Đoạn kết buồn của vị tổng thống 30 năm quyền lực

Hồ sơ - Ngày đăng : 06:24, 15/06/2012

(HNM) - Ngày 11-6, cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, được thông báo đã hôn mê hoàn toàn. Những biến chứng về tim mạch đã khiến các bác sĩ phải sử dụng máy sốc tim nhiều lần để duy trì sự sống cho vị Tổng thống quyền lực một thời tại một bệnh viện nhà tù ở Cairo.

30 năm "sở hữu" chiếc ghế Tổng thống tưởng chừng bất khả xâm phạm, bản án trọn đời trong trại giam và tình trạng sức khỏe ngày càng xấu là kết cục chưa từng ai nghĩ lại có thể xảy ra với người đàn ông quyền lực này.

Sinh ngày 4-5-1928 tại một ngôi làng ở Menofya, gần thủ đô Cairo trong một gia đình nghèo khó, Mubarak tốt nghiệp Học viện Quân sự Ai Cập năm 1949 trước khi trở thành một tư lệnh không quân. Dù không xuất thân từ danh gia vọng tộc, nhưng con đường quan lộ với chính trị gia này khá thênh thang. Từng giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng, Mubarak được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng thống Ai Cập từ năm 1975. Rất ít người có thể ngờ rằng vị Phó Tổng thống lại có khả năng trở thành Tổng thống thứ tư của xứ sở Kim tự tháp sau vụ người đứng đầu đất nước Ai Cập lúc bấy giờ Anwar Sadat bị ám sát năm 1981.

Ông Sadat bị các phần tử Hồi giáo sát hại ngay tại một cuộc diễu binh ở Cairo. Lúc đó, ông Mubarak may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần dù ngồi sát người tiền nhiệm và chỉ bị thương. Kể từ thời điểm đó, Tổng thống "trị vì" lâu đời nhất tại Ai Cập đã thoát chết trong ít nhất 6 vụ ám sát. Lần gần đây nhất là vào năm 1995 khi chiếc xe limousine chở ông bị tấn công tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia khi dự Hội nghị Thượng đỉnh Châu Phi. Cùng sự may mắn thần kỳ khiến ông luôn thoát chết trong gang tấc, cựu tư lệnh không quân này cũng duy trì quyền lực kể từ khi nhậm chức ngày 6-10-1981 bằng mối quan hệ thân thiết với phương Tây và thẳng tay với các phong trào đối lập ở Ai Cập.

Lập gia đình với Suzanne Mubarak, một phụ nữ Ai Cập lai Anh từng tốt nghiệp một trường đại học Mỹ tại Cairo và có hai con trai Gamal và Alaa, nhà lãnh đạo Ai Cập còn nổi tiếng với một cuộc sống quy củ với các kế hoạch luôn được bắt đầu từ 6h sáng. Tuy nhiên, sự kiện ban bố luật tình trạng khẩn cấp suốt 31 năm, trao cho các cơ quan công quyền quá nhiều quyền lực và những hành động được cho là chống lại dân chủ, cựu Tổng thống Mubarak cũng là tâm điểm của nhiều sự chỉ trích. Mặc dù vậy, quyết định từ chức và chuyển giao quyền lực cho Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập vào ngày 11-2 sau những áp lực không ngừng từ các cuộc biểu tình với cảm hứng từ phong trào Mùa xuân Arab là sự kiện gây bất ngờ. Đây không chỉ trở thành dấu mốc trong lịch sử chính trường đất nước Bắc Phi mà còn là một ngã rẽ định mệnh với gia đình Mubarak. Ông cùng hai con trai hiện đang bị giam giữ vì tội giao dịch nội gián, rửa tiền, bị cáo buộc tham nhũng nhiều tỷ USD trong những năm tại vị. Có nhiều chứng cứ được đưa ra để chứng minh rằng trong suốt 30 năm nắm quyền, việc tiếp cận với những hợp đồng đầu tư kếch xù đã khiến gia đình ông nắm giữ khối tài sản có thể lên tới 70 tỷ USD. Hai con trai vị Tổng thống đang bị giam cầm cũng là tỷ phú. Tuy nhiên, những gì xảy ra đã lật mở một chương mới không ít rối ren trong lịch sử Ai Cập hiện đại nhưng lại là một đoạn kết không thể nói là có hậu với cựu Tổng thống Hosni Mubarak.

Minh Nhật