Tiễn biệt PGS - Viện sĩ Tôn Thất Bách: Không vợi niềm đau!
Chính trị - Ngày đăng : 08:45, 31/03/2004
PGS - Viện sĩ Tôn Thất Bách kiểm tra công tác điều trị cho bệnh nhân ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức
Kể chuyện về Phó giáo sư Tôn Thất Bách, đồng nghiệp ở Bệnh viện Việt - Đức (nơi ông giữ cương vị Giám đốc) thường gọi ông quý mến, kính trọng: “Thầy Bách”. Còn những bệnh nhân được ông trực tiếp mổ thì gọi ông là: “ông Giáo sư”. Bệnh viện Việt - Đức những ngày này dường như trầm lặng hơn dù lưu lượng bệnh nhân không thay đổi. Cán bộ y tế của bệnh viện đều bất ngờ khi nghe được tin người anh, người lãnh đạo của mình tạ thế.
Mọi người kể rằng, vào những ngày bình thường, hiếm hoi lắm mới gặp PGS Bách ở phòng làm việc. Bởi nếu không bận việc ở Quốc hội hoặc tham dự các cuộc họp ở Bộ Y tế thì ông cùng anh em đồng nghiệp thực hiện những ca mổ phức tạp. Giới báo chí muốn tiếp xúc với ông phải đặt lịch hẹn trước vài ngày. “Tuy ông mới về làm giám đốc ở bệnh viện được 8 tháng, nhưng ông đã làm được rất nhiều việc”, anh em ở Việt Đức nói vậy. Ông luôn nghĩ đến người bệnh, đặc biệt là đối với bệnh nhân nghèo. Thương người nhà bệnh nhân phải ngủ tạm bợ ở cầu thang, hành lang ông quyết định trích một phần ngân sách ít ỏi dành cho bệnh viện để xây mới khu nhà nghỉ cho họ thuê với giá rẻ và nhà ăn miễn phí. Cũng chính ông là người nêu ý kiến lập hòm quyên góp tiền ủng hộ bệnh nhân nghèo đặt tại các khoa. Ông Nguyễn Đình Thế (Tiên Lãng - Hải Phòng), bệnh nhân bị sỏi mật, đang điều trị tại Khoa Phẫu thuật cấp cứu bụng, được PGS Tôn Thất Bách mổ hôm 23-3 tâm sự: “Tôi đã từng mổ ở tuyến dưới 2 lần nhưng vẫn tái phát. Đến đây, khi biết mình lại phải mổ tôi thấy không yên tâm. Nhưng khi biết sẽ được PGS Tôn Thất Bách trực tiếp mổ tôi rất sung sướng. Tôi không nghĩ, một người dân thường như tôi lại được một vị bác sĩ danh tiếng và bận rộn như thế mổ cho. Ông giáo sư là ân nhân của chúng tôi”. Trong những ngày qua, rất nhiều cuộc điện thoại của độc giả đã gọi đến báo bày tỏ tình cảm của mình về người thầy thuốc đáng kính. Chị Trần Thị Hoa ở Cống Vị (Ba Đình) không giấu nổi niềm xúc động. Trong nước mắt, chị kể với chúng tôi: “Cách đây 14 năm, con trai duy nhất của tôi bị bệnh hẹp van tim, đã được PGS Bách trực tiếp phẫu thuật. Bây giờ, cháu khỏe mạnh và cũng là một cán bộ trong ngành y. Khi nghe được tin dữ, tôi rất bàng hoàng. Mấy ngày hôm nay không khí trong nhà rất buồn”. Còn chị Quản Thị Tâm ở TP Hồ Chí Minh tâm sự: “Một ngày mùa đông cách đây 5 năm, tôi được bệnh viện thông báo mình bị sỏi mật nặng, cái chết nằm chắc trong tay, gia đình lại khó khăn. Mọi ngườibảo rằng với những ca mổ phức tạp như thế này chỉ có PGS Tôn Thất Bách mới làm được. Tôi liền gọi điện kể cho anh nghe hoàn cảnh của mình và anh đã nhận lời. Hai ngày sau anh bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để thực hiện ca phẫu thuật. Lúc đó, tôi không tin vào chính mắt mình. Và...càng không tin khi nghe tin anh mất...” (chị nói trong tiếng nấc). Còn rất nhiều những lời thương yêu, thể hiện tình cảm và lòng biết ơn dành cho ông mà giấy mực không thể viết ra hết được. Trong những ngày qua, trước nhà ông, có không biết bao nhiêu người lặng lẽ đến, lặng lẽ đi. Họ đến để đượcchia sẻ niềm đau với gia đình ông và với cả chính mình, dù không có cơ hội được thắp cho ông một nén hương.
Khi còn là hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, PGS Tôn Thất Bách luôn trăn trở trước hiện tượng nhiều sinh viên nghèo phải bỏ học. Ông đã lặn lội đi liên hệ với các tỉnh để tìm giải pháp cho những sinh viên mới ra trường. Năm 2003, ông đã khởi xướng quỹ học bổng dành cho những sinh viên tình nguyện nhận phân công công tác sau khi ra trường. Ông là một người thầy rất gần gũi với sinh viên. Bác sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Việt - Đức kể: Khi tôi còn là sinh viên, mặc dù không chủ nhiệm lớp tôi, nhưng thầy luôn quan tâm đến tất cả các sinh viên trong trường. Những hoạt động văn nghệ thể thao lớn của sinh viên tổ chức trong trường thầy đều tham dự. Có những lần lớp lao động giữa trời nóng bức thầy đã ra tận nơi để động viên. Ở Bệnh viện Việt - Đức, thầy đã chỉ đạo bệnh viện mua chăn, màn cho sinh viêntrực đêm. Sự ra đi của thầy để lại một niềm đau cho gia đình, học trò và cả đất nước”.
Trong các kỳ họp Quốc hội, với tư cách là Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông là một đại biểu luôn đóng góp những ý kiến thẳng thắn và chân thành. Không chỉ đóng góp ý kiến trong lĩnh vực y tế, ông còn quan tâm đến mọi vấn đề nóng bỏng, bức xúc của cuộc sống. Ông luôn ấp ủ nhiều dự định. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Long - phó trưởng Khoa Phẫu thuật cấp cứu bụng cho biết: “Đối với chúng tôi, thầy Bách không chỉ là một giám đốc, mà còn là một người thầy, người cha, người anh, một con người luôn tâm huyết với bệnh nhân, với học trò và với đồng nghiệp. Thầy ra đi để lại rất nhiều dự định còn dở dang”. Chuyến đi công tác vừa qua của ông tại Lào Cai cũng là để chủ trì một hội thảo về tài chính y tế cho bệnh nhân nghèo...
Giờ đây, trên diễn đàn của Quốc hội, chúng ta không còn được nghe giọng nói vang vang, thẳng thắn nhưng đôn hậu, chân thành của ông. Những người bệnh không được gặp một người thầy thuốc tài hoa, đức độ, có một trái tim vì mọi trái tim. Xin thành kính tiễn đưa một nhân cách lớn về cõi vĩnh hằng.
HNM