Nên miễn thuế cho đối tượng kinh doanh nhà trọ
Chính trị - Ngày đăng : 10:49, 12/06/2012
Trước đó, trong tờ trình lên Quốc hội, Chính phủ đề nghị giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2012 đối với: Doanh nghiệp nhỏ và vừa (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong các lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc Tập đoàn kinh tế, tổng công ty); Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.
Đồng thời, miễn thuế khoán (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện hộ, cá nhân, tổ chức này giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011.
Theo giải trình của Chính phủ, việc thực hiện các giải pháp này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn, thị trường và giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo tính toán, toàn bộ gói giải pháp nêu trên, bao gồm cả những giải pháp mà Chính phủ chỉ đạo thực hiện theo thẩm quyền, tác động tài chính đến sản xuất kinh doanh của nền kinh tế khoảng 29.000 tỷ đồng. Việc thực hiện các giải pháp về giảm, miễn thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội ước làm giảm thu NSNN năm 2012 khoảng 4.100 tỷ đồng. Tính chung các giải pháp về thuế, phí sẽ tác động làm giảm thu NSNN năm 2012 khoảng 9.000 tỷ đồng.
Để bù hụt thu, hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2012, Chính phủ dự kiến sẽ quản lý chặt chẽ các nguồn thu NSNN để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu phát sinh; tăng cường công tác quản lý thuế và hải quan; tăng cường công tác chống thất thu và gian lận thương mại, đặc biệt là chống chuyển giá; chủ động trong công tác điều hành huy động vốn để đảm bảo chi NSNN trong những thời điểm thực hiện giãn, gia hạn thuế; tăng tiến độ bổ sung từ ngân sách trung ương cho những địa phương có khó khăn...
Thẩm tra tờ trình, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc ban hành các giải pháp nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường là cần thiết. Tuy nhiên, Ủy ban cũng lưu ý, việc đầu tư nguồn lực dàn đều; miễn, giảm, giãn thuế mang tính bình quân cho các doanh nghiệp sẽ không góp phần thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp.
Mặt khác, việc miễn, giảm thuế khó đạt được mục tiêu theo Tờ trình của Chính phủ vì đối tượng áp dụng và mục tiêu đề ra là quá rộng trong khi nguồn lực hỗ trợ lại hạn chế, khó có thể “tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định thị trường”. Ủy ban khẳng định, giải pháp miễn, giảm, giãn thuế không phải là giải pháp tối ưu, duy nhất để hỗ trợ doanh nghiệp vì hiện nay doanh nghiệp chủ yếu gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay, tín dụng, lãi suất tiền vay cao, thị trường thu hẹp, sức mua giảm, dẫn đến lượng hàng tồn kho tăng cao, gây ứ đọng vốn, nợ đọng thuế cao. Do đó, Chính phủ cần xem xét toàn diện hệ thống chính sách vĩ mô; kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, chú trọng hơn đến giải pháp tiền tệ, tín dụng, giảm mạnh lãi suất cho vay; kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường nhằm tăng sức mua, tạo điều kiện để doanh nghiệp thu hồi vốn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Đáng chú ý, về việc miễn thuế khoán thuế GTGT, thuế TNCN và thuế TNDN, hầu hết các ý kiến trong Ủy ban TCNS không tán thành bởi việc thực hiện chính sách giảm 50% thuế khoán thuế GTGT, TNDN và TNCN trong năm 2011 như báo cáo của Chính phủ không mang lại hiệu quả thiết thực; việc xác định đối tượng đủ điều kiện để áp dụng miễn thuế là không khả thi và khó có thể xác định được các hộ, cá nhân nào cung ứng dịch vụ giữ giá như cuối năm 2011, thực chất là như cuối năm 2010. Mặt khác, không có cơ chế để kiểm soát việc cung ứng dịch vụ cho người dân và không có chế tài xử lý nếu không thực hiện đúng quy định như Tờ trình của Chính phủ; Thêm vào đó, năm 2011 Quốc hội đã cho phép áp dụng chính sách giảm 50% thuế khoán thuế GTGT, thuế TNDN và thuế TNCN đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc, trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân nhưng Chính phủ chưa báo cáo cụ thể về hiệu quả đạt được. Do đó, chưa có cơ sở thuyết phục để đề xuất tiếp tục ban hành chính sách tương tự trong năm 2012.
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu đồng tình với các quan điểm trong báo cáo thẩm tra. Đa số ý kiến tán thành việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng về việc miễn thuế khoán, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc, trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân, các đại biểu còn nhiều ý kiến khác nhau.
Chưa tán thành việc miễn thuế khoán, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân cho các đối tượng trên có đại biểu Đỗ Văn Vẻ - Thái Bình.
Theo đại biểu Vẻ, Quốc hội nên cân nhắc thêm vì thực tế đây là những cơ sở kinh doanh có quy mô nhỏ, nhu cầu vay vốn thấp, gần như không có hàng tồn kho, số tiền miễn giảm đối với đối tượng này rất thấp. Do đó, tác động lan tỏa rất hạn chế và khó có thể xác định được các hộ cá nhân nào cung ứng dịch vụ giữ giá như cuối năm 2011 để thực hiện chính sách hỗ trợ, rất khó khăn cho cán bộ thuế làm hồ sơ kê khai xác nhận miễn, giảm thuế cho đối tượng này.
Cùng băn khoăn về việc miến, giảm thuế cho các đối tượng trên, đại biểu Bùi Văn Phương (Bùi Việt Phương) - Ninh Bình phân tích, trong năm 2011, bởi những tác động của lạm phát, giá liên tục tăng, tới cuối năm 2011 thì có chiều hướng chững lại. Sang năm 2012, những khó khăn vĩ mô đã khiến nhiều gia đình khó khăn phải cho con em ngừng học, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể… nên đại biểu Phương cho rằng, áp lực về mặt tăng giá nhà trọ, tăng giá giữ trẻ, tăng giá xuất ăn ca có lẽ đã giảm đi.
“Nếu theo tinh thần thị trường khi cầu giảm thì giá cũng phải giảm và thực tế những tháng đầu năm tôi thấy xuất hiện yếu tố giá bắt đầu dần dần chững lại. Nhưng bây giờ mình hỗ trợ cho người ta với điều kiện người ta cam kết giữ giá của năm 2011, tức là giá đang cao, giá hình thành năm 2011 là giá đang cao, mà bây giờ mình lại hỗ trợ thuế trong trường hợp yêu cầu người ta giữ giá của năm 2011, tôi thấy chưa hợp lý”, đại biểu Phương nói.
Tuy nhiên, các đại biểu Trương Thị Ánh – TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Bá Thuyền - Lâm Đồng, Nguyễn Thanh Hải - Hòa Bình, Trần Thanh Hải - TP Hồ Chí Minh lại ủng hộ việc miễn thuế khoán giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2012 đối với các đối tượng trong tờ trình.
Theo đại biểu Ánh, thực tế thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, việc triển khai chính sách trên trong năm 2011 có tác động tốt, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội tại địa phương.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 66.642 nhà trọ với 439.117 phòng cho thuê, 1.637 trường mầm non, nhóm trẻ gia đình trong 166.954 trẻ là con công nhân, người lao động nghèo. Năm 2011, để thực hiện đúng đối tượng tạo hiệu quả cao, tránh phát sinh tiêu cực, UBND các quận, huyện có đối tượng liên quan đã hình thành tổ công tác tham gia vận động gồm lãnh đạo chi bộ tại khu phố, Mặt trận và các đoàn thể, tổ chức, khảo sát phân loại đối tượng kinh doanh, vận động đối tượng kinh doanh đăng ký cam kết không tăng giá, tổ chức giám sát tại cộng đồng, lập đường dây nóng tại phường, thông báo niêm yết giá cho người ở trọ, cho phụ huynh biết để tự kiểm tra giám sát...
Mặc dù đồng tình với phân tích của Ủy ban Tài chính, ngân sách tại báo cáo thẩm tra, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường – TP. Hà Nội vẫn đề nghị miễn thuế cho các đối tượng trên. Bởi theo đại biểu, giải pháp này sẽ có những tác động về tâm lý và xã hội theo xu hướng tích cực. Tuy nhiên, đề xuất này chỉ thực sự có hiệu quả nếu ưu đãi thực sự đến được với đối tượng được hưởng lợi và nếu ngành thuế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời, có chế tài cụ thể xử lý những trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, nhiều ý kiến đại biểu cũng đề nghị xem xét bổ sung thêm việc miễn thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 cho cán bộ, công chức; giảm thuế giá trị gia tăng để kích cầu; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho các nhà đầu tư vào cổ phần hoặc phần vốn góp tại các doanh nghiệp chưa đại chúng hoặc các doanh nghiệp chưa niêm yết; xem xét để sớm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 20%; xem xét lại cách xếp hạng các doanh nghiệp vừa và nhỏ để có thể mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng chính sách miễn giảm thuế, tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp và đề nghị xem xét cơ cấu lại nợ của các doanh nghiệp không thuộc diện thụ hưởng chính sách này để tránh cho các doanh nghiệp phải phá sản.