Thực tế không thể chấp nhận
Đời sống - Ngày đăng : 06:44, 16/06/2012
Lý do là dù công trình đã bắt đầu xây dựng, thậm chí có công trình đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư là UBND các địa phương vẫn chưa làm thủ tục đất đai. Đây là vấn đề rất đáng bàn về ý thức làm gương của cơ quan quản lý nhà nước.
Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có hàng trăm trường hợp dự án đầu tư xây dựng công trình chưa hoàn tất thủ tục đất đai. .Ảnh: Phương An |
Giám đốc Sở TN-MT Vũ Văn Hậu vừa báo cáo UBND TP về 508 trường hợp dự án đầu tư xây dựng công trình nhưng chưa làm thủ tục về đất đai. Tổng diện tích sử dụng đất của số dự án này lên tới khoảng 800ha. Đây đều là các dự án do UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện. Số liệu này mới chỉ dựa trên báo cáo của 17 quận, huyện, thị xã. 12 quận, huyện còn lại gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàng Mai, Long Biên, Thường Tín, Đông Anh, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Hoài Đức và Ba Vì chưa có báo cáo (dù đã quá thời hạn yêu cầu hơn 2 tháng). Điều đó cho thấy trong thực tế số dự án vi phạm có thể còn lớn hơn.
Trong số 17 quận, huyện, thị xã có dự án xây dựng công trình chưa làm thủ tục đất đai, huyện Quốc Oai có nhiều nhất (98 dự án), tiếp đến là thị xã Sơn Tây (93 dự án), quận Cầu Giấy (75 dự án), huyện Thạch Thất (59 dự án), huyện Mỹ Đức (56 dự án), huyện Phúc Thọ (43 dự án), quận Hà Đông (35 dự án), huyện Gia Lâm (17 dự án)... Chỉ có quận Hai Bà Trưng và huyện Từ Liêm là không có dự án nào chưa hoàn thành thủ tục về đất đai.
Việc các dự án đầu tư xây dựng công trình nhưng chưa làm thủ tục về đất đai là vi phạm pháp luật đất đai và các quy định về quản lý đầu tư, xây dựng. Sở TN-MT cho rằng, không chỉ vi phạm pháp luật và nhiều quy định khác, các trường hợp trên còn gây khó khăn cho công tác quản lý, ảnh hưởng đến quy hoạch kiến trúc địa phương. Thậm chí, cơ quan này còn cảnh báo về những khiếu kiện phức tạp có thể phát sinh từ việc làm tắc trách này. Vì trong diện tích đất để xây dựng 508 công trình, chỉ có một phần là đất công do UBND các phường, xã, thị trấn quản lý, còn lại là đất do tổ chức quản lý, sử dụng; đất nông nghiệp do UBND cấp xã, phường, các HTX và các hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng; đất thỏa thuận với các hộ gia đình, cá nhân. Nguồn gốc đất phức tạp, trong khi thủ tục chưa hoàn tất là nguy cơ nảy sinh khiếu kiện. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn là việc UBND các quận, huyện, thị xã là cơ quan hành pháp ở địa phương, lại vi phạm pháp luật đất đai thì khó có thể thông cảm. Vẫn biết, 508 dự án chủ yếu là các dự án đầu tư các công trình phục vụ mục đích công cộng ở địa phương như trạm y tế, trường học, chợ, nhà họp tổ dân phố, nhà văn hóa, trạm biến thế, đường giao thông, trụ sở xã, nghĩa trang liệt sĩ… Vẫn biết, quy trình làm thủ tục đất đai còn "nhiêu khê", rườm rà, đòi hỏi mất nhiều thời gian, công sức. Nhưng, việc UBND các địa phương cố tình vi phạm quy định pháp luật đã đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản về quản lý nhà nước. Bởi lẽ, các cơ quan quản lý nhà nước càng phải ý thức được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, trước hết là phải biết tôn trọng pháp luật, không vì lý do gì mà trái quy định pháp luật. Việc UBND các quận, huyện, thị xã vi phạm pháp luật đất đai là đáng trách và cần có biện pháp xử lý, giải quyết hậu quả kịp thời, đồng thời có biện pháp ngăn chặn tái diễn.
Nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh vừa ký văn bản số 4301/UBND-TNMT yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã có 508 dự án chưa làm thủ tục đất đai phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. 12 quận, huyện chưa báo cáo phải khẩn trương hoàn thành. UBND TP cũng nêu rõ, các quận, huyện, thị xã "kể từ nay phải chấm dứt việc đầu tư xây dựng công trình khi chưa làm thủ tục giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai. Các trường hợp cố tình thực hiện, các sở, ngành TP không quyết toán các công trình hoàn thành. Sở TN-MT không làm thủ tục hợp thức hóa, đăng ký biến động về đất đai và UBND TP sẽ kiểm điểm trách nhiệm đối với chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã theo quy định". |