Đừng để mất niềm tin!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:28, 09/06/2012
Chuyện này không mới, nếu không nói là đã tồn tại từ hàng chục năm trước. Chỉ có điều, chưa ai "dám lên tiếng" theo kiểu tung clip lên mạng, hoặc cũng chưa người nào trong ngành giáo dục đủ dũng cảm thừa nhận.
Có một thực tế là chuyện lộn xộn ở các thành phố lớn thường ít hơn, hoặc nói chính xác là kín đáo hơn. Trong khi ở các tỉnh thì tình trạng này được xem là khá phổ biến. Ngay trong kỳ thi vừa rồi, tôi cũng có một đứa cháu ở quê tham gia thi. Kết thúc ngày thi đầu tiên, tôi gọi điện thoại cho bố mẹ cháu hỏi thăm tình hình, thì bố cháu nói: "Phải hỏi chúng nó chép có hết không chứ đừng hỏi có làm được bài hay không". Hỏi đứa cháu thì nó nói: "Chúng cháu đóng tiền chống trượt rồi ạ".
Thì ra cái khoản tiền ấy là một khoản đóng góp với một lý do vô định nào đó, nhưng được đám học sinh gọi vui là "chống trượt". Được chống trượt nên chúng yên tâm lắm, phởn phơ lắm, khác hẳn với thời kỳ tôi thi cử. Quả thực nói là khác, nhưng khi ấy (giai đoạn cuối những năm 80, đầu 90 của thế kỷ trước) cũng đã manh nha chuyện nhà trường lo hộ học sinh. Dĩ nhiên lúc ấy chẳng ai thu đồng tiền nào cả, song vì thành tích mà các thầy cô cũng sẵn sàng làm ngơ, thậm chí tiếp tay cho học sinh. Miễn sao tỷ lệ đỗ cao nhất.
Nói như vậy không phải để chê ngành giáo dục, mà ở đây để cùng có cơ sở nhìn nhận lại một thực trạng của nền giáo dục nước nhà, vốn đã được bàn luận rất nhiều trong hàng chục năm qua, mà chưa tìm được giải pháp phù hợp. Tôi rất ủng hộ cách nhìn nhận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân rằng "chuyện Bắc Giang là danh dự của ngành giáo dục". Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng đã chỉ đạo làm rõ, xử lý nghiêm các sai phạm. Âu đó cũng là điều cực chẳng đã, hậu quả xảy ra rồi thì cũng phải xử lý chứ không lẽ bỏ qua?
Nhưng xét cho cùng thì những tiêu cực trong thi cử không phải là mới với người dân. Vấn đề lúc này dư luận đang chờ đợi là cách xử lý và định hướng tiếp theo của các nhà quản lý. Sợ nhất là lúc hàng loạt vụ việc được phát giác, đốt nóng dư luận, nhưng rồi chỉ một thời gian ngắn sau đó nó lại rơi vào quên lãng, chuyện đâu lại vào đấy.
Mấy năm qua, ngành giáo dục đã cam kết và triển khai mạnh mẽ phong trào "hai không" (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục). Song câu chuyện ở Bắc Giang dường như đã giáng một đòn khá mạnh vào kết quả của cuộc vận động ấy. Bây giờ, hỏi các cháu học bậc tiểu học thì hầu như cháu nào cũng khoe thành tích học sinh giỏi nhiều năm. Nhưng giỏi đấy, có giấy khen đấy, song cái văn bằng vô tri vô giác ấy đâu có hiểu được nó đang phải gánh thêm một trọng trách thành tích của nhà trường. Kết thúc học kỳ vừa rồi, tôi nghe một phụ huynh có con học tại một trường ở quận Thanh Xuân nói con mình đạt học sinh giỏi đã thầm cảm phục, nhưng hỏi cháu mới biết ở lớp có tới 100% (trên tổng số hơn 60 học sinh) đạt loại giỏi thì lại thấy hoang mang. Thật mừng nếu các cháu giỏi thực sự, nhưng thật đáng lo nếu con số ấy không phản ánh đúng thực tế…
Khi căn bệnh thành tích trong lĩnh vực giáo dục vốn đã "khẳng định được tiếng tăm" còn chưa được trị dứt điểm thì những chuyện như trên sẽ vẫn xảy ra. Một vụ việc ở Bắc Giang có thể không phải là duy nhất, nhưng khi nó bị phát giác thì chắc chắn là một sự đáng tiếc. Nhưng cũng hy vọng qua vụ việc này ngành giáo dục có cơ hội nhìn nhận lại một cách nghiêm túc về cái gọi là "áp lực bệnh thành tích". Giáo dục liên quan đến cộng đồng, đến tương lai đất nước. Những sai sót này nếu tiếp tục tái diễn sẽ làm mất lòng tin của người dân.