Làm rõ trách nhiệm trong quản lý, điều hành

Chính trị - Ngày đăng : 06:21, 16/06/2012

(HNM) - Sáng 15-6, phiên trả lời chất vấn cuối cùng trong chương trình chất vấn kéo dài 2,5 ngày tại kỳ họp thứ ba Quốc hội (QH) khóa XIII được kết thúc với việc đăng đàn lần đầu tiên của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thay mặt Chính phủ và Thủ tướng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tập trung giải trình, làm rõ việc chỉ đạo giải quyết những tồn tại, sai phạm của các tập đoàn kinh tế, tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp đang có chiều hướng gia tăng, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn.

Bài toán quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước

Mở đầu phiên chất vấn, Phó Thủ tướng đã công bố Báo cáo cập nhật của Chính phủ về một số vấn đề điều hành kinh tế - xã hội năm 2012. Theo đó, Chính phủ quyết tâm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu mức tăng trưởng GDP năm 2012 đạt khoảng 6%, lạm phát 7-8% và đạt mức cao nhất các chỉ tiêu đã đề ra trong Nghị quyết của QH.

Ngay sau bản báo cáo khá toàn diện, đầy đủ về những vấn đề nổi lên mà các ĐBQH đặt ra tại kỳ họp, Phó Thủ tướng đã nhận được hàng loạt câu hỏi về tính khả thi của Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế, trách nhiệm của Chính phủ khi để xảy ra thất thoát tại các tập đoàn, tổng công ty.

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của Chính phủ đối với khuyết điểm và đổ bể của các tập đoàn, tổng công ty, Phó Thủ tướng cho rằng, mỗi một thất thoát, mỗi một hiện tượng không tốt trong xã hội đều liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan. Chính phủ nhận thức được vấn đề này và đã phân công, phân cấp trong quá trình xử lý giải quyết. Thời gian tới, Chính phủ sẽ có một chương trình quản lý tốt hơn, có hiệu quả hơn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để phát huy nguồn lực quan trọng này trong xây dựng đất nước, chống thất thoát, lãng phí.

Cùng mối quan tâm, ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) chất vấn: Các tập đoàn, tổng công ty chỉ khi nào thanh tra mới biết được nó hư cái gì, đầu tư cái gì. Vì sao chúng ta chưa tăng tính công khai, minh bạch buộc tập đoàn, tổng công ty công bố thông tin giống như các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán dù phương án này đã từng được Thủ tướng đồng tình? Phó Thủ tướng khẳng định trước QH việc các tập đoàn, tổng công ty cần phải công khai, minh bạch công bố thông tin để có sự giám sát tốt hơn, coi như là công ty lên sàn chứng khoán, góp phần chống tham nhũng, tiêu cực trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là việc cần thiết.

Các đại biểu QH đặc biệt quan tâm chất vấn hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ảnh: Viết Thành

Một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu

Cải cách hành chính "một cửa nhiều ngách", bộ máy hành chính cồng kềnh và kỷ cương, kỷ luật của một bộ phận công chức cũng là nội dung được các ĐB Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên), Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) quan tâm chất vấn. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cả nước hiện có trên 2,8 triệu cán bộ công chức kể cả lực lượng vũ trang, trong đó công chức cấp xã có trên 111.000 người. Đa số cán bộ công chức của chúng ta có bản lĩnh chính trị, có tinh thần trách nhiệm, có ý thức tổ chức kỷ luật. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn thừa nhận, năng lực và trình độ của một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Một bộ phận không nhỏ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu, có bộ phận tham nhũng, tiêu cực, làm mất uy tín của đội ngũ cán bộ và của Đảng, Nhà nước ta.

Để khắc phục tình trạng này, Phó Thủ tướng đã đưa ra các biện pháp đối với công tác cán bộ, cải cách thủ tục hành chính như rà lại văn bản pháp luật nhất là về tuyển dụng, đánh giá thi cử để có đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới; loại bỏ những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ và cán bộ vi phạm kỷ luật, cán bộ mất uy tín với Đảng và nhân dân. Phó Thủ tướng chia sẻ, dù thủ tục gì đi chăng nữa, nhưng cán bộ của chúng ta không tận tụy, tiêu cực, tham nhũng thì không thủ tục nào giải quyết nổi. Phó Thủ tướng cũng đề nghị và mong muốn các cấp ủy, chính quyền cần phải tăng cường những cán bộ tốt, có năng lực, có phẩm chất, nhất là các lĩnh vực mà người dân đang bức xúc như đất đai, xây dựng, an toàn thực phẩm, thuế, khám chữa bệnh...

* Chiều cùng ngày, QH đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Biển Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:
Khẩn trương thực hiện hiệu quả lời hứa

Phát biểu kết thúc 2,5 ngày tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết, cùng với 1.204 ý kiến kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến QH, tại kỳ họp này đã có trên 160 câu hỏi chất vấn 19 bộ trưởng, trưởng ngành và các vị lãnh đạo QH, Chính phủ. Theo Chủ tịch QH, những vấn đề đặt ra tại phiên chất vấn tuy không mới nhưng được cử tri cả nước quan tâm. Các ĐBQH nêu câu hỏi gọn, rõ, đi thẳng vào vấn đề.

Chủ tịch QH đề nghị các thành viên Chính phủ đã trả lời tại kỳ họp này khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả các vấn đề hứa trước QH. Đến kỳ họp thứ tư, 5 thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai và 5 thành viên Chính phủ trả lời chất vấn tại kỳ họp này đều phải có báo cáo gửi tới các vị ĐBQH về việc thực hiện cam kết, lời hứa trong năm nay để QH giám sát.

An Trân