cầu thế giới.
Van der Vaart được chờ đợi sẽ mang lại xung lượng mới cho hàng công Hà Lan. |
Nhưng trong cơn khát danh hiệu, từ World Cup 2010, đội tuyển Hà Lan đã chấp nhận từ bỏ phong cách tấn công quyến rũ, ào ạt như sóng vỗ bờ để áp dụng lối chơi thực dụng hơn, toan tính hơn dù không thiếu các cầu thủ tấn công hàng đầu thế giới. Cách chơi ấy đã mang lại ngôi Á quân cho Hà Lan tại World Cup 2010 nhưng không mang lại sự thoải mái cho những người trót yêu mến đội bóng này. Họ vẫn muốn đội bóng của họ phải trung thành với "tấn công tổng lực". Nếu có thua với phong cách ấy cũng không có gì nuối tiếc. Hà Lan vẫn thắng nhưng "lốc" trong lối chơi của họ vẫn không nổi lên.
Hai trận đấu đầu tiên tại EURO 2012 đã mang lại nỗi buồn cho Hà Lan. Vẫn phong cách thực dụng như ở World Cup 2010 nhưng "Đội bóng màu da cam" lại thiếu đi sự kết dính giữa các cá nhân. Thay vào đó chỉ là những nỗ lực đơn lẻ của từng người. Cách chơi ấy chỉ hợp khi gặp những đội bóng yếu còn khi đối đầu với những đội bóng được tổ chức tốt thì như đâm đầu vào tường. Cả 2 đội bóng đã đánh bại Hà Lan tại EURO kỳ này là Đan Mạch, Đức đều được tổ chức tốt, thi đấu chặt chẽ và sắc bén trong phản công. Chỉ cần có vậy, họ đã buộc Hà Lan phải ôm hận. Tất nhiên, chê hàng tấn công của Hà Lan cũng phải nhắc đến sự yếu kém trong khâu bọc lót của hàng phòng ngự đội bóng này. Cả 3 bàn thua từ đầu giải của họ đều khá dễ dàng, để các chân sút đối phương xâm nhập như vào chỗ không người.
Vì vậy, Hà Lan mới gần hết hy vọng vào tứ kết. Thắng được Bồ Đào Nha 2 bàn cách biệt là một chuyện, lại phải trông ngóng Đan Mạch bại trận trước Đức. Khi không thể tự quyết định được số phận, cửa vào tứ kết của Hà Lan thực sự mong manh.
Chờ Ronaldo lên tiếng
Trước lượt trận cuối với Hà Lan, Ronaldo vẫn được người Bồ Đào Nha đặt kỳ vọng lớn lao, cho dù anh đã thể hiện phong độ mờ nhạt trong 2 lượt trận đầu. Sức ép lớn hơn hẳn khi thi đấu cho Real Madrid đã khiến Ronaldo đánh mất sự sắc bén, ngẫu hứng trong khâu dứt điểm. Tiền đạo tài năng này vẫn được giao nhiệm vụ cầm chịch hàng tấn công Bồ Đào Nha nhưng thực sự anh chưa làm được nhiều cho đội bóng. Những pha đảo chân vẫn được Ronaldo thực hiện nhưng hiệu quả từ những đường kiến tạo hay dứt điểm của anh chỉ là số 0 tròn trĩnh. Cứ nhìn cái cách Ronaldo bỏ lỡ hai cơ hội ghi bàn trông thấy khi đối mặt với thủ môn Đan Mạch đủ thấy tiền đạo này đang căng thẳng như thế nào.
Dù sao, Ronaldo vẫn là ngôi sao sáng nhất của đội tuyển Bồ Đào Nha. Trước một Hà Lan đang buộc phải dâng cao để tìm kiếm chiến thắng, tốc độ và kỹ thuật của Ronaldo sẽ là thứ vũ khí quan trọng để xuyên thủng hàng phòng ngự vốn không mấy chắc chắn của Hà Lan. Hai trận đấu, Ronaldo không là chính mình nhưng biết đâu ở trận đấu cực kỳ quan trọng này, anh lại lên tiếng.
Cứ tin là thế. Và nếu thế, người Hà Lan sẽ phải ngậm đắng nuốt cay rời EURO 2012. Lúc ấy "lốc" sẽ nổi lên ở đất nước của cối xay gió. Tất nhiên đó không phải là "lốc" từ một lối chơi quyến rũ, mê hoặc lòng người mà là "lốc" chỉ trích, phê phán của báo giới, chuyên gia bóng đá.