“Nín thở” trước show hát mộc của đêm thi đầu tiên
Giải trí - Ngày đăng : 19:34, 08/06/2012
Cô Thùy Chi hướng dẫn các thí sinh nhí học bài hát tập thể. |
Kể từ khi Đồ Rê Mí đưa Unplug (hát sống với ban nhạc) trở thành một show diễn cố định vào năm 2010, những thí sinh giành giải cao nhất như Thanh Trúc (Giải đặc biệt năm 2010), Trí Dũng (Giải đặc biệt năm 2011), Minh Hạnh (Giải nhất năm 2011)… đều “tỏa sáng” trong show diễn này, chứng tỏ giọng hát thật luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong những tiêu chí tìm kiếm tài năng âm nhạc nhí hàng năm. Năm nay, ngoài việc các thí sinh phải hát “sống” 100% trong toàn bộ các đêm thi, show “Hát mộc” được đưa vào đêm thi đầu tiên của vòng bán kết , khẳng định kì vọng tìm ra những giọng ca xuất sắc thực sự của Đồ Rê Mí 2012.
Sau kinh nghiệm ngồi ghế nóng ở vòng loại, bộ ba giám khảo giảng viên âm nhạc Châu Anh, nghệ sỹ Trấn Thành và ca sỹ Thái Thùy Linh không giấu tâm trạng lo lắng trước những thử thách rất khó của format Đồ Rê Mí 2012 dành cho các thí sinh nhí năm nay, đặc biệt là trong đêm thi “hát mộc” đầu tiên. Mặc dù phần lớn các thí sinh Đồ Rê Mí năm nay đều đã tham gia hoạt động âm nhạc tại trường và tại các nhà thiếu nhi cấp tỉnh, thành phố, song với một format hoàn toàn mới, kinh nghiệm trên sân khấu của những thí sinh này xem ra cũng không phải là một vũ khí bất bại.
Thí sinh nhí Phan Gia Linh (8 tuổi – Bình Dương) hoạt động chung một nhà văn hóa với Vòng Phi Hùng (Giải triển vọng – Đồ Rê Mí 2011), “bánh rán” Bảo Trân (5 tuổi – TP HCM) thì thân thiết với Nguyễn Ngọc Bảo An (Giải ấn tượng – Đồ Rê Mí 2011)… Tưởng chừng Gia Linh và Bảo Trân đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ “ma cũ” làm hành trang để tự tin hơn nhưng ngược lại, sự thay đổi 180 độ về format chương trình và luật chơi khiến chính những bạn nhỏ này và gia đình thấy bối rối.
Mỗi tiết mục biểu diễn trong show hát mộc sẽ không có sự hỗ trợ của đội múa phụ họa, mỗi thí sinh sẽ hát với chỉ một nhạc cụ mộc như piano, ghitar hay accordion. Âm thanh và ánh sáng cũng được tiết chế tối đa để đảm bảo chất “mộc” của giọng hát. Show tranh tài đầu tiên của 10 thí sinh nhí sẽ không hề đơn giản!
Guồng quay luyện tập và ghi hình liên tục, cộng với những khó khăn chủ quan lẫn khách quan, để đáp ứng kì vọng của đêm thi đầy thử thách này, các thí sinh nhí chỉ còn trông cậy vào những giảng viên thanh nhạc.
Những giảng viên thanh nhạc dày dặn kinh nghiệm của Đồ Rê Mí cũng rất lo lắng về đêm thi đầu tiên với những yêu cầu cao về giọng hát. Bởi ngay cả đối với ca sĩ chuyên nghiệp, việc hát mộc sao cho hay và lôi cuốn khán giả cũng đã khó. Hát mộc đòi hỏi ca sĩ phải có kĩ thuật thật tốt khi mọi khuyết điểm của giọng hát đều không thể lấp liếm. Đối với các em nhỏ, hát mộc lại càng khó khi bản thân các em còn chưa thật sự hiểu cách đọc nốt nhạc cũng như cách cảm nhạc sao cho đúng.
Bản thân từng làm giám khảo của Đồ Rê Mí và khá quen thuộc với các em nhỏ, ca sỹ Khánh Linh cũng không giấu nổi cảm giác hồi hộp và lo lắng khi lần đầu chịu trách nhiệm giảng dạy thanh nhạc cho các bé: “Vì các bé còn nhỏ quá nên mình cũng rất khó để tìm ra phương pháp dạy phù hợp. Nhiều khi các bé mắc lỗi, hát sai mình cũng không dám mắng, chỉ sợ các bé khóc đòi về. Nên khi dạy, mình chỉ chú trọng vào việc hướng các bé hát theo sở thích và sự cảm thụ bài nhạc của từng bé chứ không chú trọng quá nhiều vào kĩ thuật”.
Ở Đồ Rê Mí các năm trước, giảng viên thanh nhạc theo chân thí sinh nhí vào tận phòng thu, đảm bảo khi lên sân khấu, giọng hát thu âm chỉ cần khớp với vũ đạo là thành một tiết mục biểu diễn hoàn hảo. Thì ở Đồ Rê Mí 2012, sự thành công của tiết mục biểu diễn hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực của mỗi thí sinh trên sân khấu. Các thí sinh nhí biểu diễn trên sân khấu hồi hộp bao nhiêu thì các thầy cô thanh nhạc ngồi dưới cũng hồi hộp bấy nhiêu, thậm chí nhiều hơn. Với những thí sinh nhí còn nhỏ tuổi, việc quên lời, chệch tông, hát phô chênh… hoàn toàn có thể xảy ra.
Hát mộc cũng là show diễn duy nhất mà thí sinh được đệm đàn trực tiếp. Những nhạc công được ban tổ chức giao trọng trách “sát cánh” với thí sinh không chỉ trong suốt quá trình tập luyện mà cả trên sân khấu. Có lẽ những chú nhạc công là “cứu cánh” duy nhất của những màn trình diễn khi có thể ít nhiều “vớt” được những sai sót nhỏ hay những màn “chuyển tông” đầy cảm xúc của các bé.