Nỗ lực tăng doanh số bán hàng

Kinh tế - Ngày đăng : 06:54, 16/06/2012

(HNM) - Sức mua ở tất cả các kênh từ siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh liên tục giảm sút trong mấy tháng qua khiến gánh nặng hàng tồn kho đang chất đống lên vai các doanh nghiệp (DN).

Ngày 15-6, Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) đã có buổi tọa đàm tại TP Hồ Chí Minh nhằm chia sẻ kinh nghiệm bán hàng, xử lý hàng tồn kho.

Hàng hóa ế ẩm, DN lao đao

Theo số liệu khảo sát của BSA, tình trạng ế ẩm khiến nhiều tiểu thương đã phải tạm ngừng kinh doanh. Tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), 23/84 sạp ngành hàng ăn uống đã phải đóng cửa (hơn 27%), con số này ở ngành hàng thực phẩm tươi sống là 100/403 sạp (gần 25%), còn hàng tạp hóa là 38/232 sạp (16,38%). Tại chợ Tân Bình, tình trạng bỏ sạp xảy ra rất nhiều, xe từ các tỉnh về nhập hàng cũng ít hẳn. Tình hình cũng tương tự ở hầu hết các chợ khác trong TP như Bến Thành, Tân Định, An Đông, Bình Tây…

Ở hệ thống siêu thị, dù liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng nhưng tăng trưởng bán hàng cũng giảm sút so với các năm trước. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Co.opMart cho biết, sức mua của hệ thống giảm nhiều so với năm 2011. Sức mua của Vinatexmart cũng giảm 7-10% so với cùng kỳ năm 2011. Còn tại các cửa hàng mặt tiền đường phố, dù treo bảng "khuyến mãi" rầm rộ nhưng bên trong vắng ngắt do người mua ít hẳn.

Tình hình buôn bán ế ẩm đã khiến lượng hàng tồn kho tăng cao. Theo ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Sở Công thương TP, so với cùng kỳ năm 2011 thì chỉ số hàng tồn kho ở ngành chế biến và bảo quản rau quả tăng 132%, các sản phẩm từ plastic tăng 89%, xi măng tăng 52,3%, bao bì tăng 44%, chế biến bảo quản thủy sản tăng 32%… Hàng tồn kho tăng cao, bán không được đã khiến DN lao đao vì bị giam vốn.

Tìm biện pháp phù hợp

Sức mua yếu kém và liên tục sụt giảm buộc các nhà bán lẻ, nhà phân phối, phải tích cực xoay xở, chạy đua để bán được hàng. Một trong các kênh phân phối được các DN quan tâm là chợ truyền thống, bởi nếu ở siêu thị tỷ trọng hàng Việt là 90% thì ngược lại ở các chợ, hàng Việt chỉ chiếm thị phần khoảng 10% - 30%, còn lại chủ yếu là hàng Trung Quốc.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho rằng, chợ truyền thống nay đã thay đổi nhiều, vì vậy các DN nên thành lập các điểm bán, cửa hàng tạp hóa gần các chợ để bán hàng. Bà Ngô Thị Hoàng Mai, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Liên Thành chia sẻ kinh nghiệm mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm của riêng công ty. Đây là điều thuận lợi, vì người tiêu dùng có tâm lý mua ở "cửa hàng gốc" nên yên tâm về chất lượng. Bên cạnh đó là liên kết với các cửa hàng bán lẻ để họ trưng bày sản phẩm của mình. Tạo sản phẩm khác biệt cũng là một cách, như Liên Thành làm nước mắm chay từ trái dứa có hương vị gần giống mắm mặn, tạo khẩu vị lạ cho người ăn chay. Bà Mai cho rằng, trong bối cảnh thị trường giảm sút, những nỗ lực của công ty đã giúp 6 tháng đầu năm tăng trưởng được 10% so với cùng kỳ năm 2011.

Bán hàng qua kênh trực tuyến cũng được nhiều DN áp dụng để giảm chi phí. Bà Ngô Thị Báu, Tổng Giám đốc Công ty Thời trang Nguyên Tâm (Foci) cho biết, giá thuê mặt bằng ở quận 1 rất cao, trung bình khoảng 20.000 - 25.000 USD/tháng, có nơi lên đến 35.000 USD/tháng, làm đội giá sản phẩm nên bán hàng trực tuyến sẽ giảm giá thuê mặt bằng, chiết khấu trực tiếp cho người tiêu dùng. Vậy nên bên cạnh các cửa hàng trực tiếp, đẩy mạnh bán hàng trực tuyến được DN này xem như một công cụ tích cực để tăng doanh số.

Lãnh đạo Công ty Liên Thành cho rằng, không có công thức chung cho tất cả DN để bán được hàng, mà mỗi DN phải tự tìm biện pháp phù hợp về sản phẩm đặc thù, nhân lực, nguồn vốn… Đồng ý với điều này, nhưng ông Lê Văn Trí, Phó Tổng giám đốc Casumina lưu ý những quy luật chung mà các DN phải tuân thủ để bán được hàng như sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh. Với các DN nhỏ, chưa đủ sức tổ chức hệ thống phân phối, ông Trí cho rằng DN nhỏ phải biết "né gió", tức là phải làm sao để sử dụng được hệ thống phân phối của các DN khác. Casumina sẵn sàng để các DN bán dầu nhớt, phụ tùng xe "đi theo" hệ thống phân phối của mình, vì điều đó sẽ làm tăng sức mạnh của hệ thống, đôi bên cùng có lợi để cùng tăng doanh số.

Đặng Loan