Liều thuốc chống tái nghèo

Kinh tế - Ngày đăng : 06:50, 13/06/2012

(HNM) - Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, cuộc sống của nhiều nông dân vừa thoát nghèo không khỏi bấp bênh. Để các hộ nghèo thoát nghèo hiệu quả rất cần một liều thuốc bổ, đó là sự tiếp vốn kịp thời.


Với nhận thức ấy, Hà Nội đang xây dựng chương trình cho các hộ vừa thoát nghèo tiếp tục vay vốn ưu đãi qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH). Đây thực sự là một tín hiệu vui đối với hàng chục nghìn hộ dân vừa thoát nghèo, có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế nông hộ.


Nông dân xã Tiền Phong bị thiệt hại nặng nề do mưa lớn gây úng ngập cục bộ làm hơn 200ha rau màu bị hỏng, nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo. Ảnh: Sơn Tùng

Sản xuất gặp nhiều rủi ro

Phó Chủ tịch xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) Nguyễn Văn Bối cho biết, xã có tới 80% diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi để chuyển đổi mục đích, chỉ còn hơn 200ha rau màu các loại là nguồn thu nhập chính của nông dân, nhưng trận mưa lớn tháng 5 vừa qua làm cho trên 50% diện tích bị ngập nặng. Sau khi nước rút, toàn bộ diện tích bí xanh, dưa leo, dưa bở, cà chua… đã bị héo hỏng phải nhổ bỏ để chuyển sang trồng cây mới khiến nhiều hộ nông dân lại mấp mé ở cảnh tái nghèo. Ông Ngô Văn Dần thôn Yên Nhân, hộ nông dân vừa thoát nghèo năm 2011 của xã Tiền Phong buồn rầu: "Nhà tôi có gần 1 mẫu màu mong mãi mới tới vụ thu hoạch này giờ bị ngập nước mất trắng, trong khi mỗi sào rau màu phải đầu tư 2-3 triệu đồng. Nhiều loại có giá trị như bí xanh, dưa leo mức đầu tư lên tới 4 triệu đồng nên thiệt hại rất lớn. Giờ chỉ trông chờ vào đồng vốn ưu đãi của NHCSXH thì mới mong vực lại sản xuất".

Không riêng gì người làm ruộng, các hộ nông dân làm nghề cũng tương tự. Ông Lê Hữu Hóa, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hà huyện Đông Anh cho biết: Hiện, doanh số bán hàng ở làng nghề đã giảm tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng hàng tồn kho khá nhiều nên các xưởng sản xuất cầm chừng, đời sống của các hộ dân rất khó khăn. Vì vậy, trên 10 tỷ đồng của NHCSXH đang cho các hộ làng nghề vay để xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm… là một liều thuốc bổ rất quý cho làng nghề trong giai đoạn hiện nay để họ cầm cự vượt qua khó khăn.

Tiếp sức bằng cho vay vốn

Ông Bùi Quang Vinh, Giám đốc NHCSXH TP cho biết: Hiện Chương trình giải quyết việc làm thông qua hệ thống NHCSXH đang có dư nợ khoảng gần 800 tỷ đồng và sẽ tăng lên đến 1.000 tỷ đồng trong năm 2012. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nguồn vốn tín dụng ưu đãi thực sự đang là phao cứu sinh cho người nông dân nghèo. Tuy nhiên, các hộ vừa thoát nghèo như người vừa ốm dậy, sức lực còn yếu nên nếu không tiếp tục dành nguồn vốn cho nhóm đối tượng này vay để đầu tư làm ăn hiệu quả thì khó có thể tránh tái nghèo. Từ nhận định đó, đầu năm 2012, NHCSXH đã phối hợp với các sở, ban, ngành của TP xây dựng chương trình hỗ trợ cho các hộ vừa thoát nghèo được tiếp tục vay vốn. Theo thống kê thực trạng các hộ vừa thoát nghèo năm 2011 cho thấy, có tới hơn 30% số hộ (tương đương với khoảng hơn 10.000 hộ) có nguy cơ tái nghèo và cần tiếp sức bằng cho vay vốn để chống tái nghèo. Vì vậy, theo tính toán ban đầu, nguồn vốn cho nhóm đối tượng này cần bổ sung khoảng 200 tỷ đồng.

Để liều "thuốc bổ" thực sự có hiệu quả đối với người nông dân, Giám đốc Bùi Quang Vinh cho rằng: Ở các huyện ven đô, việc đánh giá hộ nghèo cần sát thực tế, phản ánh đúng thực trạng, tạo điều kiện cho người nghèo được hưởng đầy đủ các chính sách trợ giúp của Nhà nước. Thực tế, nhiều hộ nông dân sau thu hồi đất không biết sử dụng tiền bồi thường, hỗ trợ tìm kiếm việc làm ổn định mà chỉ làm nhà, mua xe... nên đời sống bấp bênh nhưng xét về các tiêu chí lại không thuộc diện hộ nghèo nên không được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Vì vậy, cần lấy tiêu chí thu nhập làm mấu chốt cho xét hộ nghèo và hộ cận nghèo để có sự hỗ trợ kịp thời. Để lựa chọn đúng đối tượng, các địa phương nên chủ động xây dựng kế hoạch từ đầu năm, đưa ra các giải pháp cụ thể trợ giúp nông dân thoát nghèo. Đặc biệt là phân công cán bộ các hội, đoàn thể tăng cường theo dõi, giám sát cách làm ăn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả để kịp thời giúp đỡ khi cần thiết. Để giúp đỡ các hộ dân trên địa bàn TP thực sự thoát nghèo trong thời buổi kinh tế còn đang khó khăn như hiện nay, ngoài việc vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, đề nghị các sở, ban, ngành của TP quan tâm, xem xét và sớm trình UBND TP phê duyệt, phân bổ kinh phí bổ sung cho chương trình của các hộ vừa thoát nghèo được tiếp tục vay vốn trong năm 2012.

Bạch Thanh