Lênh phênh xã đảo
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:06, 09/06/2012
Nơi diễn ra trận đánh ấy là sông Mang, thực ra là lạch biển ngăn cách hai đảo Quan Lạn với Trà Bản. Có thể tưởng tượng 500 chiếc thuyền lương thảo cho người ngựa ì ạch đến đây bị thuyền lá tre Đông A nhanh nhẹn vây đánh, làm gì chẳng lúng túng. Mà nó phải diễn ra lúc triều xuống, lòng sông hẹp rí rị, thuyền to dềnh dàng chả trốn đàng nào được.
Một góc Vân Đồn.
Dòng sông lịch sử ấy giờ vẫn hẹp. Núi Nàng Tiên 450 mét bên Bản Sen phơ phất mây. Triều xuống, là lúc đào sá sùng. Giống giun cát này còn những tên sa sùng, đồn đột, chặt khoai, địa sâm, biển nhiều nơi có nhưng chả đâu ngon bằng ngoài Quan Lạn. Đàn bà đi là đa phần, khăn mũ hùm hụp xà cạp quấn chân, cứ lom dom thấy miệng cát là phóng mai dận cái “phập”. Cát hất lên loe ngoe con sâu màu vàng trong có sọc dọc, đem về xào với lá lốt hay nấu canh ngọt nước lắm. Sá sùng khô giờ ba bốn triệu một cân, đem về Cẩm Phả thành sáu bảy triệu. Nồi xương bò hầm nhừ tử, thêm tôm he, thảo quả, gừng hành nướng, mươi con sá sùng nữa là thành nước “phở Hà Nội” thơm điếc mũi. Trong đông y, đây còn là vị bổ dương, “một người uống hai người vui”.
Đi sá sùng phải sớm, vì nắng lên nó càng chui sâu xuống cát. Được lưng giỏ đem về đổi gạo, đủ ăn cả ngày, khi có nhà báo “ca ngợi” họ “đãi cát tìm ngọc”, văn vẻ quá, thực là chỉ tìm gạo. Sự mưu sinh trên đảo nếu chỉ cầu no thì không khó. Vậy mà trừ con trẻ đến trường, đa phần vẫn chỉ ngày hai bữa, dấu vết đận xưa thiếu ăn chăng…
Đảo Quan Lạn có hai xã. Xã Quan Lạn đông dân lắm quán, sáng ra đi chợ nhức mắt vì cá song cá nụ, nhức tai tiếng mà cả mà lẽ. Nhà hàng khách sạn nhiều và làm ăn khá chuyên nghiệp, khách nghỉ tìm quán karaoke, tự dưng thành ngôi sao ca nhạc. Cơ chế cởi mở, làm ăn phất lên giờ người Quan Lạn kìn kìn xây mộ tổ, nhà từ to tướng, nghĩa trang rất “hoành tráng lệ”. Ngôi đình thờ vua Lý lập cảng Vân Đồn từ thế kỷ XI, tỷ lệ, kích thước và các bức chạm trên câu đầu, cửa võng không thua gì một ngôi đình Đoài. Bên cạnh là chùa nhưng “tiền Phật hậu Thánh”, đền thờ ba ông tướng họ Phạm theo Trần Khánh Dư đánh giặc độ nào. Bên chữ “Trần” đắp nổi hình ông tướng mắt sâu mày rậm râu quai nón rất quắc thước. Trần Khánh Dư là người có công lớn trong trận chiến chống lại đạo viễn chinh Nguyên Mông từng đè nửa thế giới dưới vó ngựa, ai cũng biết điều này. Trấn giữ Vân Đồn, ông ra lệnh không được đội nón của phương Bắc mà phải dùng nón Ma Lôi, mỗi chiếc giá ngang tấm vải, nhờ thế bán được cả mấy thuyền nón mua cất từ trước.
Minh Châu là “xã trong”, du lịch mới mọc nên đơn sơ, hợp với khách ưa hoang dã. Bãi tắm phẳng, mịn, không bị “trang điểm” những túi ni lông, vụn xốp như bên Quan Lạn, lội ra tới cằm còn nhìn thấy lông chân. Thích nhất là bãi nào cũng còn được rừng phi lao, bạch đàn, dứa dại, nhất là trâm bao bọc, chứ chưa bị bóc đi cho trơ ra, lở loét như ở Quất Lâm (Nam Định), Cồn Vành (Thái Bình). Sáng ra thơ thới đi trên bãi, ngắm dấu chân mình in trên cát, có cái cảm giác được khai phá cõi trinh bạch. Vượt khỏi những đợt sóng mạnh ven bờ, người giỏi bơi thả mình nằm ngửa, dõi theo chú quạ đen nhức bị đôi chim cắt dồn đánh chạy chí chết, thấy mình như là một phần của thiên nhiên sinh tồn hoang dại. Len lỏi trong rừng trâm âm u, ngắm những thân cành vặn vẹo mốc meo, dướn lên bẻ một chùm quả chín, nhằn lấy thịt ngọt lịm, phun hạt phì phì là một lạc thú khác. Trâm cơm quả nhỏ bằng hạt gạo, trâm trâu quả bằng ngón tay cái, xưa là thức cứu đói khi biển chả nuôi nổi người.
Với không gian trong lành, công việc trên biển cả, Minh Châu có nhiều cụ trường thọ, có khi ngoài trăm tuổi. Hỏi người biết nhiều và còn tinh tường chuyện xưa, ai cũng chỉ đến cụ Nguyễn Văn Hường, 86 tuổi ở thôn Ninh Hải, đã đỗ sơ học yếu lược, làm chủ tịch xã đầu kháng chiến chống Pháp. Cụ Hường bảo tiền hiền khai canh đây có các họ Lê, Châu, Phạm, và bốn dòng Nguyễn, nhưng gia phả ít nhà chép cẩn thận. Những ông “đến từ” Phú Thọ thường lên rừng đẵn gỗ, Thái Bình, Nam Định làm nông, Đồ Sơn đi cá. Miếu Vân Hải mới dựng, bảng công đức có vài vị “đăng ký” gốc Nga Sơn. Trên đảo trai gái lấy nhau, con cháu đẻ ra lại vợ chồng, nên cái sự gần máu quá khó tránh. Nghe câu “Đám cưới gã con gái cho anh đi bễ”, tôi hỏi có phải người Thanh Hóa ra đây là nhiều nhất, cụ bảo đấy giống giọng Đồ Sơn hơn. Và đôi hồi, chả biết chính xác đến đâu…
“Tổ tôi ra đã sáu đời, chạy nhiều đảo mới về đây. Đi cá, đẵn gỗ đóng bè về đất đủ cả, lo ăn nhiều nên không có trường học quy củ, chỉ đón hương sư dạy chữ Hán nên chuyện khoa bảng càng không thể có. Muốn rành Quốc ngữ phải sang Quan Lạn, nay trẻ học cấp ba cũng thế. “Rừng xưa có sến, táu, dẻ, tận diệt rồi không tính. Ngoài biển bắn mìn, kích điện, lưới đánh dầy như màn tuyn, cá con cá mẹ đố thoát nổi, nghĩa là ta phá ta chứ bão lốc là mấy. Bãi cát trắng tinh mênh mông là thế, máy hút đem đi bán, của trời rồi cũng cạn thôi. Ruộng thời kháng chiến có 40 mẫu chắc ăn, nay còn nửa nhưng chả mấy người cấy, chuyển sang trồng rừng tạp, lạc, đỗ. Sinh nhai cứ ra biển lúc là đủ đến hôm sau”.
“Bây giờ du lịch phát lên, nhiều người đã về Quan Lạn làm ăn, người các tỉnh về mua đất nhiều lắm, những chỗ tưởng là hoang có chủ cả đấy. Có cái tàu Trung Quốc đắm ngoài Bạch Long Vĩ, cháu tôi thuê cần trục vớt mất một tỷ, thêm ít tiền sửa lại thành cái tàu chục tỷ, ngày được kiếm tới trăm triệu” - cụ Nguyễn Văn Hường khảnh khái nói.
Mưa suốt đêm, sáng lạnh không đi tắm được, đâm tôi cứ ủ rũ nghe ông chủ nhà nghỉ Minh Châu nói chuyện. Nguyễn Văn Hựu đích thị dân gốc, ngoài mùa này, tức là mùa khách đi nghỉ, từ tháng 9 đến tháng 5 tối mặt vụ sứa. Hựu có tàu ngoài bến, thu mua xong đem đi Trung Quốc, năm vài chục chuyến. Sứa năm ngoái 5 nghìn một cân, năm nay mất mùa lên 150 nghìn, con vài yến là ra chục triệu. Mỗi năm Hựu thu vài trăm triệu, vay mướn đắp đổi lên được cái nhà này. Minh Châu giờ mươi khách sạn nhà nghỉ cả thảy 130 phòng, vụ nóng thu 700 nghìn mỗi đêm, và 40 phòng xịn giá hơn triệu có ăn sáng, cà phê, điện máy nổ cả 24 tiếng. Đảo tự túc được cát xây và nước, vật liệu làm nhà khác chở từ đất ra cả. Can dầu 20 lít giá 450 nghìn, hơn trong Vân Đồn 35 nghìn, những thịt thà rau dưa quả trứng bìa đậu đều vênh lên thế. Khách sạn le Pont, Vân Nam… mọc lên, giá đất thôn Ninh Hải đoạn gần bãi tắm lên 7 triệu/m2. So với vùng quê Nam Định, Thái Bình, “phí quan hệ” cao hơn nhiều, mừng cưới thấp nhất đôi trăm, là các cụ, anh nào vừa thân vừa trúng vụ sứa đi cả triệu còn ít. Đám hiếu góp ít hơn, và đau là không có phường bát âm đưa tiễn người chết cho vui.
“Tôi kiếm được tiền, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, nhưng nhiều thứ phức tạp bắt đầu nảy ra. Kinh doanh gắn liền với tranh khách, mua rẻ bán đắt dù được thỏa thuận vẫn bị coi là lừa lọc, họ tộc, chòm xóm bắt đầu thấy mình không ổn về đạo đức rồi”.
“Ninh Hải bãi đẹp, thuận làm du lịch, thay đổi nhanh. Thôn khác sâu, khuất nẻo không thích đâu. Họ chỉ loanh quanh đào sá sùng một chốc, có ăn là đủ, nghĩ buôn ngược bán xuôi là xấu hổ, cho là xấu. Nhưng có sướng được đâu. Đấy, cái cô anh bảo mặt xương xương cưng cứng nhưng cao ráo, mặc quần bò đẹp, là sắp “thi” lấy chồng Hàn Quốc”.
Những câu trên, của mấy nghiệp chủ trên đảo, làm tôi nghĩ đến chuyện xa xưa của vùng biển này. Vốn dĩ ức thương trọng nông, lại cảnh giác không để khách buôn nước ngoài vào sâu trong đất, các triều phong kiến đẩy khu giao dịch hàng hóa ra đây. Trong khoảng 400 năm trên bến dưới thuyền, buôn bán tấp nập, Vân Đồn, trong đó có đảo Quan Lạn - Minh Châu, vẫn không trở thành một đô thị thương mại. Nhà sử học Đỗ Văn Ninh đánh giá: “Tình hình kinh tế chung của cả nước là nông nghiệp tự cung tự cấp, với chính sách hạn chế thương mại, Vân Đồn không thể thoát khỏi tình trạng cố hữu của chế độ kinh tế lạc hậu. Tổ chức hành chính ở Vân Đồn vẫn đậm nét thôn trang hơn đô thị, cư dân mang nặng tâm lý nông dân hơn thị dân. Trong cuộc kéo co giữa thôn trang và đô thị tại Vân Đồn, thôn trang đã thắng”.
Nhìn vào lịch sử nhiều đô thị cổ Việt Nam, có thể thấy những quy luật “tương tự”. Hoa Lư, Huế, Cổ Loa… sau khi vai trò thành - tức trung tâm hành chính - quân sự -chính trị không còn được như trước, yếu tố thị - tức kinh tế, chủ yếu là buôn bán các sản vật quanh vùng, lập tức teo tóp đi. Cả nước có lẽ chỉ Hà Nội, Sài Gòn là những đô thị kinh tế tự thân được, nhưng Hà Nội so với Sài Gòn còn “dấu vết” tiểu nông nhiều hơn. Kể người xưa cũng buồn cười, muốn phát triển nhưng gặp người ngoài cứ rúm tứ túc lại.
Nhưng không thế thì giờ đã chả được thảnh thơi Minh Châu!