Xóa độc quyền tư duy

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:04, 16/06/2012

(HNM) - Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận, việc để tồn tại tình trạng độc quyền quá lâu đối với ngành điện và xăng, dầu, một phần trách nhiệm là của Bộ Công thương.

Một sự thừa nhận không sớm, nhưng có lẽ cũng chưa muộn.

Với người dân, cụm từ "độc quyền" đã trở nên quen thuộc trong những năm gần đây, nhắc đến ngành điện, xăng là nghĩ đến độc quyền. Từ độc quyền dễ dẫn đến đặc quyền. Thế nhưng tình trạng này đã kéo dài quá lâu, gây nhiều rắc rối trong thời gian vừa qua. Riêng với ngành điện, lộ trình để xóa độc quyền phải đến năm 2022, kéo dài tới 17 năm (từ 2004) mới hoàn tất. Chính Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, nếu kéo dài tình trạng này, sẽ khiến thị trường điện thiếu sự cạnh tranh lành mạnh và hạn chế động lực phát triển, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Có một vấn đề được đặt ra lâu nay là, Nhà nước muốn giá cả hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường, thế nhưng lại chưa tạo ra được sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Ba ngành điện, than và xăng dầu, vốn là chủ lực của nền kinh tế, mọi biến động giá cả đều có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế và đời sống xã hội lại đều chưa có cơ chế cạnh tranh. Thế nên, chuyện nay đòi tăng giá, mai than khó khăn vẫn xảy ra như cơm bữa. Ngay cả cái cách họ "đòi" theo cơ chế thị trường cũng thể hiện tính độc quyền rõ nét. Từ độc quyền sản xuất, ngành điện giữ luôn "đặc quyền" phân phối nên giá thành sản phẩm của họ luôn mang tính áp đặt, còn người dân lại chưa thể kiểm chứng được giá thành điện. Thiếu điện, cắt điện triền miên nhưng ngành điện vẫn vô tư đầu tư ra ngoài ngành, mà quên tìm phương án giải quyết triệt để, mặc cho người dân có kêu ca. Còn với xăng dầu thì dư luận cũng đã rõ, câu chuyện bàn đi bàn lại đến nay vẫn là cách tính giá thiếu minh bạch và những lần tăng giá bất thường. Không có cạnh tranh, người tiêu dùng không có quyền lựa chọn sản phẩm, dịch vụ, không thể thỏa thuận về giá. Đây chính là hình ảnh xấu xuất phát từ tư duy độc quyền.

Tiếc là kiểu suy nghĩ này hiện nay không còn là hiếm, thậm chí nó còn "lan tỏa" đến cả những người nông dân. Bình thường không sao, nhưng hễ có sự biến là lập tức những nông dân này cũng chẳng ngại ngần o ép, tăng giá phi lý, có thể đó chỉ là bó rau, mớ tép giá trị không cao, nhưng người mua cũng bị đặt vào tình thế bị không được lựa chọn. Nhìn ở một góc độ sâu hơn, tư duy độc quyền còn có thể biến thế giới xung quanh nó trở thành chiếc ao làng và chiếc ao ấy nếu không được khơi thông, không được thay nước sẽ làm triệt tiêu động lực, cản trở sự phát triển của xã hội.

Khi nói đến xóa độc quyền trong sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực, nhiều quan chức cho rằng cần phải có lộ trình, có thời gian, vì hầu hết các lĩnh vực ấy đều là thiết yếu, làm nhanh có thể gây hỗn loạn thị trường. Nhưng xét cho cùng đó cũng chỉ là một cách nghĩ. Một ví dụ điển hình cho việc xóa độc quyền chính là ngành viễn thông. Dù không thuộc diện "thiết yếu" như xăng, điện, than, nhưng cũng là một ngành mũi nhọn. Hơn mười năm trước, thị trường mạng điện thoại di động chỉ có một nhà cung cấp, giá cước luôn cao ngất ngưởng. Nhưng với sự xuất hiện của nhiều nhà mạng mới, lập tức, giá cước di động liên tục hạ nhiệt. Người tiêu dùng chính là đối tượng được hưởng lợi.

Rõ ràng, chuyện xóa độc quyền, sớm hay muộn, nhanh hay chậm phần nhiều phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người thực hiện. Vì vậy, muốn xóa độc quyền kinh tế, trước hết phải xóa được sự độc quyền trong tư duy.

Tuấn Kiệt