Gần gũi Tây Nguyên
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:09, 11/06/2012
Lễ hội cồng chiêng của người dân Gia Lai.
Rời Hà Nội với cái nóng hầm hập, TP Pleiku, thủ phủ tỉnh Gia Lai đón chúng tôi bằng làn gió mát rượi, thanh sạch của cao nguyên. Trong đoàn cán bộ TP Hà Nội tới Tây Nguyên lần này, có người lần đầu đến, có người đã khá thân quen với mảnh đất này, song tất cả đều cảm thấy ngợp bởi vẻ đẹp trù phú của Gia Lai với những vạt rừng cao su, hồ tiêu, cà phê… xanh ngút ngàn tầm mắt. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái, Trưởng đoàn công tác cho biết, đây là đoàn thứ tư của TP Hà Nội đi thăm, làm việc với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm thắt chặt hơn nữa tình cảm gắn bó, tăng cường hợp tác cùng phát triển. Với Gia Lai, trong những năm qua, quan hệ hợp tác giữa hai tỉnh, thành phố đã được quan tâm với nhiều hoạt động được triển khai thực hiện. Song, công bằng mà nói, tất cả những hoạt động đó chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và nguyện vọng của mỗi địa phương; cần được tăng cường, mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác hơn nữa trong thời gian tới.
Nằm ở phía bắc Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 15.537km2, đứng thứ hai cả nước (sau Nghệ An), Gia Lai có thế mạnh về tài nguyên đất đai để hình thành những vùng chuyên canh cây công nghiệp, tạo nguyên liệu đầu vào cho phát triển công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Hiện Gia Lai có tới 95.700ha cao su, 77.500ha cà phê, 19.400ha điều, 7.300ha hồ tiêu… Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất 81 nghìn tấn mủ/năm, 2 nhà máy chế biến đường, 4 nhà máy chế biến tinh bột sắn và 2 nhà máy chế biến hồ tiêu với công suất 10 nghìn tấn tiêu sạch/năm.
Chưa đầu tư tương xứng cho du lịch và không có nhiều điểm đến nổi tiếng như Đà Lạt, nhưng Gia Lai lại có vẻ hấp dẫn riêng với những thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú, các di tích lịch sử văn hóa đặc sắc cùng các địa danh nổi tiếng như: biển Hồ, núi Hàm Rồng, thác Phú Cường, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Thủy điện Ia Ly, Nhà lao Pleiku, Làng kháng chiến Stơr (quê hương anh hùng Núp), Tây Sơn Thượng đạo (căn cứ địa của anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ); các lễ hội truyền thống, tín ngưỡng của người Ja Rai, kiến trúc nhà Rông… Và đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại năm 2005 đã chứng minh giá trị văn hóa của người bản địa trên vùng đất Tây Nguyên. Đây cũng chính là lĩnh vực mà Gia Lai đề nghị TP Hà Nội cùng phối hợp kêu gọi nhà đầu tư có kinh nghiệm và năng lực hợp tác phát triển.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội tặng 100 nhà tình nghĩa trị giá 5 tỷ đồng cho tỉnh Gia Lai.
Trong chuyến đi cùng đoàn công tác của lãnh đạo TP Hà Nội đến Tây Nguyên lần này, thật may mắn là tôi lại có dịp trở lại Chư Tan Kra, xã Ia Xia, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, nơi cách đây 44 năm, ngày 26-3-1968, đã diễn ra trận chiến đấu quyết liệt của Trung đoàn bộ binh mũ sắt (209) - Trung đoàn thép Hà Nội ở Tây Nguyên, tiêu diệt 204 lính Mỹ. Trong trận đánh oai hùng đó, hơn 100 người con ưu tú của Hà Nội đã anh dũng hy sinh.
Tháng 3-2011, cùng với đoàn công tác TP Hà Nội và Ban Liên lạc (BLL) CCB Trung đoàn 209 "Trung đoàn thép" Hà Nội vào Tây Nguyên để làm lễ an táng 77 liệt sĩ Hà Nội tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, tôi đã đến được cao điểm 996, Chư Tan Kra. Lúc đó, nhiều CCB trong BLL Trung đoàn 209 đã bày tỏ nguyện vọng có một công trình kỷ niệm, lưu dấu những chiến tích oai hùng của Trung đoàn thép Hà Nội ở Tây Nguyên và tri ân các anh hùng liệt sĩ Hà Nội đã anh dũng hy sinh. Đến nay, nguyện vọng ấy đã trở thành sự thật.
Nằm ở vị trí lý tưởng dưới chân núi Chư Pen và Chư Tan Kra, Khu tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội mặt trận bắc Kon Tum đã chính thức được khởi công xây dựng từ tháng 5-2011 và dự kiến khánh thành vào ngày 30-6 tới. Với các hạng mục: nhà tưởng niệm, nhà bia, khu mộ liệt sĩ… công trình Khu tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội mặt trận bắc Kon Tum xứng đáng là một công trình văn hóa lịch sử đầy ý nghĩa trên mảnh đất Tây Nguyên giàu truyền thống cách mạng. Đại úy Hoàng Minh Phương, cán bộ Công ty Hà Thành, Bộ Tư lệnh Thủ đô - chủ đầu tư công trình cho biết, với trách nhiệm của người lính đi xây dựng những công trình đặc biệt, đã hơn một năm nay, anh cùng các đồng đội ở Bộ Tư lệnh Thủ đô lập lán trại, ăn ngủ tại chỗ để bảo đảm hoàn thành công trình đúng tiến độ, kịp đưa vào hoạt động, phục vụ việc thăm viếng các liệt sĩ của TP Hà Nội và các gia đình thân nhân liệt sĩ, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7. Ngoài công trình Khu tưởng niệm, một nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ cũng đang được đơn vị gấp rút hoàn thiện. Có mặt ngay tại công trình để đón tiếp đoàn công tác của Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Xia Lò Minh Thống cho biết, nhân dân trong xã rất phấn khởi trước việc Hà Nội khởi công xây dựng công trình đặc biệt có ý nghĩa trên và thường xuyên qua lại, thăm hỏi bộ đội. Xã cũng đã ký kết trách nhiệm với đơn vị và vận động nhân dân bảo vệ công trình.
Trao đổi kinh nghiệm hợp tác, đầu tư, cùng phát triển, nhằm thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa hai tỉnh, thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái đã thay mặt Đảng bộ và nhân dân Hà Nội cảm ơn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã giúp đỡ TP trong việc tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ, xây dựng Khu tưởng niệm liệt sĩ Hà Nội mặt trận bắc Kon Tum và cho rằng, cần tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác phát triển để phối hợp, hỗ trợ khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của hai địa phương, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Là tỉnh miền núi, vùng cao biên giới nằm ở cực bắc Tây Nguyên, được thành lập lại vào tháng 8-1991, cũng giống như Gia Lai, Kon Tum có tiềm năng lợi thế so sánh là rừng và đất rừng, cây công nghiệp dài ngày (cao su, cà phê), cây dược liệu (sâm Ngọc Linh), rau, hoa, quả xứ lạnh… Là một trong 13 tỉnh thuộc khu vực "tam giác phát triển" Việt Nam - Lào - Campuchia, có vị trí thuận lợi trong việc giao thương kinh tế với các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, hiện Kon Tum được xem là địa bàn có vị trí, vai trò quan trọng trên tuyến hành lang thương mại quốc tế và có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Các lĩnh vực mà Kon Tum đề xuất Hà Nội đầu tư phát triển không nằm ngoài các sản phẩm chủ lực của tỉnh như cà phê, cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su, sắn, sâm Ngọc Linh, rau, hoa xứ lạnh và thủy sản nước ngọt (cá tầm, cá hồi)… Bên cạnh đó, phối hợp kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi), Khu du lịch sinh thái Măng Đen (huyện Kon Plong); hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Kon Tum trong việc tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư tại Hà Nội. "Hiện Kon Tum đã chủ trương và xác định mục tiêu đến năm 2020 sẽ tập trung đầu tư phát triển 3 vùng kinh tế động lực. Trong đó có mục tiêu phát triển khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y trở thành trung tâm tăng trưởng và liên kết kinh tế của tam giác phát triển ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam. Xây dựng và phát triển trung tâm huyện lỵ Kon Plong gắn với Khu du lịch sinh thái Măng Đen trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng theo hướng hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Kon Tum và dần trở thành khu du lịch lớn của khu vực bắc Tây Nguyên" - Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Đào Xuân Quý khẳng định.
Thiên nhiên hùng vĩ và bầu không khí mát mẻ quanh năm đã tạo cho Tây Nguyên nhiều lợi thế cả về công - nông nghiệp lẫn phát triển du lịch. Cùng với các di tích lịch sử, những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, Tây Nguyên đang hứa hẹn thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư và khách du lịch trong tương lai. Trong đó chắc chắn sẽ có sự góp sức của Hà Nội…