Giải “bài toán” khó trong dồn điền đổi thửa
Xã hội - Ngày đăng : 07:22, 15/06/2012
Mô hình trồng hoa ly cho giá trị kinh tế cao ở xã Đại Đồng (Thạch Thất).
Tuy nhiên, đặc thù của Thạch Thất là có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, nhiều dự án lớn của Trung ương và TP đang triển khai trên địa bàn nên một bộ phận không nhỏ người dân có tâm lý giữ đất, chờ các dự án mới để được nhận tiền bồi thường. Ngoài ra, một số hộ nông dân đã bị thu hồi đất cho các dự án từ 50 đến 80% diện tích, hiện chỉ còn vài mảnh để sản xuất nên không muốn dồn đổi thành một mảnh vì sợ bị thu hồi nốt khiến công tác DĐĐT của huyện đã khó lại càng thêm khó khăn. Bên cạnh đó, địa hình của huyện không bằng phẳng do thuộc vùng đồi gò bán sơn địa, nên chất lượng ruộng đất không đồng đều, nơi xấu, nơi tốt; ruộng đất lại manh mún, nhỏ lẻ, trung bình mỗi hộ có từ 6-7 thửa, cá biệt có hộ có tới 18 thửa nên cũng là rào cản trong việc thực hiện dồn đổi ruộng.
Thời gian qua, nằm trong vùng phát triển nóng, đất đai ở huyện thực sự là tấc "vàng" nên một số người dân đã mua bán đổi ngầm khiến công tác DĐĐT đã khó càng thêm khó. Thực tế, muốn DĐĐT, huyện phải đo đạc lại ruộng đất nên cần nguồn kinh phí khá lớn. Theo tính toán ban đầu, với gần 1.687ha ruộng phải dồn đổi thì nguyên kinh phí cho việc đo đạc lại cũng mất vài tỷ đồng.
Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Xã cho biết, xã thuộc vùng đồi gò, nhưng đã mất hơn 50% diện tích nông nghiệp vào dự án công nghệ cao nên chỉ còn 142,7ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện DĐĐT số diện tích này trong hai năm (2012-2013) không dễ bởi toàn bộ diện tích phải dồn đều là vùng đồi gò và không nằm liền nhau, xen lẫn là khu dân cư nên các hộ dân không tha thiết với dồn đổi ruộng. Hiện nay, chỉ có 17/23 xã của huyện là có khả năng dồn đổi ruộng, còn 6 xã khác đang nằm trong vùng có nhiều dự án lớn triển khai nên không thể thực hiện.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, hoàn thành DĐĐT đúng tiến độ, huyện Thạch Thất đã tập trung xây dựng phương án, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch DĐĐT và đưa ra bàn bạc công khai dân chủ trong Đảng, trong dân để tạo sự đồng thuận. Huyện ủy Thạch Thất đã có nghị quyết, UBND huyện cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch triển khai tương đối chi tiết. Năm 2012, huyện đã triển khai đồng loạt ở 17 xã, trong đó chọn hai xã Đại Đồng và Hương Ngải làm điểm để từng bước rút kinh nghiệm, phấn đấu đến hết năm 2012 thực hiện DĐĐT được 927,7ha/1.686,73ha, đạt 55% diện tích đất nông nghiệp phải dồn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chu Đại Thành cho rằng, việc DĐĐT ở huyện tuy rất khó khăn, nhưng không thể không làm, bởi có dồn được thì mới tạo ra những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao và xây dựng NTM thành công. Để thực hiện được việc này, trong 6 tháng cuối năm, ngoài việc tập trung tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc DĐĐT cho nhân dân để kéo người dân cùng vào cuộc, huyện sẽ đẩy mạnh công tác quy hoạch làm nền tảng cơ bản để triển khai Chương trình xây dựng NTM, ưu tiên đầu tư vốn cho các công trình phục vụ sản xuất cho những xã thực hiện tốt việc dồn đổi ruộng.