Mùa thi và nỗi lo của các trường nghề

Giáo dục - Ngày đăng : 06:42, 14/06/2012

(HNM) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 vừa kết thúc, kèm theo những dự đoán về một tỷ lệ tốt nghiệp làm hài lòng nhiều người, song vẫn còn rất nhiều mối lo, trong đó có việc phân luồng HS theo học nghề. Nhìn cảnh cả gần triệu thí sinh (TS) vừa thi tốt nghiệp THPT kìn kìn đổ về các thành phố lớn ôn luyện, chuẩn bị dự thi ĐH, CĐ là thấy rõ tình trạng kém hiệu quả của công tác phân luồng.

Hướng học nhiều hơn hướng nghề

Câu chuyện ở tỉnh Vĩnh Phúc khi không cho HS đăng ký thi ĐH, CĐ để "lùa" HS theo học nghề ngay đầu mùa tuyển sinh năm 2012 đã thu hút sự quan tâm của dư luận về công tác hướng nghiệp - vấn đề không mới, song năm nào cũng được đặt ra với rất nhiều trăn trở. Một khảo sát năm 2010 của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho thấy, có tới hơn 70% HS tốt nghiệp THPT có ý thức nghề nghiệp; 85% HS muốn vào ĐH; 56% số HS sẵn sàng thi lại vào năm sau nếu trượt ĐH; chỉ 8% có ý định học nghề.

Đào tạo nghề cho các học viên tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Bảo Lâm

Có vô số nguyên nhân được đề cập cho sự kém hiệu quả của công tác hướng nghiệp. Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội) cho rằng, các bậc phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc định hướng nghề nghiệp cho con. Việc học tiếp lên các bậc học cao hơn như là điều mặc nhiên. Chỉ đến khi con học lớp 12, gia đình mới bàn đến việc cho chúng thi ngành nào. Và rồi khi trượt ĐH, họ mới tìm kiếm công việc cho con. Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, nhà trường và gia đình phối hợp hướng nghiệp cho trẻ ngay từ khi chúng ở tuổi mẫu giáo, tiểu học.

Còn phía nhà trường? Chương trình giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông do Bộ GD-ĐT ban hành được thực hiện từ lớp 9 đến lớp 12, song thời lượng cứ teo dần. Lúc mới thí điểm theo chương trình phân ban, giáo dục hướng nghiệp được bố trí 27 tiết/năm, sau giảm còn 18 tiết/năm và hiện nay là 9 tiết/năm. Tính ra, mỗi tháng HS có một tiết giáo dục hướng nghiệp. Chương trình chung chung, giáo viên kiêm nhiệm, việc giảng dạy môn học này chỉ là hình thức ở hầu hết các trường THPT.

Nhận biết rõ sự thiếu hụt thông tin của các cô, cậu học trò, cận mùa tuyển sinh hằng năm, hàng loạt tổ chức, đơn vị lại kết nối với các trường THPT tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh. Nói là tư vấn, định hướng chọn nghề nhưng hầu hết đều dành phần lớn thời gian cung cấp thông tin về các trường ĐH, CĐ; trao đổi kinh nghiệm học tốt môn này, môn kia để thi đỗ ĐH, CĐ. Việc định hướng, trang bị cho các em về nhu cầu tuyển dụng lao động sau khi được đào tạo nghề rất hiếm, hoặc nếu có, lại chưa tiếp cận được đúng đối tượng. Vài năm trước, Hà Nội từng dành thời gian tổ chức một hoạt động nhằm làm cầu nối giữa các trường TCCN, dạy nghề với HS, song hầu hết "khách mời" tham dự lại là HS khá, giỏi của các trường - những HS chỉ có nguyện vọng học ĐH, CĐ, trong khi lẽ ra phải là những em học lực từ trung bình trở xuống. Cung - cầu không gặp nhau. Kế hoạch tổ chức thường niên đành ngắt quãng.

Tuyển sinh học nghề còn ế?

Sự yếu kém trong công tác phân luồng HS năm nào cũng được đề cập như một nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng khó khăn của các trường TCCN, dạy nghề khi tuyển sinh. Vài năm nay, Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích HS học nghề. Cánh cửa các trường TCCN luôn mở rộng khi được quyền tổ chức nhiều đợt tuyển sinh trong một năm học, một ưu ái có một không hai trong khối các trường đào tạo. Thế nhưng, năm nào tình trạng bao nhiêu HS đỗ tốt nghiệp là chừng ấy HS đi thi ĐH, CĐ cũng tái diễn. Chỉ vài năm gần đây sau cuộc vận động "Hai không" (năm 2007), khi số HS trượt THPT chiếm tới 1/3 tổng số HS dự thi, thì các trường dạy nghề mới được phụ huynh, HS để mắt đến. Nhưng chưa kịp lấy đà xốc lại, từ năm ngoái, khi tỷ lệ tốt nghiệp THPT quay trở về mức xấp xỉ tối đa, các trường TCCN, dạy nghề lại rơi vào cảnh đìu hiu.

Thông tư 57/2001/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 2-12-2011 với quy định các trường ĐH không được phép đào tạo hệ TCCN đang khiến nhiều trường TCCN, dạy nghề khấp khởi bước vào mùa tuyển sinh năm 2012. Điều này nhằm chấm dứt tình trạng "lấn sân" của "ông anh cả" (các trường ĐH) năm nào cũng "vơ bèo vạt tép", khiến các trường nghề không còn nguồn tuyển. Thế nhưng, do sự chuẩn bị chưa chỉn chu, nên Bộ GD-ĐT lại đang dự kiến cho phép nhiều trường ĐH tiếp tục tuyển sinh hệ TCCN với lý do "đặc thù" và chỉ chấm dứt hoàn toàn vào năm 2017. Hiệu quả của giải pháp này vì thế sẽ còn phải chờ thêm ít nhất 5 năm nữa. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ năm nào cũng tăng thêm 10%. Điều này càng tạo đà cho tâm lý sính bằng cấp, coi việc học ĐH là con đường tốt nhất để lập nghiệp vốn đã khá phổ biến. Khi các cơ quan quản lý chưa thực sự quyết liệt trong việc đưa ra những quyết sách phù hợp thì bức tranh của các trường nghề trong mùa tuyển sinh năm nay có lẽ chưa thể sáng hơn.

Theo mục tiêu dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam, đến năm 2020, hệ thống giáo dục nghề nghiệp được tái cấu trúc bảo đảm phân luồng sau THCS và liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo để đủ khả năng tiếp nhận 30% số HS tốt nghiệp THCS; 30% HS tốt nghiệp THPT.

Thống Nhất