Ngành than sẽ còn thua lỗ

Kinh tế - Ngày đăng : 06:33, 11/06/2012

(HNM) - Năm 2012, những bất cập trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển, nhất là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) có thể đưa tập đoàn này rơi vào tình trạng thua lỗ, không hoàn thành nhiệm vụ cung ứng than cho nền kinh tế.


Bù chéo hàng chục nghìn tỷ đồng

Chính phủ đã cho phép hóa giá than trong nước từ cuối năm 2009 với mức giá thấp hơn giá xuất khẩu tối đa 10%, riêng giá than cho điện bảo đảm đến năm 2010 theo cơ chế thị trường (Thông báo số 244/ TB-VPCP ngày 11-8-2009). Tuy nhiên, thực tế lộ trình này đang thực hiện chậm hơn so dự kiến. Đến nay, giá than trong nước vẫn thấp hơn nhiều so với giá xuất khẩu, riêng than bán cho điện thấp hơn giá thành. Từ ngày 1-3-2011, giá điện tăng 15,28%, giá than cho điện chỉ tăng ở mức 5% (bằng 60% giá thành năm 2010 đã được kiểm toán). Giá than trong nước thấp, kéo theo việc TKV phải bù chéo cho các hộ trong nước mỗi năm một tăng. Nếu như năm 2006, bù chéo cho than bán cho các hộ điện, xi măng, giấy và phân bón khoảng 1.200 tỷ đồng, thì năm 2007 là 1.350 tỷ đồng và năm 2008: 2.500 tỷ đồng. Bù chéo riêng cho điện năm 2009 khoảng 1.400 tỷ đồng, năm 2010: 3.100 tỷ đồng và năm 2011: 5.000 tỷ đồng. Nếu tính theo mức chênh lệch với giá than xuất khẩu, năm 2011, TKV phải bù giá than bán cho sản xuất điện của EVN khoảng 900 triệu USD.


Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Ảnh: Nguyễn Đán

Trong khi than trong nước bị khống chế bán giá thấp, thì ngược lại, các chính sách về thuế, phí ngày càng cao. Ngoài nộp các khoản thuế như các hoạt động kinh doanh khác (thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất…), ngành than còn phải nộp thuế tài nguyên tăng từ 1% lên 5% đối với than hầm lò và từ 2% lên 7% với than lộ thiên. Thuế xuất khẩu tăng từ 0% lên 20%. Lệ phí cấp giấy phép thăm dò, khai thác, hoàn trả chi phí điều tra xây dựng cơ bản địa chất và chi phí thăm dò, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, phí bảo vệ môi trường (tăng từ 6.000 đồng lên 10.000 đồng/tấn than nguyên khai). Phí nước thải và bổ sung thêm thuế bảo vệ môi trường (10.000 - 20.000 đồng/tấn) và tiền cấp quyền khai thác... Ngoài ra, là những khoản đóng góp thực hiện các trách nhiệm xã hội khác đối với địa phương và cộng đồng.

Chưa có giải pháp cụ thể cho nhập khẩu

Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sản lượng than thương phẩm dự kiến đến năm 2015 đạt 55-58 triệu tấn, năm 2020: 60-65 triệu tấn, năm 2025: 66-70 triệu tấn và năm 2030 đạt trên 75 triệu tấn. Tuy nhiên, hiện các mỏ than lộ thiên đã vào thời kỳ giảm sản lượng do trữ lượng dần cạn kiệt, nên việc tăng sản lượng chỉ dựa vào các dự án khai thác than hầm lò. Các dự án này có tính chất đặc thù, phụ thuộc nhiều vào điều kiện địa chất thủy văn, địa chất công trình, khí mỏ, nước mỏ, phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu về phòng nổ, an toàn mỏ, thời gian xây dựng dài (5-7 năm, thậm chí hơn), nhu cầu đầu tư vốn lớn (mỏ công suất 3-4 triệu tấn/năm, mức đầu tư lên tới 12-15 nghìn tỷ đồng). Trong khi theo quy định, công trình khai thác mỏ phải có vốn chủ sở hữu bằng 30% tổng mức đầu tư. Với giá than trong nước thấp như hiện nay, TKV rất khó khăn trong việc cân đối vốn cho đầu tư mỏ hầm lò.

Theo cân đối cung - cầu của kịch bản cơ sở và kịch bản cao trong quy hoạch phát triển than, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than cho các nhà máy nhiệt điện (chủ yếu ở phía Nam) khoảng 5-15 triệu tấn vào năm 2015; 21-40 triệu tấn vào năm 2020; 40-80 triệu tấn vào năm 2025 và khoảng 100-150 triệu tấn vào năm 2030. Sản lượng than thiếu hụt sẽ phải nhập khẩu, song cho đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài khai thác than đưa về nước cho các nhà máy nhiệt điện. Để phát triển bể than Đồng bằng sông Hồng, trong Thông báo 76/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho TKV hoàn chỉnh hồ sơ xin cấp giấy phép thăm dò than tại khu vực Khoái Châu 1 (Hưng Yên). TKV đã thực hiện, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phép thăm dò. Trong khi đó, theo quy hoạch phát triển ngành than, giai đoạn đến năm 2015 bể than này sẽ đầu tư khai thác thử nghiệm một số dự án, để đến năm 2020 đạt sản lượng 0,5-1 triệu tấn, năm 2025 đạt 2 triệu tấn và năm 2030 đạt trên 10 triệu tấn.

Trước đó Tổng Công ty Than (nay là Tập đoàn TKV) đã được cấp giấy phép về việc giao quản lý, bảo vệ và tổ chức thăm dò, khai thác than. Trên cơ sở giấy phép này, TKV phê duyệt quy hoạch điều chỉnh ranh giới các mỏ thuộc tập đoàn. Các công ty than tự chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ và tổ chức khai thác than trong ranh giới mỏ được giao. Nay, theo quy định của Luật Khoáng sản 2010 chuyển sang cấp phép theo dự án, một mỏ có thể có 1-3 giấy phép cho các khu vực khai thác khác nhau. Giấy phép khai thác chỉ cấp trực tiếp cho các công ty khai thác mỏ than. Trong khi đó, công ty mẹ - TKV được Nhà nước giao quản lý tài nguyên, trữ lượng than và các khoáng sản khác, để tổ chức thăm dò, khai thác theo quy định pháp luật. Điều lệ của TKV phải có trách nhiệm bảo đảm cung ứng than cho nền kinh tế quốc dân, kể cả nhập khẩu than, nhưng TKV lại không được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Những bất cập nêu trên, nếu không được tháo gỡ kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong những năm tới.

Thanh Mai