Hài hòa lợi ích người dân
Chính trị - Ngày đăng : 06:44, 09/06/2012
Chỉ điều tiết dân cư khu vực nội thành
Dự thảo mới vẫn gồm 4 chương, 33 điều. Trong đó giữ nguyên 17 điều, bổ sung 1 điều và điều chỉnh 12 điều. Riêng điều khoản "Thủ đô được giữ lại 100% khoản vượt thu ngân sách" đã được loại bỏ vì chưa nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội. Một trong những vấn đề còn những tranh cãi là việc quản lý dân cư, vẫn tiếp tục được xử lý với hướng "phải có đặc thù về cư trú nhưng bảo đảm hài hòa lợi ích người dân". Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, sự phát triển của Thủ đô trong tương lai phụ thuộc rất nhiều vào mục tiêu này. Từ khi địa giới Hà Nội mở rộng đến nay, ý tưởng về bài toán nhập cư luôn được đặt ra, tuy nhiên vẫn chưa thực sự hiệu quả. Năm 2008, khi Hà Nội mới mở rộng, dân số là 6,5 triệu người thì nay lên tới 7,1 triệu người. Quy định quá thoáng nên có nhiều trường hợp một gia đình cho tới 15 đến 20 người đăng ký ở nhờ để rồi tách ra lập hộ khẩu thường trú. Chính vì thế, Hà Nội ngày càng thu hút nhiều dân số từ ngoại tỉnh và các vùng khác nhau đến lập nghiệp, sinh sống. Trường học mầm non, tiểu học, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.
Luật Thủ đô hướng đến sự hài hòa lợi ích. Ảnh: Trung Kiên
Các đánh giá tác động, tham vấn ý kiến các cá nhân, tổ chức liên quan khi xây dựng LTĐ cho thấy, nơi có mật độ dân số cao nhất Thủ đô là quận Đống Đa 36.550 người/km2, tiếp đó là quận Hai Bà Trưng với 29.368 người/km2. Do đó, bài toán đặt ra là cần quản lý thật chặt chẽ dân số, giảm sức ép cho đô thị trung tâm. Vì lẽ này, dự thảo LTĐ quy định điều kiện đăng ký thường trú ở nội thành chặt chẽ hơn so với quy định của Luật Cư trú hiện hành. Cụ thể, công dân đang tạm trú được đăng ký thường trú nếu có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc thuê nhà lâu dài của tổ chức, cá nhân và đã ở liên tục tại đó từ 2 năm trở lên. Như vậy, khác với bản dự thảo luật đã trình trước đây, dự thảo Luật Thủ đô mới nhất đã quy định trực tiếp đối tượng và điều kiện cụ thể đối với công dân đang tạm trú muốn đăng ký thường trú tại nội thành. Ưu điểm của phương án này là không phụ thuộc vào việc sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú sau này.
Hài hòa lợi ích người dân
Cũng để giảm tải hạ tầng nội đô, dự thảo LTĐ đã quy định bắt buộc di dời cơ sở sản xuất, trụ sở cơ quan TƯ, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bệnh viện không phù hợp quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành. Trong nội thành không mở rộng diện tích sử dụng đất, quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Đất sau di dời của các cơ sở nêu trên ưu tiên sử dụng phát triển cơ sở hạ tầng, tiện ích công cộng, hạ tầng xã hội. Bên cạnh đó, để góp phần xử lý tận gốc nguyên nhân tăng dân số cơ học nhanh ở nội thành, dự thảo luật giao HĐND, UBND TP Hà Nội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định, thực hiện các biện pháp ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực xây dựng nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành. Đồng thời, phối hợp với các tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương trong vùng Thủ đô đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm, nhằm hạn chế tình trạng di dân tự phát vào nội thành.
Tiếp thu ý kiến người dân và các chuyên gia, nhà khoa học, UBND TP Hà Nội, Bộ Tư pháp cũng đã thống nhất, thay vì áp dụng mức tiền xử phạt hành chính ở nội thành cao hơn so với quy định chung cho cả nước ở 6 lĩnh vực đang tồn tại nhiều bất cập, thì nay chỉ chọn 4 vấn đề bức xúc nhất gồm: trật tự an toàn xã hội, văn hóa, đất đai, xây dựng. Nhằm tạo khung cho việc xác định mức phạt, tránh quy định tùy tiện, chỉ cho phép áp dụng mức phạt tiền cao hơn, nhưng không quá hai lần mức phạt tiền tối đa do Chính phủ quy định.
Với sự chuẩn bị chi tiết, rõ từng điều khoản và phạm vi áp dụng, hài hòa với lợi ích người dân, ngay trong kỳ họp Quốc hội thứ ba này, lãnh đạo TP Hà Nội sẽ đề nghị Quốc hội sớm thông qua và ban hành Luật Thủ đô, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng, quản lý và phát triển Hà Nội theo một số chính sách, cơ chế đặc thù, góp phần xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra hiện nay, cũng như đề ra những định hướng lâu dài, ổn định cho việc xây dựng và phát triển Thủ đô.
Luật sư Đoàn Ngọc Năng (Đoàn Luật sư Hà Nội): "Theo dự thảo này, Hà Nội tuyệt đối không cấm nhập cư mà hạn chế riêng trong nội đô. Hơn nữa, các quy định được cho là điều kiện "hạn chế nhập cư vào Thủ đô" thực tế chỉ là hạn chế nhập cư vào 4 quận nội đô (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa) để tạo điều kiện cho các quận này phát triển phù hợp, ngăn số lượng dân cư ngày càng "phình to" trong khi cơ sở hạ tầng của các quận này không thể thay đổi, chứ không phải hạn chế quyền nhập cư, cư trú của công dân vào Thủ đô. Theo tôi, Hà Nội vẫn cần tăng dân số cơ học, nhưng tăng, giảm vào đâu thì nên trao quyền sắp xếp đó cho Hà Nội".