Giải pháp giảm ùn tắc giao thông nội đô
Đời sống - Ngày đăng : 06:35, 11/06/2012
Hai cầu vượt tại nút giao Láng Hạ - Thái Hà và Chùa Bộc - Tây Sơn được Sở GTVT khởi công ngày 21-1, với tổng kinh phí hơn 132 tỷ đồng. Trong đó, cầu vượt tại nút Láng Hạ - Thái Hà do Công ty CP Cơ khí 4 và xây dựng Thăng Long (thuộc Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long) thi công, dài 189m, tổng vốn đầu tư hơn 67 tỷ đồng. Cầu vượt Chùa Bộc - Tây Sơn dài hơn 249m, tổng mức đầu tư 65,5 tỷ đồng, do Công ty CP Cầu 3 Thăng Long (thuộc Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long) thi công. Đây là 2 trong số các cầu vượt nằm trong nhóm công trình giao thông cấp bách nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông cho Thủ đô, được Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng cơ chế đặc thù trong quá trình triển khai xây dựng. Theo ông Vũ Hồng Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí 4 và xây dựng Thăng Long (nhà thầu chính dự án cầu vượt nút giao Láng Hạ - Thái Hà), đây là những cây cầu vượt nhẹ lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam. Đặc điểm công nghệ chính của cầu là có kết cấu bằng cọc thép, phần thân trụ cũng được làm toàn bộ bằng kết cấu thép. Khẩu độ mặt cầu có chiều ngang 9m, chiều dài cả cầu và 2 đường đầu cầu là 247m. Theo hợp đồng ký kết với chủ đầu tư (Sở GTVT Hà Nội) thời gian thi công là 180 ngày. Tuy nhiên, tính đến ngày thông xe, đưa vào khai thác (26-4), nhà thầu thi công chưa tới 100 ngày, về đích trước kế hoạch hơn 80 ngày (vượt tiến độ gần 50% so với kế hoạch).
Vượt tiến độ nhiều như vậy liệu có bảo đảm chất lượng, độ an toàn cho công trình? Trước câu hỏi này, ông Phan Quốc Hiếu, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long cho biết, để vượt được tiến độ như vậy, chúng tôi mất gần 2 tháng để nhập khẩu vật tư. Sau đó mất hơn 1 tháng sản xuất trong công xưởng và lắp đặt dầm thép, thảm mặt cầu tại hiện trường… Khoảng 90% khối lượng công việc và thời gian thi công được tiến hành vào ban đêm (20h-5h sáng hôm sau) để không ảnh hưởng tới giao thông. Cũng đã có nhiều người hỏi tôi về chất lượng, tôi khẳng định chất lượng là tốt. Trên thế giới người ta đã làm nhiều cầu vượt nhẹ bằng thép, thậm chí làm cầu vĩnh cửu. Dầm thép tại 2 dự án này là thép đặc chủng chuyên để làm cầu của nước ngoài có ký hiệu Q345B hoặc SS540B của Nhật Bản. Tổng Công ty hiện có hai nhà máy sản xuất dầm thép với công suất khoảng 15.000 tấn dầm/năm...
Ngoài hai cầu vượt nói trên, Sở GTVT Hà Nội cũng đang khẩn trương xây dựng các cầu vượt tại nút giao Nam Hồng trên tuyến đường Mai Dịch - Nội Bài; nút giao đường Nguyễn Chí Thanh - đường Láng; nút giao đường Lê Văn Lương - đường Láng. Cả 3 cây cầu này đều phấn đấu hoàn thành trước Tết Nguyên đán năm 2013. Hà Nội cũng đang nghiên cứu xây dựng một loạt cầu vượt tại các nút giao: Daewoo, Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, cầu vượt đường Bắc Thăng Long - Nội Bài giao cắt quốc lộ 2… Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long tiếp tục được Hà Nội tín nhiệm giao thi công một số cầu vượt.
Cũng theo ông Phan Quốc Hiếu, mô hình cầu vượt nhẹ kết cấu thép nên được nhân rộng tại các đô thị bởi các ưu điểm như vốn đầu tư thấp, thời gian thi công nhanh, ít ảnh hưởng tới giao thông. Một ưu điểm lớn khác là cầu vượt nhẹ chủ yếu bằng kết cấu thép nên có thể dễ dàng tháo dỡ, di dời để phù hợp với những thay đổi trong tổ chức giao thông. Ví dụ như chi phí xây lắp làm cầu vượt Ngã Tư Sở bằng bê tông cốt thép khoảng 500 tỷ đồng, cầu vượt Mai Dịch cũng khoảng 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Phan Quốc Hiếu cũng kiến nghị cần cải tiến để các dự án về sau đạt hiệu quả cao hơn. Thứ nhất, TP Hà Nội nên tổ chức thi kiến trúc lan can cầu để lựa chọn được các mẫu đẹp, tạo nét đặc trưng. Hiện nay, phần này vẫn do các kỹ sư cầu trực tiếp thực hiện, sẽ không thể bảo đảm yếu tố mỹ thuật, cảnh quan như giới kiến trúc. Thứ hai, nghiên cứu thiết kế nâng tải trọng để cầu đáp ứng cả cho xe buýt chứ không chỉ phục vụ cho xe con, xe máy.
Từ thành công của cầu vượt nhẹ tại Hà Nội, UBND TP Hồ Chí Minh đã quyết định đầu tư xây dựng một loạt cầu vượt nhằm giảm ùn tắc giao thông. Trong đó, giao cho Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long trong tháng 6-2012 khởi công các công trình cầu vượt nhẹ tại nút giao Hàng Xanh, Thủ Đức và hoàn thành trong năm 2012. Sau khi hai cầu này hoàn thành, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thi công xây hai cầu vượt nhẹ tại những nút giao thông thường xuyên xảy ra kẹt xe, như bùng binh Cây Gõ, nút giao Lăng Cha Cả...