Tín hiệu tích cực

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:32, 11/06/2012

(HNM) - Hôm nay 11-6, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và dưới một tháng sẽ giảm từ 3% xuống 2%, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn một đến 12 tháng giảm còn 9% so với mức 11% trước đó. T

Từ nay tới cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì tương đối ổn định mức lãi suất huy động này. Theo Ngân hàng Nhà nước, đây là bước đi đầu tiên hướng tới việc bỏ trần lãi suất trong tương lai. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành quyết liệt thị trường ngoại hối, tỉ giá… Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, kỳ vọng kiểm soát tỷ giá ở mức 2-3% trong năm nay, có thể đạt được.

Mới đây, hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor's đã nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ "tiêu cực" lên "ổn định" với lý do Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát. Các chuyên gia kinh tế nước ngoài đánh giá cao thành công này của Việt Nam và việc hạ lãi suất cho thấy kinh tế vĩ mô đã có những chuyển biến tích cực.

Cái đích của việc giảm lãi suất tiền gửi là để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tiếp cận nguồn vốn. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, khi hàng loạt doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản, ngừng hoạt động vì thiếu vốn…, việc giảm lãi suất là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế. Các doanh nghiệp kỳ vọng rất nhiều vào chủ trương ưu đãi vốn cho nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ... Tín hiệu tích cực cũng đã được phát đi từ phía ngân hàng, nhưng thực tế giữa ngân hàng và doanh nghiệp vẫn còn những khoảng cách.

Để tiếp cận được vốn vay ưu đãi, doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, kiểm toán tài chính minh bạch... Trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không dễ có thể thuê kiểm toán độc lập, chưa kể hầu hết doanh nghiệp loại này đang trong tình trạng có nợ quá hạn hoặc nợ xấu. Khi doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu từ phía ngân hàng, đương nhiên rất khó có thể tìm tiếng nói chung, bởi xét cho cùng, ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Một khi đã bỏ vốn, không thể không tính toán tới việc bảo toàn nguồn vốn đó, chưa nói đến chuyện lời lãi.

Giảm mạnh lãi suất và kích cầu là những giải pháp cần thiết, đặc biệt trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, để giải pháp này thật sự mang lại hiệu quả, có rất nhiều câu hỏi cần được trả lời: Dòng tiền kích cầu ấy đi vào dự án nào? Có thực sự giúp doanh nghiệp vượt khó được không? Có thực sự tăng sức mua của người dân hay không?... Nếu kích cầu mà phần lớn dòng tiền tiếp tục đổ vào những dự án kém hiệu quả, khả năng lạm phát quay lại là hoàn toàn có thể. Như vậy, hệ lụy cho cả nền kinh tế sẽ khó có thể đong, đếm…

Một vấn đề nữa rất đáng để suy nghĩ. Theo một vị đại biểu Quốc hội, cũng là một chuyên gia kinh tế: Chỗ nghẽn hiện nay là nền kinh tế không hấp thụ được dòng vốn. Dòng vốn của nền kinh tế giống như dòng máu trong hệ tuần hoàn, đang gặp cục máu đông nằm trong mạch máu. Cục máu đông đó là nợ xấu ngân hàng… Làm sao xử lý "cục máu đông" này? Có lẽ trách nhiệm trả lời trước hết thuộc về Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm mạnh lãi suất tiền gửi, tiến tới việc bỏ trần lãi suất có thể xem là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, còn không ít vấn đề phải giải quyết để hạ lãi suất thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thế Phương