Châu Âu vào “trận chiến” mới
Thế giới - Ngày đăng : 06:15, 12/06/2012
Với khoản giải cứu 100 tỷ euro để vực dậy hệ thống ngân hàng, xứ sở Bò tót trở thành quốc gia thứ tư phải sống nhờ hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, lần này hoàn toàn khác trước bởi Tây Ban Nha là một "con bệnh" đặc biệt khi nền kinh tế của đất nước này lớn gấp đôi của cả ba quốc gia trên cộng lại.
Các ngân hàng Tây Ban Nha sẽ là đối tượng trực tiếp được nhận cứu trợ từ Eurozone. |
Thế nhưng, có lẽ chính vì sự "to lớn" của nền kinh tế lớn thứ tư Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) mà Châu Âu đã phải ra quyết định rất mau lẹ. Chỉ sau cuộc họp khẩn kéo dài hai giờ qua vô tuyến của các bộ trưởng tài chính khu vực, ngân khoản tương đương 125 tỷ USD đã được ký duyệt cho dù Quỹ Bình ổn tài chính Châu Âu (EFSF) và Cơ chế Bình ổn Châu Âu (ESM) hoàn toàn không trong điều kiện dư dả gì. Trước đó, những đồn đoán về sự yếu kém của kinh tế Tây Ban Nha đã kéo sụt lòng tin với Châu Âu. Làm dấy lên một đợt sóng mới giữa lúc cuộc khủng hoảng niềm tin đã ở mức cao trào, Tây Ban Nha đòi cứu trợ đã tạo thêm bất lợi mới trước các nỗ lực vượt thác nợ nần của Lục địa già. Do vậy, không chỉ Châu Âu lập tức đáp trả tín hiệu cấp cứu được phát đi từ Madrid, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng hoan nghênh lời thỉnh cầu "đúng lúc" của Tây Ban Nha. Trên thực tế, nếu tình trạng tồi tệ của hệ thống ngân hàng đang trong giai đoạn cực kỳ nhạy cảm của Tây Ban Nha không được kịp thời chống đỡ bằng các nguồn lực bên ngoài, một tan vỡ được báo từ trụ cột kinh tế thứ tư Eurozone sẽ để lại những hậu quả khôn lường. Tới lúc đó, sự suy sụp theo hiệu ứng domino không những tàn phá Châu Âu mong manh trong bão tố mà còn hủy diệt nhiều kế hoạch tạo đà cho nền kinh tế thế giới. Điều này lý giải cho sự vui mừng như trút bỏ được một gánh nặng của Tổng Giám đốc IMF, Christine Lagarde khi Tây Ban Nha lên tiếng đề nghị được nhận trợ giúp. Dù khẳng định rằng cơn khủng hoảng tại Châu Âu tiếp tục mở rộng phạm vi lây lan nhưng các chuyên gia kinh tế đều thừa nhận, sự gia nhập câu lạc bộ nhận cứu trợ của Tây Ban Nha là một bước đi quan trọng để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng vốn đang rất nguy kịch của Madrid.
Bị ảnh hưởng nặng nề từ những quả bong bóng nhà đất đã vỡ tung và suy thoái kinh tế từ cả trong nước và khu vực, Tây Ban Nha đã hơn một lần được nhắc tới như là quốc gia tiếp theo sẽ phải nằm trong sự che chở của các định chế tài chính Châu Âu và quốc tế. Đã có lúc lắng dịu, nhưng sự nghi vấn đặt ra với giới đầu tư và thị trường toàn cầu về quốc gia này liên tục gia tăng trong thời gian gần đây. Chỉ tính từ tháng 4-2012 đến nay, chi phí vay mượn của Tây Ban Nha đã tăng nhanh đến mức Madrid phải thừa nhận không thể tự mình tiếp cận thị trường vốn bên ngoài. Như một hệ quả tất yếu, hàng loạt các ngân hàng Tây Ban Nha đã trở thành đối tượng bị "dập vùi" của các hãng đánh giá tín dụng nước ngoài. Chưa hết, mức xếp hạng tín nhiệm của quốc gia này cũng đã liền một mạch mất 3 bậc, từ A xuống BBB trong mắt nhà xếp hạng Fitch. Không hề nương tay, Fitch cảnh báo mức triển vọng kinh tế tiêu cực của Tây Ban Nha sẽ còn tiếp tục xuống dốc không phanh trong tương lai nếu tình hình tài chính không có dấu hiệu cải thiện.
Với khoảng 30% ngân khoản vừa được thông qua sẽ dành để cơ cấu lại những ngân hàng nguy ngập nhất, cả Châu Âu và giới tài chính toàn cầu đều đang đặt hy vọng vào những chỉ dấu tích cực từ xứ Bò tót. Với Chính phủ Tây Ban Nha, đây là cơ hội và cũng là phép thử quan trọng. Dù rằng, vì nhiều lý do, khoản vay khổng lồ hiện tại sẽ được cung ứng mà không kèm theo điều kiện tiên quyết nào về các chính sách thắt lưng buộc bụng. Song không có gì bảo đảm rằng lịch sử sẽ lặp lại trong tương lai. Nếu không thể hiện được hiệu quả của ngân khoản này, việc tiếp cận những khoản tài trợ tiếp theo chắc chắn sẽ phức tạp hơn nhiều. Ngược lại, với Châu Âu, đây chưa thể là cam kết cuối cùng và mọi sự khó khăn trong nỗ lực cứu Tây Ban Nha mới chỉ ở điểm khởi đầu. Châu Âu đã chính thức bước vào một "trận chiến" mới.