"Bão" dịch tai xanh tràn qua các trang trại
Xã hội - Ngày đăng : 06:26, 11/06/2012
Dịch lợn tai xanh làm cho người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Tuấn
Theo Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 8-6, dịch lợn tai xanh đã xuất hiện tại 6 tỉnh, thành phố: Điện Biên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lai Châu, Hòa Bình và Lạng Sơn. Tại Hà Nội, các ổ dịch cũng đã xuất hiện ở một số huyện, thị xã: Sơn Tây, Phúc Thọ, Ba Vì. Mặc dù các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch nhưng hiện nay dịch bệnh diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan cao. Dịch tai xanh xảy ra khiến giá thịt lợn giảm mạnh, khoảng 50% so với tháng đầu năm. Người nuôi có lợn mắc bệnh đã tiêu tán toàn bộ gia sản, nhiều hộ chăn nuôi lợn ở các địa phương không có dịch cũng chỉ mong thu hồi đủ vốn.
Tại trang trại (TT) chăn nuôi lợn của HTX chăn nuôi dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây), người nuôi lợn như ngồi trên đống lửa. Anh Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX cho biết, khi có thông tin về chất tạo nạc, giá lợn giảm khoảng 30%. Nay lại xuất hiện dịch lợn tai xanh, giá tiếp tục giảm xuống 50%. Hiện giá lợn ở các TT chỉ dao động từ 40.000-43.000 đồng/kg, còn lợn nuôi trong dân chỉ bán được với giá 30.000-33.000 đồng/kg, như vậy bị lỗ 17.000-18.000 đồng/kg. HTX Chăn nuôi Cổ Đông có hơn 200 TT nuôi lợn thì hiện nay 30-35% TT bỏ chuồng không nuôi. Còn anh Nguyễn Văn Điệt, hộ nuôi lợn ở xã Cổ Đông buồn rầu cho biết, do ảnh hưởng của dịch lợn tai xanh, giá không những giảm mà còn không bán được. Hiện, TT của anh Điệt có 50 lợn nái và 600 lợn thương phẩm từ 90-100kg/con đã đến kỳ xuất chuồng, đã không bán được lại tốn thêm mỗi ngày hơn một triệu đồng tiền thức ăn. Không những thế, hiện nay đang vào vụ nóng, chuồng nuôi khép kín phải có hệ thống làm mát, trung bình một ngày mất 2 triệu đồng tiền điện. Công sức vất vả 4 tháng trời chăm sóc đàn lợn, vốn vay vẫn nợ ngân hàng cả trăm triệu đồng giờ đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng. Nhiều hộ nuôi ở đây dù biết lỗ nhưng vẫn phải bấm bụng mà bán vì sợ bệnh tai xanh lây lan sẽ rất khó bán và giá còn giảm hơn nữa. Nếu để thêm một tháng là lỗ hàng trăm triệu đồng và ảnh hưởng đến chu kỳ nuôi của lứa sau. Các chủ TT chăn nuôi lợn ở Cổ Đông (Sơn Tây) và vùng ngoại thành Hà Nội đề nghị Nhà nước có biện pháp tháo gỡ cho người nuôi lợn. Trong đó, chính sách hỗ trợ về vốn là quan trọng nhất bởi hiện nay người nuôi tiếp cận các nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi rất khó khăn. Để cứu người nuôi lợn thoát cơn bĩ cực do dịch tai xanh gây ra và để có vốn tiếp tục đầu tư vào lứa sau, ngân hàng nên tiếp tục gia hạn, khoanh nợ hoặc giãn nợ cho các TT chăn nuôi lợn. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vắc xin tiêm phòng, hiện nay các TT lớn đều phải chủ động mua vắc xin, giá rất cao lại khó mua.
Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc cảnh báo dịch tai xanh là hoàn toàn đúng, nhưng trước khi công bố dịch phải làm sao để người dân không hoang mang, tránh thổi phồng sự việc gây tổn hại lớn cho người nuôi lợn trên địa bàn cả nước. Trước mắt, để giúp người nuôi lợn, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vốn, vắc xin tiêm phòng cho các TT. Các TT chăn nuôi cũng phải tìm hướng tiêu thụ mới, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương cần phải quy hoạch lại, dời các TT chăn nuôi ra xa khu dân cư, hạn chế việc nuôi nhỏ lẻ trong dân vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa có nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Người nuôi cần phải thay đổi phương thức nuôi theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm.