“Tấm áo” còn quá chật

Kinh tế - Ngày đăng : 09:00, 12/06/2012

(HNM) - Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) giai đoạn 2012-2015 đã trở thành đề tài thảo luận sôi nổi tại phiên họp sáng 11-6, kỳ họp thứ ba, Quốc hội (QH) khóa XIII. Vấn đề lớn nhất mà các ĐB băn khoăn hiện nay là làm thế nào để nguồn vốn TPCP đang được ví như một "tấm áo" quá chật sẽ được sử dụng một cách minh bạch, hiệu quả và bảo đảm công bằng cho người dân ở 63 tỉnh, TP trên toàn quốc.


Khát vốn cho giao thông, bệnh viện, trường học

Theo tờ trình của Chính phủ, 5 dự án mới sẽ được bổ sung xây dựng từ nguồn vốn TPCP gồm: Dự án xây dựng cầu Năm Căn (Cà Mau) 649 tỷ đồng; Dự án cầu Kim Xuyên (Tuyên Quang) 291 tỷ đồng; Dự án xây dựng nhà ở sinh viên của Trường ĐH Trà Vinh 320 tỷ đồng; Dự án bệnh viện ung thư Đà Nẵng 221,9 tỷ đồng và Dự án đường ven biển tỉnh Ninh Thuận 935,873 tỷ đồng. Mặc dù đa số ý kiến đều đồng thuận với tờ trình của Chính phủ, song các ĐBQH cũng chỉ rõ nhiều vấn đề đặt ra trong sử dụng nguồn vốn TPCP.

Vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là làm sao để nguồn vốn đầu tư đạt hiệu quả, không thất thoát. Ảnh: Huy Hùng


ĐB Trịnh Ngọc Thạch (đoàn Hà Nội) phân tích, 5 dự án Chính phủ đề nghị thì có tới 3 dự án cho giao thông, chiếm tới 1.875 tỷ đồng. Nhiều cử tri đánh giá, chúng ta đầu tư cho giao thông rất nhiều tiền, nhưng quản lý dự án giao thông rất kém, thất thoát tài chính, tiêu cực trong sử dụng kinh phí rất nhiều. ĐB đề nghị 3 dự án giao thông này nên cân nhắc lấy 1 hoặc 2 dự án. Riêng dự án đường ven biển tỉnh Ninh Thuận với số tiền hơn 935 tỷ đồng thì cần phải đánh giá. Bởi về tính cần thiết thì dự án nào cũng cần thiết cả, chỉ tính cấp bách khác nhau. Dưới một góc nhìn khác, ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến: "Tôi luôn luôn ủng hộ đầu tư giao thông, có tiền là làm giao thông. Tuy nhiên, theo phản ánh của cử tri, việc xây dựng đường sá tại Việt Nam đắt hơn Mỹ và các nước trong khu vực, trong khi chất lượng thì kém, làm đường chưa đi đã hỏng. Đường nông thôn làm đoạn đầu xong, đang kiếm tiền làm đoạn thứ hai thì đoạn đầu lại hỏng. Vấn đề đầu tư giao thông là cần thiết, nhưng quan trọng là làm sao không thất thoát, không tiêu cực để nguồn đầu tư thực sự đi vào hiệu quả".

Việc cân đối hợp lý nguồn vốn cho lĩnh vực y tế và giáo dục cũng được nhiều ĐBQH đề cập. ĐB Trịnh Ngọc Thạch cho rằng, hai lĩnh vực "khát" vốn đầu tư nhất hiện nay tại các đô thị lớn là di dời các trường ĐH, bệnh viện ra khỏi nội đô để giảm ùn tắc giao thông và bức xúc trong đô thị. Riêng trong lĩnh vực giáo dục, cần đặc biệt quan tâm việc xóa trắng giáo dục phổ thông mầm non. Hiện Chính phủ đang triển khai dự án giáo dục trẻ em mầm non dưới 5 tuổi. Thực tế, có khoảng 86% trẻ em đã được đến các cơ sở giáo dục. Nhưng nhiều địa phương không có tiền xây trường, xây lớp, trẻ em không có chỗ chơi. Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm hơn tới những dự án đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non.

Minh bạch tiêu chí phân bổ để tránh "chạy dự án"

Không chỉ băn khoăn về việc vốn TPCP được "rót" vào lĩnh vực nào, các ĐBQH còn có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc phân bổ nguồn vốn về các địa phương. ĐB Lê Việt Trường (đoàn An Giang) cho biết, sau kỳ họp này sẽ rất "khó nói" với cử tri bởi địa phương cũng có rất nhiều dự án cấp thiết cần được đầu tư. "Cử tri sẽ đặt câu hỏi: vì sao 5 dự án kia được vào, vì sao dự án mà nơi chúng tôi ứng cử cũng rất bức xúc lại không được vào bổ sung? có phải chúng tôi không chịu phát biểu ý kiến hay không chịu liên hệ với các cơ quan ở Chính phủ?" - ĐB Lê Việt Trường chia sẻ.

Chung quan điểm này, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) cho biết, dự án cầu Nhật Lệ 2 có một vị trí kinh tế, quốc phòng rất quan trọng, đã được phê duyệt nhưng không được bố trí vốn. "Việc công khai, minh bạch các tiêu chí cụ thể để lựa chọn là vấn đề quan trọng bảo đảm tính hiệu quả của việc lựa chọn các dự án. Đó cũng là một trong những biện pháp trong Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định nhằm giảm cơ chế xin - cho" - ĐB Nguyễn Mạnh Cường bày tỏ quan điểm…

Tiếp thu ý kiến của các ĐB, giải trình về nhu cầu vốn, lựa chọn dự án trong giai đoạn này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định, việc bố trí vốn được thực hiện theo quy trình minh bạch, đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ. "Chúng ta cần tới hơn 500.000 tỷ đồng, nhưng chúng ta chỉ có 225.000 tỷ. Nhiều cán bộ có kinh nghiệm nói với tôi, anh mà đưa việc này ra thì khó xử lắm, cứ để "nước chảy bèo trôi" thì còn được bởi vì đã bị quá mức rồi. Nhưng tôi nói rằng, quá cũng phải làm, trình Chính phủ, trình QH quyết định" - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết thêm.

Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc bổ sung nguồn vốn TPCP giai đoạn 2012-2015, song theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, toàn bộ nguồn vốn chỉ gói gọn trong con số 225.000 tỷ đồng. Như vậy, nhiều danh mục dự án quan trọng đang trong tình trạng dở dang sẽ chưa bố trí được nguồn. QH đã có nghị quyết giao cho Chính phủ rà soát để cân đối các nguồn vốn khác như: ngân sách, trái phiếu công trình, huy động nguồn lực xã hội, các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư. Vấn đề này sẽ do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT chịu trách nhiệm báo cáo Chính phủ, QH trong những tháng cuối năm.

Hàng dự trữ quốc gia phải đáp ứng các tình huống khẩn cấp


(HNM) - Chiều 11-6, các ĐBQH đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Dự trữ quốc gia (DTQG). Theo ý kiến của nhiều ĐB, hoạt động DTQG không chỉ đóng vai trò cứu trợ cho người dân khi xảy ra thiên tai, địch họa mà còn thể hiện năng lực và sức mạnh của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, có một số mặt hàng khác hầu như năng lực dự trữ không đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ trong tình huống khẩn cấp. Là quốc gia đứng đầu về xuất khẩu gạo trên thế giới, song lượng gạo dự trữ của Việt Nam lại không nhiều và chất lượng chưa cao. Nhiều ĐB cho rằng, công tác DTQG trong thời gian tới phải tương ứng với tốc độ phát triển kinh tế. Bên cạnh việc dự trữ hàng phù hợp với nhu cầu của đất nước trong từng giai đoạn, cần nâng cao chất lượng hàng dự trữ, tránh để tình trạng hàng dự trữ xong nhưng khi cần lại không sử dụng được vì chất lượng quá kém. Một số ĐB cũng góp ý về việc xã hội hóa các nguồn lực trong việc thực hiện công tác DTQG nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Hoàng Ly

Hương Ly