Bất an tàu cánh ngầm

Đời sống - Ngày đăng : 07:27, 16/06/2012

(HNM) - Tàu cánh ngầm chạy tuyến TP Hồ Chí Minh - Vũng Tàu được nhiều hành khách, nhất là khách du lịch lựa chọn, bởi có cơ hội được ngắm cảnh sông nước và rút ngắn thời gian đi lại so với đường bộ. Tuy vậy, thời gian gần đây, mỗi khi bước chân lên tàu, hành khách không khỏi lo ngại vì tình trạng mất an toàn.

Tàu cánh ngầm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khó lường.

Thót tim vì sự cố

Tàu cánh ngầm tuyến TP Hồ Chí Minh - Vũng Tàu được khai thác chính thức từ năm 1993, ban đầu có 3 hãng hoạt động là Greenlines, Vina Express và Petro Express, từ tháng 5-2012 bổ sung một thương hiệu nữa là hãng Mekong Hydrofoil của Công ty TNHH một thành viên Sài Gòn cao tốc. Với 22 - 27 chuyến hoạt động/ngày, mỗi năm tàu cánh ngầm chạy tuyến TP Hồ Chí Minh - Vũng Tàu vận chuyển hơn một triệu lượt khách. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây đã xảy ra nhiều sự cố như va chạm giữa hai tàu, va vào phao, chết máy trôi dạt trên hành trình… khiến dư luận và hành khách cảm thấy bất an.

Kể lại sự cố mới xảy ra, anh Hoàng Văn Cường (quận 1) vẫn chưa hết bàng hoàng: "Ngày 13-5-2012, tôi đi tàu Greenlines B6 của Công ty CP Dòng Sông Xanh từ Vũng Tàu về TP Hồ Chí Minh, trên tàu có hơn 70 hành khách. Đến vịnh Gành Rái tàu bất ngờ bị chết máy, trôi tự do trên biển rồi đâm vào một tàu chở dầu khiến vỏ tàu bị vỡ toác một đoạn khoảng 1m và một số cửa kính ở khoang đầu cũng bị vỡ. Hành khách sợ hãi, nháo nhào đi tìm áo phao để mặc. Phải gần một giờ đồng hồ sau Công ty CP Dòng Sông Xanh mới điều tàu ra ứng cứu, chở hành khách về TP Hồ Chí Minh".

Được biết, ngày 28-4-2012, tàu Greenlines B3 từ TP Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu, khi đến ngã ba sông Thiềng Liềng thì bị… rơi chân vịt, không thể chạy tiếp! Nghiêm trọng hơn, ngày 15-1-2012, tàu Greenlines 2 đột nhiên bốc cháy phần đuôi khi đang bơm dầu tại cảng tàu khách Vũng Tàu. Năm 2011 cũng liên tiếp xảy ra sự cố về tàu cánh ngầm, như tàu Greenlines 2 bất ngờ phát hỏa khi đang bơm dầu tại cảng Cầu Đá, TP Vũng Tàu hồi tháng 3, rất may cơ quan chức năng đã khống chế được ngọn lửa trong thời gian ngắn. Hay như ngày 6-1-2011, tàu Vina Express 3 (thuộc Công ty CP Tàu cao tốc Vina) đang trên hành trình từ TP Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu bất ngờ bốc khói nghi ngút tại khoang số 3, khiến 132 hành khách phải một phen tá hỏa…

Bao giờ thay đội "tàu già"?

Theo ông Trần Thế Kỷ, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, phần lớn tàu cánh ngầm chạy tuyến TP Hồ Chí Minh - Vũng Tàu khi các hãng mua về đều đã qua sử dụng, thậm chí có phương tiện đã có "tuổi thọ" trên 20 năm. Do tàu cũ kỹ, xuống cấp nên không tránh khỏi tình trạng hư hỏng, chết máy trong quá trình vận chuyển hành khách. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hành khách đi tàu cánh ngầm, vừa qua Sở đã kiến nghị Bộ GTVT có hướng dẫn, quy định cụ thể tốc độ vận hành chạy tàu, phù hợp đối với từng khu vực trên hành trình tuyến giao thông đường thủy nội địa đã được cơ quan có thẩm quyền công bố, kể cả các tuyến thuộc địa phương quản lý. Đồng thời, quy định cụ thể về niên hạn của phương tiện tàu cao tốc cánh ngầm khi đưa vào hoạt động, khai thác. Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị Cảng vụ Hàng hải phối hợp cắm biển báo hạn chế tốc độ tại những khúc cua, ngã ba sông, khu vực có bến khách ngang sông, giúp lái tàu dễ dàng nhận thấy và điều chỉnh tốc độ an toàn. Sở cũng phối hợp với lực lượng CSGT đường thủy, Cảng vụ Hàng hải thường xuyên tăng cường kiểm tra phương tiện, kiểm tra chứng chỉ chuyên môn của lái tàu, phao cứu sinh, tình trạng an toàn tại hai đầu bến, xử lý nghiêm các hãng tàu chở quá tải, nhồi nhét hành khách.

Hiện nay, ở TP Hồ Chí Minh mật độ phương tiện thủy đi lại ngày càng tăng, nếu xảy ra tình trạng tàu cánh ngầm chết máy giữa sông sẽ trở thành hiểm họa đối với hành khách. Do vậy, việc sớm ban hành quy định về niên hạn sử dụng tàu cánh ngầm không chỉ buộc các doanh nghiệp phải đầu tư tàu mới, nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của hành khách.

Duy Biên