Trượt dài trong xung đột, bạo lực
Thế giới - Ngày đăng : 06:11, 15/06/2012
Tổng thư ký Cơ quan gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc Harve Ladsous đã củng cố nhận định này khi ngày 13-6 tuyên bố "Syria đang trong tình trạng nội chiến". Damascus đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố này; nhưng đến nay, theo đánh giá của các quan sát viên quốc tế, ít nhất 14.100 người đã thiệt mạng trong 15 tháng diễn ra làn sóng biểu tình dẫn đến các hành động bạo lực chống chính phủ tại Syria.
Bạo lực leo thang đang khiến cuộc khủng hoảng tại Syria lâm vào ngõ cụt. |
Kế hoạch hòa bình cho Syria theo sáng kiến của Đặc phái viên chung Liên hợp quốc - Liên đoàn Arab (AL), ông Kofi Annan được xem là cơ hội cuối cùng nhằm giúp đất nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng đang bị cả hai phía là chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad và phe đối lập bỏ lỡ. Theo sáng kiến của ông K.Annan, mọi hành động bạo lực phải chấm dứt, cho phép triển khai các hoạt động cứu trợ nhân đạo, phóng thích những người bị giam giữ liên quan tới các vụ biểu tình và rút lực lượng an ninh khỏi các thành phố điểm nóng... Damascus đã thực hiện điều này. Tuy nhiên, sự hậu thuẫn mạnh mẽ của phương Tây nhằm lật đổ chế độ hiện hành tại Syria do Tổng thống Bashar Al-Assad lãnh đạo đã khiến tình hình thêm trầm trọng. Đánh giá tình hình tại quốc gia Trung Đông này, ngày 13-6, Nhà Trắng cho biết, Syria chưa rơi vào nội chiến, một kế hoạch không kích giới hạn vào Syria đang được Lầu Năm Góc gấp rút tiến hành. Theo nhiều nguồn tin, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh cho không quân và hải quân Mỹ đẩy nhanh công tác chuẩn bị cho một cuộc không kích hạn chế nhằm vào chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad, đồng thời áp đặt các khu vực cấm bay tại Syria. Nhiệm vụ của lực lượng Mỹ là hạ gục chính quyền trung ương của ông Bashar Al-Assad và các trung tâm chỉ huy quân sự nhằm làm lung lay sự ổn định chính quyền khiến quân đội và không quân Syria không thể đánh bại phe nổi dậy. Cùng với đó, Washington tăng cường cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy và tổ chức các lực lượng đối lập thành quân chuyên nghiệp có thể đương đầu với các đơn vị quân đội trung thành với Tổng thống Bashar Al-Assad.
Trên phương diện quốc tế, cuộc vận động hành lang nhằm siết chặt cấm vận chính quyền Damascus đang được Anh, Pháp và Mỹ, 3 ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an tiến hành khẩn trương. Theo các nhà quan sát, Washington đang thúc đẩy một nghị quyết mới để những ngày tới tiến hành bỏ phiếu. Một kịch bản tương tự như đã diễn ra tại Libya đang được dự báo cho Syria. Thế nhưng, kịch bản ấy xem ra khó thành hiện thực. Nga, Trung Quốc, hai nước thường trực trong HĐBA luôn bác bỏ việc sử dụng vũ lực để lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar Al-Assad. Ngày 9-6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Mátxcơva sẽ không phê chuẩn việc sử dụng vũ lực chống chế độ Syria tại Liên hợp quốc. Ông S.Lavrov thừa nhận, kế hoạch hòa bình với Syria theo sáng kiến của ông K.Annan đang bị đình trệ, nhưng nhấn mạnh rằng Điện Kremli thấy không có sáng kiến nào thay thế kế hoạch này. Ngoại trưởng S.Lavrov cáo buộc Mỹ cung cấp vũ khí cho lực lượng chống đối ở Syria, làm trầm trọng thêm cuộc xung đột tại nước này; đồng thời khẳng định, việc Nga cung cấp "các hệ thống phòng không" cho Damascus - như tin phương Tây đã đưa về các máy bay trực thăng Nga đang trên đường tới Syria - là theo thỏa thuận và "hoàn toàn không vi phạm các luật pháp quốc tế"...
Sở hữu một vị trí địa - chiến lược ở Trung Đông, Syria là địa bàn luôn được các cường quốc để mắt tới. Từ Syria có thể tạo ảnh hưởng mạnh với Iran cũng như khống chế nguồn dầu mỏ dồi dào của Trung Đông. Do đó, một cuộc đổi thay chính trị có lợi luôn là mối quan tâm của các nước phương Tây. Vì thế, cuộc khủng hoảng tại Syria đang tiếp tục dâng cao là không quá khó hiểu. Trong một diễn biến mới, ngày 11-6, Nhật báo Al-Qabas của Kuwait đưa tin, nhiều người Kuwait đang chiến đấu cùng Quân đội Syria Tự do của phe nổi dậy chống chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad sau khi thâm nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ. Những nhóm chiến binh lớn từ Saudi Arabia, Libya và Pakistan cũng đang có mặt tại Syria... Sức ép đang ngày một tăng với Damascus và đang ảnh hưởng trực tiếp đến người dân nơi đây. Nếu không có một giải pháp hữu hiệu và cân bằng, cuộc nội chiến tại Syria có nguy cơ sẽ thổi bùng một thời kỳ bất ổn mới tại khu vực Trung Đông.