Con dễ sống lâu nếu cha lớn tuổi
Công nghệ - Ngày đăng : 16:15, 12/06/2012
Các nhà nghiên cứu của Đại học Northwestern tại Mỹ phân tích DNA từ máu của 1.779 thanh niên (cả nam và nữ) trong độ tuổi 21-23 tại Philippines và mẹ của họ (độ tuổi từ 36 tới 39). Họ cũng thu thập dữ liệu về tuổi của cha và ông của những thanh niên khi họ chào đời.
Kết quả cho thấy tuổi của người cha vào thời điểm đứa con ra đời càng lớn thì telomere của đứa con càng dài. Nếu người ông, cha và con đều sinh con muộn thì chiều dài telomere của các thế hệ sau càng tăng, Livescience đưa tin.
Telomere là những cấu trúc siêu nhỏ nhưng đóng vai trò chủ chốt trong quá trình lão hóa sinh học. Chúng nằm ở đoạn cuối của các nhiễm sắc thể. Mỗi khi một tế bào phân chia, chiều dài của telomere sẽ giảm một chút. Cuối cùng, khi telomere ngắn tới một mức nào đó, tế bào sẽ chết. Elizabeth Blackburn, nhà sinh học tế bào mang quốc tịch Mỹ và Australia từng đoạt giải Nobel Y học, ví các telomere giống như đầu mút của dây giày. Khi đầu mút hỏng hoặc văng ra, dây giày bắt đầu sờn.
“Những người sở hữu telomere dài đối mặt với nguy cơ tử vong thấp hơn người có telomere ngắn. Ngoài ra telomere còn kìm hãm quá trình lão hóa trong cơ thể”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Trong phần lớn tế bào, độ dài của telomere giảm dần theo tuổi cơ thể. Song trong các tế bào tinh trùng, độ dài của telomere lại tăng dần theo thời gian. Như vậy, tuổi làm cha càng lớn thì telomere càng dài. Khi đàn ông trì hoãn việc sinh con, những telomere dài trong tinh trùng của họ sẽ được truyền sang thế hệ tiếp theo. Hơn nữa, telomere càng được truyền qua nhiều đời thì chiều dài của chúng càng tăng.
“Phát hiện của chúng tôi cho thấy việc sinh sản muộn của nam giới mang đến những lợi ích về sức khỏe cho hậu duệ”, Dan Eisenberg, một nhà nhân chủng của Đại học Northwestern, phát biểu.
Nhóm nghiên cứu đã loại trừ những yếu tố có thể tác động tới độ dài telomere, như thứ tự sinh của đứa trẻ (con cả hay con thứ), chỉ số khối lượng cơ thể, thu nhập của gia đình, độ tuổi của trẻ khi các nhà khoa học lấy mẫu máu của chúng. Họ nhận thấy kết quả không phụ thuộc vào những yếu tố đó.
Eisenberg cho hay, mức tăng độ dài hàng năm của telomere trong tế bào tinh trùng tương đương mức giảm độ dài hàng năm của telomere trong tế bào thường
“Một số nghiên cứu cho thấy những người có telomere ngắn dễ tử vong vì bệnh truyền nhiễm và bệnh tim hơn so với những người có telomere dài”, Eisenberg nói.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng tuổi làm cha quá cao của người đàn ông cũng mang đến nhiều nguy cơ cho con của họ. Chẳng hạn, tuổi làm cha càng lớn thì nguy cơ truyền các đột biến gene sang con càng cao. Đột biến gene thường làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc mắc một số bệnh ở đứa trẻ. Một số nghiên cứu từng chứng minh con của những nam giới lớn tuổi có nguy cơ mắc các hội chứng tâm thần, như tự kỷ, cao hơn những người khác.