Chuyện ở Bản Máy
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:27, 14/06/2012
Người giàu nhất Bản Máy - ông Hoàng Xuân Phúc. |
Ông Hoàng Xuân Phúc, người Tày, là người "giàu nhất" Bản Máy. Nhà lợp ngói máng, cao ráo, sáng sủa chứ không lè tè, ẩm thấp như những ngôi nhà vùng cao thường thấy. Trong nhà, ngổn ngang ngô, thóc. Ông Phúc đang nuôi đàn lợn gần hai chục con, đàn gà mấy trăm con, oách hơn khối hộ ở xuôi. Trong khi phổ biến người dân ở đây chỉ gieo chừng 5kg thóc giống thì nương nhà ông trồng gấp 4 lần cỡ đó. Rồi còn ruộng ngô, trang trại rộng mấy hécta… Nhưng người ta bảo ông Phúc "giàu nhất" Bản Máy còn vì lẽ khác. Ông là hộ đầu tiên có con sắp thành cử nhân: Đứa út đang học Đại học Văn hóa Hà Nội. Người đàn ông 50 tuổi hiếm khi bước chân ra khỏi bản quả quyết: - Có học mới nên người chú ạ.
Ở xã giáp biên như thế này, đây là trường hợp hiếm thấy. Ông Phúc gắng làm để nuôi ba đứa con, hai trong độ tuổi ăn học. Ban đầu ông tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, vay vốn ngân hàng về làm, đầu tư tất tần tật cho "thế giới ngày mai". Rồi chính đứa con đang học dưới Hà Nội lại mở mang tầm mắt cho bố. Cơ ngơi mỗi lúc một khấm khá. Nhưng ở nơi núi đất xen núi đá, đất pha cát bạc màu, khe sâu, độ dốc lớn, mấy ai được như ông Phúc. "Trồng cây gì, nuôi con gì" đã là câu hỏi quá lớn với vùng bản làng 5 dân tộc Mông, Tày, Nùng, La Chí, Phù Lá. Gánh nặng dồn lên vai lính biên phòng. Cả năm trước, anh em xắn tay vào "mô hình giúp dân" tại cụm 3, thôn Tà Chải, vừa làm vừa bổ sung cho kịp với… số hộ nghèo. Nhiều dự án ra đời: Trồng 100ha rừng phòng hộ, tạo công ăn việc làm cho 22 hộ người Mông ở cụm Lao Sán, Bản Pắng, vận động người dân trồng 20ha dong riềng, 13ha thảo quả…
Trung tá Hoàng Mạnh Thắng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Máy kể: - Khổ nhất là phải cầm tay chỉ việc cho bà con. Mang dự án về, người dân không biết làm, không nhúng tay vào không được. Đã thế, lại phải đốc thúc họ mới chịu làm.
"Thắng lợi" lớn nhất mới rồi của anh em là dự án trồng cây dong riềng. Đây là "chương trình phát triển kinh tế của đồn" được huyện "chấm" từ năm 2010. Đầu năm 2011, anh em cùng chính quyền địa phương vận động người dân làm. Chả mấy người ủng hộ. Kinh nghiệm bết bát với mận tam hoa, dưa hấu... trước đó làm bà con chán. Chật vật mãi anh em mới thuyết phục được người dân mua giống với giá như cho không. Sau 8 tháng, cây dong riềng trưởng thành, cả lính cùng dân đều mừng như mở hội khi sản lượng vượt dự kiến. Đến lúc này, khó khăn khác phát sinh. Tiêu thụ, vận chuyển thế nào với điều kiện đường sá như thế? Tính toán đơn giản, ai cũng thấy tiền bán dong riềng (tại thị trấn là 1.500 đồng/kg) chỉ đủ xăng xe. Anh em đồn biên phòng lại phải đi tìm "đầu ra" cho bà con. Họ "nhờ" được một doanh nghiệp chuyên thu mua nông sản. Lúc này, một hình thức thu mua có một không hai ra đời: Doanh nghiệp thu mua "đặt" xe chở vật liệu vào Bản Máy xây dựng, chiều ra chở nông sản. Chi phí vận chuyển giảm thiểu mà ngay các xe chở vật liệu cũng có thêm đồng ra đồng vào. Giá thu mua 1.200 đồng/kg ngay ở trục đường chính trong xã có thấp hơn chút ít so với thị trấn nhưng người dân vẫn lãi. Năm ngoái, xã bán được 20 tấn dong riềng hàng hóa, giống còn lại đủ để trồng mới theo kế hoạch. Giờ thì cây dong riềng đã trở thành "cây trồng mũi nhọn". Nhiều hộ dân tranh thủ từng ô đất bỏ hoang để trồng. Thời tiết từ đầu năm đến giờ thuận, Trung tá Hoàng Mạnh Thắng hồ hởi: Năm nay, người dân lại thắng tiếp. Người dân càng hào hứng khi biết nhà máy sản xuất tinh bột dong riềng ở huyện lỵ đã đi vào hoạt động, hàng bán cứ vèo vèo.
Mẹ con Sùng Thị Páng háo hức “nghiệm thu” công trình mới. |
Nhà Vàng Diu Sèng, thôn Tà Chải, nằm hun hủn dưới mép đường vành đai biên giới. Đi qua cột mốc 219 nằm giữa hai sườn núi mát rời rợi rồi quẹo xuống lối mòn sắn vào vách vực là đến. Vàng Diu Sèng đi rẫy, vợ Sùng Thị Páng ở nhà trông ba đứa con nhỏ, đứa bé nhất đang địu sau lưng. Mới hơn 30 tuổi, Páng nom như ngoài năm chục. Thấy bộ đội, Sùng Thị Páng cười tít mắt. Nhà Páng vừa được bộ đội thí điểm đầu tư xây dựng hệ thống công trình phụ khép kín, hiện đại: Có bể nước, có nhà tắm và nhất là có… "bệt". Kinh phí vật liệu, ngày công hết khoảng 8 triệu đồng. Người dân được vận động giúp nhau rồi "quay vòng" xây dựng lần lượt cho từng nhà. Đến giờ, đã có hơn 20 hộ có công trình phụ khép kín như thế này.
Trở lại với người giàu nhất Bản Máy khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Cả Bản Máy, gần 400 hộ gia đình, hơn hai nghìn nhân khẩu mới có một ông Phúc. "Đốc thúc" người dân làm ăn đã khó, vận động họ thay đổi tập quán sinh hoạt đã khó nói gì đến chuyện biết tính đến tương lai cho con ăn học "nên người" như ông Phúc.
Trường Mầm non Bản Máy có ngót 150 cháu. Trường chính nằm ở "xã lỵ", gần 90 cháu, còn lại rải đều 4 điểm trường thôn bản. Cô Trần Thị Thanh vừa kể vừa ứa nước mắt: - Theo quy định, trẻ 5 tuổi được hỗ trợ 120 nghìn đồng/tháng. Nhưng với lứa nhỏ hơn, bố mẹ phải đóng tiền, trường thu 100 nghìn đồng/tháng. Thế là dù có tiếng lớp bán trú nhưng cứ đến trưa, nhiều ông bố bà mẹ lại đến đón con về. Nôm na là chạy bữa. Họ nghèo, không đào đâu ra tiền. Ngày thường còn đỡ chứ lúc mưa nắng nhìn rất tội.
Cô Nguyễn Thị Quỳnh, quê Tuyên Quang, hồi mới lên đây mất cả tháng trời mới trấn tĩnh lại. Cô không hình dung mình sẽ sống thế nào giữa nơi heo hút này. Nhưng giờ thì lớp học, lũ trẻ trở thành niềm vui của Quỳnh. Để "dỗ" phụ huynh cho trẻ đến trường, các cô phải móc tiền túi ra mua bim bim cho lũ trẻ. Quỳnh kể, bọn trẻ rất tội. Chúng gọi tất tần tật cái gì ăn được với cơm là thịt, khổ như thế.
Cũng lắm chuyện khiến các cô vừa hoảng vừa đau đầu. Có lúc đồng loạt cả chục cháu người Mông học tiểu học, THCS định bỏ học. Tìm hiểu mãi, hóa ra lý do bởi gia đình không có gạo ăn. Cùng các cô, anh em bộ đội biên phòng vừa động viên các gia đình, vừa nhận đỡ đầu 4 cháu, xã với các đoàn thể giúp 5 cháu. Lớp học mới bớt vắng vẻ.
Bữa chúng tôi ra khỏi bản Máy, gặp một đồng nghiệp Hà Giang. Anh bảo "may không gặp mưa, đã mưa, nằm lại cả tháng trời". Người dân ở đây chắc còn phải "tự vận động" chán khi mà con đường chỉ dân phượt thích, khó có thể mời được "nhà đầu tư" nào đến.
Bao giờ Bản Máy có người bằng hoặc "soán ngôi" ông Phúc? Những vất vả, cực nhọc của người lính biên phòng, của những giáo viên nơi đây cho thấy còn lâu lâu mới có câu trả lời. Tìm một ông Phúc khác ở Bản Máy sao mà khó khăn đến vậy.