Cầu nối giữa hai dân tộc
Văn hóa - Ngày đăng : 07:06, 11/06/2012
Có hàng chục vạn người thuộc lứa tuổi thanh niên sống và làm việc tại các nước cộng hòa trong Liên bang Xô viết, chủ yếu tại Nga. Bên cạnh đội ngũ sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đông đảo, còn có rất nhiều văn nghệ sĩ Việt Nam tại LB Nga. Chính họ đã góp phần tạo nên một dòng Văn học Việt Nam yêu nước tại nước ngoài. Báo Hànộimới xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Châu Hồng Thủy, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga, về những đóng góp này đối với quê nhà cũng như thúc đẩy tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Nga.
Từ sau khi Liên Xô tan vỡ, Hội Nhà văn Liên Xô không còn, mối quan hệ giữa các hội nhà văn hai nước bị gián đoạn, nhưng mối quan hệ giữa các nhà văn Nga và các nhà văn Việt Nam tại LB Nga không hề bị gián đoạn. Mặc dù các nhà văn Nga tách ra sinh hoạt trong hai Hội Nhà văn Nga, nhưng các nhà văn Việt Nam tại Nga vẫn giữ mối quan hệ tốt với cả hai hội. Mỗi khi có các nhà văn trong nước sang công tác, các nhà văn Việt Nam tại Nga đã tạo điều kiện cho họ về nhiều mặt, trong đó có việc tạo những cuộc gặp gỡ tiếp xúc với các nhà văn Nga nổi tiếng như Eptushenko, Raxputin, Raxun Gamzatov…
Nhiều tác phẩm văn học Nga, đặc biệt là của những nhà văn trẻ đương đại, được các dịch giả tại Nga dịch ra tiếng Việt, giới thiệu trên tạp chí "Người bạn đường", tạp chí "Đất nước", tạp chí "Tao đàn", gửi về giới thiệu trên báo chí trong nước. Những người có công đầu trong lĩnh vực này là dịch giả Hồ Quốc Vỹ và Nguyễn Thị Kim Hiền… Kim Hiền đã cho xuất bản "Tiếng cười trong bóng tối" của Nabokov và hàng loạt truyện ngắn của các nhà văn lớn của Nga như I.Bunhin, A.Platonop, M.Zoshenko, A.Grin, V.Tocareva, D.Rubina… in ở các nhà xuất bản trong nước và trên các tạp chí tại LB Nga.
Bằng các quan hệ hoạt động xã hội, các quan hệ ngoại giao thường xuyên hằng năm, các nhà văn Việt Nam tại LB Nga đã góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Nga. Đã thành truyền thống, hàng chục năm nay, Tết Nguyên tiêu trở thành đêm giao lưu thơ ca giữa các nhà văn Việt Nam với các nhà văn Nga tại Matxcơva. Đêm Nguyên tiêu đầu tiên năm 2000 được tổ chức tại Trung tâm Thương mại An Đông. Tiếp theo là những đêm Thơ Nguyên tiêu 2001, 2002, 2003 tại Sông Hồng, KT và Lion… Tại những đêm thơ này, các nhà thơ, nhà văn Nga thuộc hai hội khác nhau, thuộc nhiều thế hệ đã có những lời tốt đẹp ca ngợi truyền thống Việt Nam. Có thể kể những tên tuổi tiêu biểu: nhà văn M.Bavukin (Trưởng ban Đối ngoại Hội Nhà văn Nga), nữ thi sĩ nổi tiếng từ những năm 50 của thế kỷ trước: R.Kadakova (Tổng Thư ký Hội Nhà văn Matxcơva), nhà thơ X.Kaznachev (Phó giáo sư lý luận văn học Trường Viết văn Gorki), nhà thơ T.Arsac (người Armenia, Trưởng ban thơ của Báo nước Nga văn học), nữ thi sĩ Eva Muskova người Slovakia…
Tuy nhiên, đội ngũ hoạt động văn học nghệ thuật Việt Nam tại Nga luôn biến động. Khác với cộng đồng người Việt ở Pháp, Mỹ và một số nước khác, ít có người định cư chính thức ở Nga. Đa số người Việt ở Nga vẫn luôn hướng về quê nhà, tìm về quê hương để lập nghiệp. Tuy vậy, các sáng tác của họ mang được hơi thở của cuộc sống, phản ánh được những gian nan vất vả, những nỗi niềm, tâm tư tình cảm của người Việt xa xứ, phản ánh được cả hai mặt khắc nghiệt và thi vị lãng mạn của cuộc sống, miêu tả những cuộc đời, những số phận con người với cái nhìn nhân hậu, cảm thông. Toát lên trong tất cả tác phẩm của họ là tinh thần nhân bản và dân tộc, yêu thương con người và hướng về Tổ quốc.