Thủy điện Sơn La: Bản hùng ca Tây Bắc! (tiếp)
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:07, 13/06/2012
Thủy điện Sơn La là công trình có tiến độ xây dựng nhanh. Ảnh: Bá Hoạt |
Giờ thì nhiều người biết Thủy điện Sơn La là công trình có tiến độ xây dựng nhanh nhất, nhưng ít người biết rằng, đây là dự án có thời gian khảo sát thiết kế lâu nhất, kéo dài tới 25 năm. Tôi may mắn được nghe nhiều cuộc thảo luận tại Quốc hội về công trình này, cuộc nào cũng "tóe lửa", vì thế nên phải bàn thảo kỹ lưỡng qua mấy kỳ họp. Một thời đi đâu cũng thấy râm ran: Sơn La cao hay Sơn La thấp đây? Sơn La cao (mực nước 265m) với 2 bậc thang thủy điện (Hòa Bình và Sơn La); Sơn La thấp (215m) với 3 bậc thang thủy điện (Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu), Sơn La nhỏ - công trình Sơn La quy mô nhỏ cùng 3-4 bậc thang thủy điện khác trên sông Đà. Mỗi phương án đều được phân tích tác động trên nhiều phương diện xã hội như mất đất, hủy hoại môi sinh, ảnh hưởng đến các di tích lịch sử, văn hóa ở khu vực lòng hồ, các vấn đề về di dân; về môi trường như ngập nước, biến đổi đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái; ảnh hưởng về an ninh, quốc phòng khu vực Tây Bắc; hiệu quả kinh tế như năng lượng điện, huy động vốn, chỉ số lợi nhuận... Thủy điện Sơn La không chỉ là vấn đề "nóng" tại nghị trường mà còn "sôi sùng sục" ngoài dư luận xã hội.
Rồi thì sau bao lần bàn đi tính lại, Quốc hội quyết định thông qua phương án Sơn La thấp vì phương án này bảo đảm được các yêu cầu: An toàn cho công trình, an toàn cho vùng hạ du và Thủ đô Hà Nội; đạt hiệu quả kinh tế tổng hợp, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Bắc; giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Thực ra, chỉ người trong cuộc mới hiểu ngay cả phương án Sơn La thấp cũng có 4 phương án nhỏ: Chọn tuyến Pá Vinh, Bản Pẫu, Bản Tả hay Tạ Bú. Cuối cùng tuyến Pá Vinh đã được chọn vì những ưu thế về mặt bằng thi công và bố trí công trình chính. Hơn nữa, do tuyến Pá Vinh ở trên cùng nên có thể hạn chế di dân, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đỡ xáo trộn cuộc sống người dân.
Tôi và anh Nguyễn Hồng Hà, Trưởng ban Quản lý Dự án Thủy điện Sơn La đã có một buổi chiều ngồi tính toán xem Thủy điện Sơn La về đích trước 3 năm sẽ đem lại những lợi ích gì? Cái "lãi" lớn nhất, theo anh Hà là chúng ta tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Đây là công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam vì từ nay không nơi nào có đủ điều kiện về địa hình để xây dựng công trình thủy điện lớn hơn. Điều tự hào nhất là công trình này hoàn toàn do kỹ sư và công nhân Việt Nam thiết kế và thi công, chuyên gia nước ngoài chỉ đóng vai trò giám sát. Tham gia xây dựng Thủy điện Sơn La gồm 13 nhà thầu thành viên do Tổng Công ty Sông Đà làm tổng thầu; Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư. Trên công trường thường xuyên có 8.000 - 10.000 người làm việc, những lúc cao điểm có thể lên tới 15.000 người. Để có công trình thế kỷ này, những người thợ ở đây phải đào hơn 16,6 triệu mét khối đá, xúc vận chuyển trên 20 triệu mét khối đất đá, đầm 2 triệu mét khối đất nền, đổ gần 6 triệu mét khối bê tông (trong đó có khoảng 3,2 triệu mét khối bê tông đầm lăn), lắp đặt trên 115.000 tấn thiết bị.
Muốn phát triển kinh tế thì điện phải đi trước một bước, còn để xây dựng thủy điện thì đường phải đi trước. Sở dĩ dự án Thủy điện Sơn La có thể về đích trước thời gian nhiều như thế, theo anh Hà, trong khi chờ Quốc hội thông qua, EVN đã mạnh dạn đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ công trình theo kiểu "vừa khởi công vừa lấp dòng", điều này chưa có tiền lệ ở bất cứ công trình thủy điện nào. Thường thì các công trình thủy điện phải mất khoảng hai năm chuẩn bị cơ sở hạ tầng như làm đường, điện, thông tin, giải phóng mặt bằng, làm công trình dẫn dòng. Còn ở Sơn La đã "đi ngược" trình tự, chuẩn bị hạ tầng trước khi có quyết định đầu tư và phê duyệt thiết kế. Dù Thủ tướng Chính phủ đã cho cơ chế đặc thù nhưng nhiều người lo ngại nếu làm trước lỡ ra sau này thiết kế phê duyệt khác đi thì ai chịu trách nhiệm về những phí tổn này. EVN đã phải bàn bạc Tổng Công ty Sông Đà ký biên bản thỏa thuận chịu trách nhiệm trước Nhà nước. Với quyết tâm dám làm dám chịu ấy, 125km đường giao thông, 2 cây cầu bê tông bắc qua sông Đà, hệ thống lưới điện 110-220kV gần 200km, gần 60.000m2 nhà ở cho khoảng 6.000 công nhân cùng hàng loạt công trình dẫn dòng, đê quai thượng lưu và hạ lưu đã được triển khai trước ngày khởi công.
Đánh giá về công trình Thủy điện Sơn La, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong những lần lên thăm, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đều khẳng định, đây là công trình điển hình về chất lượng và tiến độ, là công trình thể hiện được ý chí và nội lực của Việt Nam, thể hiện sự chỉ đạo điều hành sâu sát của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các đơn vị thi công. Việc Nhà máy Thủy điện Sơn La phấn đấu hoàn thành tiến độ trước 3 năm (hoàn tất năm 2012 so với kế hoạch là năm 2015) sẽ làm lợi cho đất nước 1,5 tỷ USD, so với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD. Điều này cũng sẽ đem lại những hiệu quả trực tiếp và gián tiếp, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tiến trình phát triển đất nước.
Những ngày này, tại công trường Thủy điện Sơn La, bóng thợ, xe máy đã vãn hẳn, chỉ còn lại những đơn vị làm công tác thu dọn mặt bằng, trồng cây cảnh để chuẩn bị cho tổ máy số 6 - tổ máy cuối cùng hòa vào lưới điện quốc gia. Đa phần cán bộ, công nhân của Ban Quản lý dự án đã chuyển sang làm Thủy điện Lai Châu. Vậy là chúng ta sắp hoàn tất việc cải tạo sông Đà. Nhìn những toán thợ tranh thủ lúc nghỉ ra câu cá bên bờ đập về cải thiện, nghe nói thi thoảng họ câu được những con cá nặng mấy chục cân, tôi chợt nghĩ tới hình ảnh người lái đò sông Đà với "cái đầu quắc thước ấy đặt trên một thân hình cao to và gọn quánh như chất sừng chất mun". Bây giờ nếu còn người lái đò đó, ông muốn xuôi từ Lai Châu về Hòa Bình thì phải 3 lần lôi đò lên bờ, vác qua 3 con đập mới tiếp tục lênh phênh được, nhưng bù lại chẳng phải lên gồng cơ bắp chèo chống cho mệt, bởi con nước từ nay đã thôi thét gào. Và giờ thì Đập Đáy dùng để phân lũ đã trở thành khu du lịch sinh thái; người dân ngoài bãi Phúc Xá, Phúc Tân, Chương Dương… ở Hà Nội cứ việc kê cao gối ngủ, không còn phải phập phồng nỗi lo ôm chăn, gối vắt chân lên cổ chạy vào tá túc ở các trường học trong đê mỗi khi con lũ về.
Đợt nắng nóng vừa qua, có những ngày Thủy điện Sơn La chạy hết công suất 5 tổ máy, cung cấp cho lưới điện quốc gia 40triệu kw/h. Thử làm một con tính đơn giản thế này, do hoàn thành sớm trước thời hạn, với khoảng 7 tỷ kw đóng góp cho lưới điện, để ra 1kw/h nếu là nhiệt điện phải đốt mất khoảng 0,4kg than, như thế chúng ta tiết kiệm được hơn 2 triệu tấn than dành cho các thế hệ tương lai. Không dùng đến than, có nghĩa là không phải đào bới, phá hủy môi trường, không có khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Một giọt nước sông Đà từ thượng nguồn đổ về xuôi, qua ba lần quay vòng đã trở thành điện năng, thành tiền bạc để phát triển đất nước. Và đâu chỉ có thế, ước mơ của thế hệ cha anh, như nhà văn Nguyễn Tuân từng nói: Mai đây xây đập xã hội chủ nghĩa sông Đà thì thân đê phố bờ sông Hà Nội sẽ hạ mặt xuống dần để tiến tới bạt hẳn bờ đê Hà Nội. Phố Thủ đô nhích ra sát ven sông, soi mình xuống dòng sông Hồng có nước sông Đà pha vào… chắc không lâu nữa sẽ thành hiện thực.