Blog của nhà văn: Nghệ thuật và báo chí

Văn hóa - Ngày đăng : 07:13, 10/06/2012

(HNM) - Lâu nay blog của các nhà văn, nhà thơ đã phát triển phổ biến tới mức trở thành một kênh giao lưu, trao đổi mạnh mẽ của văn nghệ sĩ về chuyện nghề, chuyện đời.


1. Những "ngôi nhà riêng"

Blog, Facebook… hay các trang mạng xã hội nói chung do các văn nghệ sĩ lập ra đã trở thành một phần của đời sống văn nghệ sĩ, của văn học hôm nay. Có thể thấy sự tham gia của các nhà văn nhiều lứa tuổi trong thế giới mạng xã hội như Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Quang Lập, Trần Đăng Khoa, Trần Đức Tiến, Trần Nhương đến lớp trẻ hơn như Lê Thiếu Nhơn, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, DiLi…

Một bài viết trên blog của Đỗ Bích Thúy.


Các trang mạng cũng phần nào phản ánh lứa tuổi, sở thích của chủ nhân. Những cây bút đứng tuổi phần đông chọn lối giao diện chân phương, nhìn vào là thấy ngay các mục chính, rồi tiêu đề bài vở, phản hồi độc giả… Với cây bút trẻ hơn, đương nhiên diện mạo "ngôi nhà" của họ cũng trẻ trung hơn với ảnh, tranh về các vùng miền của đất nước, trên thế giới. Blog của Đỗ Bích Thúy lúc nào cũng rộn ràng hơi thở vùng cao Hà Giang. Một nhà văn khác cũng chịu khó gửi đến bạn đọc của mình mỗi tuần một tấm ảnh với nhiều thông tin bổ ích về những nơi chị đã đi qua… Cũng có trang của người trẻ hẳn hoi nhưng lại chân phương như các cụ, có lẽ là theo phong cách khá đằm của người làm phê bình.

Chủ nhân những ngôi nhà ảo là nhà văn, nhà thơ, họa sĩ… nhưng đa phần đều gánh thêm những nghề "mưu sinh" khác như làm báo, doanh nhân, quản lý… Chả ai rảnh rỗi gì để suốt ngày lướt web, tán gẫu như các bạn "teen". Nhưng sở dĩ những trang mạng của văn nghệ sĩ vẫn sống động, thu hút người đọc là bởi họ coi đó là nơi trao đổi về nghề, gặp gỡ bạn văn, thậm chí nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo. Nhà văn Đỗ Bích Thúy coi việc dành chút thời gian cho blog như "viết nhật ký hằng ngày". Khoảng thời gian dù ít ỏi đó giống như lúc mở cửa sổ lòng mình để cuộc sống ùa vào. Với Phong Điệp, "ngôi nhà" riêng của chị còn là nơi giới thiệu tác phẩm mới xuất bản, tác phẩm đang sáng tác và cả tác phẩm mới của bạn văn…

Dương Thụy, tác giả của những trang viết lãng mạn đậm chất du ký, làm say mê nhiều bạn đọc trẻ cũng từng chia sẻ rằng, chị vốn không có thời gian "chát chit", đọc, viết blog… Nhưng rồi nhu cầu giao lưu với bạn đọc, hồi đáp lại mối quan tâm, tình cảm của độc giả nên chị cũng đã có một "ngôi nhà" riêng trên mạng.

2. Những trang thông tin chung

Phải nói rằng, chuyện văn chương hấp dẫn đã đành, nhưng nhiều trang mạng xã hội của nhà văn cũng thể hiện chức năng thông tin mạnh mẽ. Ngoài việc trần thuật dí dỏm nhiều sự kiện văn học, có trang còn thông tin với bạn đọc các hoạt động giao lưu, tọa đàm, hội thảo, giới thiệu tác phẩm mới. Một số trang đi sâu vào phê bình văn học, đăng tải nhiều ý kiến đa chiều quanh một sự kiện, hiện tượng văn chương nào đó. Hoặc phổ biến hơn là đưa lại những bài báo hay, có vấn đề về văn học nghệ thuật. Tính phản biện, ngôn ngữ văn chương dồi dào vốn có của nhà văn, khả năng liên kết, phản hồi rộng rãi… là những yếu tố làm nóng các trang mạng xã hội này.

Có thể nói, dù đứng tên các cá nhân, nhưng nhiều trang mạng đã trở thành địa chỉ sinh hoạt chung về văn chương, phê bình văn học, tiếng nói của nhà văn trước nhiều vấn đề xã hội… Thậm chí đây còn là một kênh nắm bắt tin tức, đời sống văn chương đặc biệt phong phú.

Ý thức được tính tương tác cao, lan truyền thông tin nhanh của internet nên hầu hết chủ nhân của các trang mạng đều phải mất công biên tập bài vở, cũng như "comment" (phản hồi) của độc giả. Bên cạnh đó là những nguyên tắc chung về trách nhiệm trước pháp luật. Đã có những bài được đưa lên, sau khi nghe ngóng phản hồi, chủ nhân cũng suy xét rồi gỡ xuống…

Tuy nhiên, xét cho cùng, vì không phải là một loại hình báo chí nên các bài viết ở đây không chịu áp lực về sự chính xác, cẩn trọng của thông tin. Những chuệch choạc không "chết người" như sai tên người, thông tin vui vẻ bên lề… lắm khi lại là một "mẹo" để thu hút người đọc. Vì thế, tính chất tham khảo thì vô cùng phong phú, nhưng xác nhận độ chính xác của thông tin thì cũng phụ thuộc vào chính bộ lọc của người đọc.

Không phủ nhận được rằng có nhiều địa chỉ thực sự nghiêm túc, thu hút đông đảo khách thăm. Và sự xác lập uy tín này là do ý thức cũng như công sức của chủ nhân những ngôi nhà ảo đó.

Blog của nhà văn cũng giống như của nhiều cá nhân, thành phần khác trong xã hội, tất cả đều phải tuân thủ những quy định chung của pháp luật về thông tin trên internet. Tuy nhiên, blog của nhà văn có cái khác, đó là hấp lực tự nhiên của người cầm bút, tạo ra sức lan tỏa có thể rộng lớn hơn, mạnh mẽ hơn. Hình như chưa hề có một cuộc trao đổi sâu nào của hội nghề nghiệp về hiện tượng thú vị này của đời sống văn học nhiều năm qua. Có thể không chỉ là đánh giá hiệu quả mà còn chia sẻ chuyện bếp núc phía sau mỗi trang viết, những kiến nghị về hoàn thiện luật pháp giúp blog văn chương phát triển có chiều sâu hơn, hay những gợi ý về xuất bản trên mạng…

Thôi thì trước mắt, nhà văn phải nỗ lực tự thân vậy!

Thi Thi