Cứu doanh nghiệp, không thể tràn lan

Kinh tế - Ngày đăng : 06:55, 09/06/2012

(HNM) - Trước thực trạng hàng nghìn DN tạm ngừng hoạt động, thậm chí mấp mé bờ vực phá sản trong 5 tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành gói giải pháp giãn, giảm, miễn thuế nhằm hỗ trợ DN.


Mặt bằng lãi suất cũng đã được hạ xuống mức phù hợp để vốn giá rẻ có thể đến được với DN. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí bên hành lang QH ngày 8-6, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, nếu bây giờ Chính phủ cứu DN một cách tràn lan thì không đủ sức và không nên.


Ảnh minh họa

- Nhiều ĐBQH đồng thuận với đề nghị của Chính phủ về việc miễn giảm thuế để cứu cộng đồng DN đang trong giai đoạn đỉnh điểm của khó khăn. Theo Phó Thủ tướng, vấn đề này nên thực hiện như thế nào?

+ Chính phủ rất coi trọng vấn đề này nên đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Nhưng cần hiểu rõ mục tiêu của chúng ta là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Vấn đề này không thể làm ngắn hạn mà phải thực hiện một cách trung hạn để tới đây khi ổn định trở lại, nền kinh tế sẽ phát triển nhanh và bền vững hơn. Trong giai đoạn DN khó khăn như hiện nay, Chính phủ phải trợ giúp và thực chất, đây không phải gói kích cầu như năm 2009. Bởi nếu chúng ta làm không cẩn thận sẽ gây bất ổn kinh tế vĩ mô và không đạt được mục tiêu. Cái khó của chúng ta là làm thế nào để vừa thực hiện được mục tiêu Đảng và QH đề ra, vừa có thể giúp DN vượt qua khó khăn. Quan điểm của tôi là bản thân các DN phải coi đây là cơ hội để tái cơ cấu, nỗ lực tận dụng sự hỗ trợ của Chính phủ để vượt qua khó khăn. Nếu bây giờ Chính phủ cứu DN một cách tràn lan thì không đủ sức và không nên.

- Có ý kiến cho rằng những giải pháp Chính phủ đưa ra vừa qua có phần chậm trễ nhưng vẫn là giải pháp tốt. Song trên thực tế DN vẫn khó tiếp cận với những hỗ trợ của Chính phủ. Vậy ông đánh giá thế nào về thực tế này?

+ Hỗ trợ về thuế cũng cần thiết nhưng quan trọng nhất là tạo điều kiện cho DN tiếp cận được vốn. Chính phủ đã chỉ đạo và ngân hàng hạ lãi suất phù hợp với tình hình thực tiễn của lạm phát. So với lộ trình đầu năm ngân hàng đặt ra, lãi suất đã hạ xuống khá nhanh. Vấn đề tiếp theo là phải cơ cấu nợ, đây là vấn đề mấu chốt nhất, bởi nếu cơ cấu được nợ, DN sẽ tiếp cận vốn tốt hơn.

- Một lượng tiền rất lớn đã được Ngân hàng Nhà nước rót về các ngân hàng thương mại, nhưng theo đánh giá của ông, liệu nguồn vốn này có đến được với DN?

+ Cái khó hiện nay chính bởi bản thân ngân hàng cũng là DN. Nếu không có tác động của cơ quan quản lý nhà nước và không có hướng dẫn cụ thể thì bản thân ngân hàng khi cho vay cũng phải tính toán. Bởi nợ của các DN đến hạn không trả được thì chuyển sang nợ xấu, các ngân hàng thương mại cứ theo nguyên tắc còn nợ xấu thì không cho vay. Vì vậy, điểm mấu chốt hiện nay là phải giải quyết vấn đề nợ, cơ cấu lại các khoản nợ để tạo điều kiện cho DN làm ăn, trả được nợ thì ngân hàng cũng thu được vốn cho vay, từ đó cải thiện thanh khoản của ngân hàng và thanh khoản của cả nền kinh tế.

- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

Khánh Ly