Sẽ làm rõ nguyên nhân ông Dương Chí Dũng bỏ trốn

Chính trị - Ngày đăng : 17:20, 14/06/2012

(HNMO) – Các vấn đề về đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là nạn tham nhũng, tín dụng đen, tội phạm vị thành niên…và xây dựng lực lượng công an trong sạch, giữ vững phẩm chất đạo đức được các đại biểu QH tập trung chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang chiều ngày 14/6.


Đầu phiên chất vấn, Thượng tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ CA cho biết, thời gian vừa qua, diễn biến tình hình kinh tế, chính trị, an ninh thế thế giới đã có nhiều tác động đến nước ta. Tuy nhiên, tình hình tội phạm ở Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới ở mức trung bình. Trong 6 tháng đầu năm, xảy ra bình quân 5,6 vụ án/100.000 dân/năm (tỷ lệ này ở Thái Lan là 11,5 vụ, Nhật Bản: 2,3 vụ, Hàn Quốc: 20,3 vụ…)

Dù vậy, hoạt động tội phạm có tổ chức, trộm cướp sử dụng vũ khí nóng gia tăng, tội phạm xâm phạm trẻ em (hiếp dâm trẻ em, hành hạ trẻ em), chống người thi hành công vụ và tội phạm về công nghệ cũng gia tăng.

Nguyên nhân là do kinh tế khó khăn, giới trẻ xuống cấp về đạo đức do ảnh hưởng từ các trò chơi trực tuyến, công tác phòng chống tội pháp tại cơ sở còn mang tính hình thức…Tội phạm vị thành niên gia tăng có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có sự buông lỏng quản lý giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội.

Tội phạm công nghệ cao đang diễn biến phức tạp. 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý 111 vụ với 232 đối tượng (chủ yếu người Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan). Bộ đã thành lập Đội cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao. “Tội phạm mạng là loại tội phạm mới, trên thế giới diễn biến phức tạp, gây thiệt hại cho nhiều quốc gia về vật chất và con người. Ở Việt Nam, các thế lực thù địch sử dụng mạng xã hội để kích động, chống lại chính quyền” – Bộ trưởng Trần Đại Quang nhận định.

Rút kinh nghiệm nghiêm túc về việc ông Dương Chí Dũng bỏ trốn

Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc ông Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch Vinalines bỏ trốn trước khi thi hành lệnh bắt tạm giam. Bộ trưởng cho biết, qua nghiệp vụ, cơ quan CA phát hiện ông Dũng cùng một số cá nhân vi phạm cố ý làm trái gây thiệt hại nghiêm trọng.

Cơ quan điều tra đã làm việc với ông Dũng và ông đã thừa nhận sai phạm của mình. Căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ và quy định của Đảng, Nhà nước, cơ quan cảnh sát điều tra báo cáo cơ quan thẩm quyền bắt và khám xét. Tuy nhiên, ngay chiều ngày hôm đó, khi cơ quan CSĐT triển khai bắt ông Dũng và một số người liên quan thì ông đã trốn khỏi nơi cư trú.

Cơ quan CA cũng đã vận động gia đình động viên ông Dũng ra đầu thú nhưng không có kết quả. Ngay sau đó CQĐT đã phát lệnh truy nã đặc biệt trên toàn quốc, phối hợp với các cơ quan phòng chống tội phạm quốc tế truy bắt ông Dũng nếu như trốn ra nước ngoài.

“Những biện pháp truy nã, truy bắt ông Dũng đã được triển khai khẩn trương. Vụ việc này Bộ CA đã chỉ đạo cơ quan CSĐT làm rõ nguyên nhân ông Dũng bỏ trốn, xem có lọt thông tin hay không. Nếu có phải điều tra xử lý theo pháp luật, kiểm điểm rút kinh nghiệm nghiêm túc về các biện pháp nghiệp vụ.

Qua vụ việc này xin kiến nghị Quốc hội khi nghiên cứu sửa đổi luật Tố tụng hình sự và Phòng chống tham nhũng, cho phép cơ quan điều tra được áp dụng một số biện pháp ngăn chặn cần thiết và điều tra bí mật trinh sát với một số cá nhân có dấu hiệu phạm tội tham nhũng” – Bộ trưởng Trần Đại Quang nêu ra kiến nghị.

Về trách nhiệm của Bộ GTVT trong bổ nhiệm cán bộ, tại cuối buổi chất vấn, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng địn: Ông Dương Chí Dũng đã được Bộ GTVT thực hiện việc bổ nhiệm đúng và đầy đủ các quy trình, quy định về công tác quản lý cán bộ của Đảng, Nhà nước, đúng thẩm quyền; bảo đảm dân chủ, tập thể…Tuy nhiên, thực tế hiện nay khi ông Dũng bị khởi tố về hành vi vi phạm từ năm 2007, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhận trách nhiệm về mình khi chưa thực sự sâu sát trong quản lý cán bộ. Lãnh đạo Bộ cũng xin rút kinh nghiệm sâu sắc, kiểm điểm nghiêm túc từng cá nhân, đơn vị liên quan.

Không thể một sớm một chiều giải quyết tiêu cực trong CSGT

Trả lời câu hỏi của ĐB Đỗ Mạnh Hùng về hiện trạng trên, Bộ trưởng nhận định môi trường công tác của lực lượng CSGT dễ nảy sinh tiêu cực với nhiều áp lực về sự chống trả, mua chuộc của tội phạm; Môi trường công tác nhiều áp lực: Sự chống trả, mua chuộc của tội phạm; điều kiện thời tiết khắc nghiệt... Trong khi tuyệt đại đa số cán bộ chiến sĩ CSGT giữ được phẩm chất đạo đức, hoàn thành tốt nghiệm vụ thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ vi phạm điều lệnh CAND, vi phạm pháp luật, nảy sinh ra tiêu cực, tham nhũng.

Đảng uỷ cơ quan TƯ và Bộ CA đã đặc biệt coi trọng công tác phòng chống tiêu cực trong lực lượng CSGT, góp phần xây dựng lực lượng này trong sạch, vững mạnh với nhiều chỉ thị, nghị quyết, đề án phòng ngừa tiêu cực, chống sai phạm trong CSGT. Kết quả đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hàng trăm CSGT không nhận hối lộ, nộp lại hàng trăm triệu đồng. Đã có 11 đồng chí hy sinh, 200 đồng chí bị thương trong khi làm nhiệm vụ.

Bộ trưởng khẳng định: “Thái độ của Bộ Công an là nghiêm túc, kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm ở nhiều mức độ như đình chỉ công tác, khởi tố và truy tố trước pháp luật; thậm chí xem xét trách nhiệm với người quản lý, trưởng phòng, phó giám đốc, giám đốc... nếu có liên quan. Tuy nhiên, không thể một sớm một chiều giải quyết được những tiêu cực trong lực lượng CSGT. Bộ sẽ tiếp tục triển khai đề án phòng ngừa, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiện toàn đội thanh tra đặc biệt… thì chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực hơn”...

Ngân Hạ