Thể chế phải là khâu đột phá trong tái cơ cấu kinh tế
Chính trị - Ngày đăng : 17:08, 08/06/2012
Tăng tính định lượng của đề án
Tại phiên thảo luận về đề án, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải tái cơ cấu nền kinh tế và đánh giá cao sự chuẩn bị, xây dựng Đề án nghiêm túc, chu đáo của Chính phủ. Đề án đã thể hiện được tinh thần của Đại hội Đảng toàn quốc lần Thứ XI, Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội và thể hiện sự nhất trí cao với Báo cáo một số ý kiến về Đề án tổng thể của Ủy ban Kinh tế.
Tuy nhiên, cảm quan chung của nhiều đại biểu là Đề án còn quá chung chung, mới là công trình lý thuyết, cần được tiếp tục hoàn thiện và chuẩn bị trình Quốc hội tiếp tục xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 và cần xây dựng một Nghị quyết riêng của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 về Đề án này do có liên quan đến việc sử dụng ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, đề án cần có sự đánh giá sâu sắc và toàn diện hơn nữa thực trạng cơ cấu của nền kinh tế nước ta, trong đó có cơ cấu đầu tư, cơ cấu theo ngành, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, chiều sâu…; làm rõ hơn những khó khăn, thách thức và những thuận lợi dẫn đến việc cần thiết phải tái cơ cấu nền kinh tế; chỉ ra những nguyên nhân tồn tại, hạn chế cũng như những ưu điểm để từ đó đề ra mô hình và giải pháp tái cơ cấu phù hợp.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa - TP Hồ Chí Minh, suy cho cùng đề án tái cơ cấu kinh tế là sự phân bổ lại nguồn lực của quốc gia, của xã hội vào những ngành, những nghề, những lĩnh vực, những vùng lãnh thổ góp phần làm cho tăng trưởng kinh tế đạt hiệu quả tốt nhất với chi phí tối ưu nhất. Do đó, đề án cần làm rõ toàn bộ nguồn lực quốc gia của chúng ta sẽ được phân bổ như thế nào, những việc gì chúng ta sẽ dùng nguồn lực của nhà nước, những việc gì chúng ta sẽ dùng nguồn lực của xã hội để làm...
“Trong quá trình tái cơ cấu, chúng ta cần làm rõ tái cơ cấu của mỗi ngành, vai trò của nông nghiệp như thế nào, công nghiệp ra sao, trong nội bộ ngành nông nghiệp chúng ta chú ý phát huy cái gì. Chúng ta cũng cần làm rõ phân bổ và cơ cấu của chúng ta giữa các thành phần kinh tế và nguồn lực chúng ta phân bổ cho các lĩnh vực ra sao”, đại biểu Hòa nói.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo - TP Hà Nội đề nghị, trước khi tái cơ cấu, phải đánh giá lại một cách tổng thể về các nguồn lực. Nguồn lực này gồm có nguồn lực về tài nguyên, thiên nhiên, khoáng sản và cả trình độ về khoa học công nghệ.
“Theo tôi, một trong những nguồn tài nguyên quan trọng nhất, quý giá nhất là tài nguyên sử dụng con người. Con người ở đây, chúng ta phải chọn được những con người có đủ các phẩm chất đạo đức, trí tuệ để đảm nhiệm được trọng trách của người đứng đầu. Tôi cho đây là vấn đề quan trọng nhất của vấn đề tái cơ cấu”, đại biểu Bảo nói.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân - Bình Dương cho rằng, không nên quá kỳ vọng rằng đề án này sẽ đưa ra giải pháp tối ưu để giúp nền kinh tế vượt qua ngay khó khăn mà giai đoạn đầu, trên hết phải nhắm tới mục tiêu khắc phục càng sớm càng tốt những yếu kém, tồn tại của nền kinh tế, phải lấy lại được thế ổn định cho kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, từ đó làm cơ sở tiếp tục thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm, mục tiêu thiên niên kỷ.
“Nên chăng chúng ta cần phải đặt vấn đề quy hoạch phát triển tổng thể nền kinh tế dài hạn với tầm nhìn 30 năm, 50 năm. Rồi căn cứ vào đó chúng ta hoạch định tái cơ cấu cho từng giai đoạn. Tôi cho rằng tái cơ cấu từ nay đến năm 2015 là tiền đề rất quan trọng cho giai đoạn tiếp theo. Bởi lẽ trong tương lai chúng ta phải tính toán đến việc vận hành một nền kinh tế khi nguồn tài nguyên đã cạn kiệt, diện tích bị thu hẹp do nước biển dâng và cả hệ lụy của quá trình tăng dân số, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng và khó kiểm soát”, đại biểu Nhân kiến nghị.
Để hoàn tất đề án, đại biểu Cao Sĩ Kiêm - Thái Bình đề nghị làm rõ tiếp 4 nội dung: Nêu và rút ra những bài học kinh nghiệp qua các kỳ tổ chức đổi mới và sắp xếp lại nền kinh tế và doanh nghiệp của đất nước; Làm rõ những tư duy mới về nhận thức trong các lĩnh vực như kinh tế thị trường đầy đủ, vai trò của nhà nước, chỉ đạo của kinh tế nhà nước, vai trò điều tiết kinh tế vĩ mô của doanh nghiệp, vai trò kinh tế tư nhân trong quá trình tái cơ cấu…; Làm rõ cần hay không cần nguồn tài chính để thực hiện; Có hay không có hội đồng, tổ chức, hay ủy ban độc lập để thực hiện quá trình tái cơ cấu này.
Thể chế phải là khâu đột phá trong tái cơ cấu kinh tế
Đi vào nội dung cụ thể của Đề án, các đại biểu đã tập trung góp ý vào những nội dung định hướng tái cơ cấu kinh tế, trong đó xác định 3 ưu tiên tái cơ cấu trong 3 năm tới, những giải pháp để thực hiện tái cơ cấu và việc tổ chức thực hiện đề án.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa – TP. Hồ Chí Minh, đề án chỉ mới dừng lại nêu những nét chung là chuyển từ tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu, tuy nhiên mô hình tăng trưởng cụ thể là gì, dựa trên những nguyên tắc nào thì chưa rõ.
“Theo tôi, chúng ta phải làm rõ được năng lực cạnh tranh cốt lõi của chúng ta là gì. Năng lực cạnh tranh cốt lõi ở đây là năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp. Chúng ta tập trung dựa trên hai năng lực cạnh tranh cốt lõi này để chúng ta định hình mô hình tăng trưởng của chúng ta trong thời gian tới”, đại biểu Hòa nói.
Đại biểu Hòa cũng đề nghị, phải làm rõ những khoản nguồn lực kinh phí cần huy động cho toàn bộ quá trình tái cơ cấu. Trong đó, chính phủ cần đề nghị Quốc hội xem xét ngân sách của Nhà nước cần bỏ ra cho quá trình tái cơ cấu này là bao nhiêu. Ngân sách này, chí ít chúng ta thực hiện qua 3 khoản sau đây: Chính sách ưu đãi, miễn, giảm, khuyến khích đầu tư để kích thích chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Những khoản kinh phí Nhà nước có thể bỏ ra để hỗ trợ cho xã hội tham gia vào quá trình tái cơ cấu; Tổng kinh phí của xã hội bỏ ra.
Đại biểu Phạm Văn Hổ - Phú Yên cũng nhất trí, tái cơ cấu nền kinh tế nhất thiết phải gắn với việc phân bổ nguồn lực và lợi ích cho các vùng, các miền trong cả nước mới có thể đạt được kết quả tối ưu.
“Các địa phương không ai muốn chỉ tập trung sản xuất lương thực, sản phẩm nông nghiệp ngay cả khi có lời hứa để các địa phương bạn làm công nghiệp và dịch vụ. Hiện nay một số địa phương không có nguồn thu ngân sách, không thể tự đầu tư và phát triển được, một tỉnh phải thường xuyên đi xin viện trợ từ ngân sách của Trung ương. Nếu chính sách tài chính của quốc gia không rõ ràng, lãnh đạo các địa phương phải tìm mọi cách để phát triển công nghiệp và dịch vụ và dễ có thể xảy ra lấy đất hai vụ để làm”, đại biểu Hổ phân tích.
Đại biểu Hoàng Đăng Quang - Quảng Bình nhất trí với 3 trọng tâm trong đề án tổng thể tái cơ cấu là tái cơ cấu thị trường tài chính, doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công. Ngoài các đề án thành phần này, đại biểu Quang đề nghị bổ sung thêm 2 đề án thành phần về xây dựng 2 khâu đột phá chiến lược: Một là đề án đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Hai là đề án đột phá về phát triển nguồn nhân lực.
“Trong 3 khâu đột phá của chiến lược nêu trên, tôi cho phải bắt đầu từ khâu đột phá thể chế, đó là tiền đề quan trọng để tái cơ cấu nền kinh tế một cách căn bản nhất’, đại biểu Quang nói.
Quan điểm của đại biểu Quang cũng được nhiều đại biểu chia sẻ. Các đại biểu Trương Văn Vở - Đồng Nai, Lê Văn Lai – Quảng Nam, Lê Bộ Lĩnh – An Giang đều đề nghị chọn khâu đột phá thể chế là khâu đột phá của mọi đột phá. Đại biểu Trương Văn Vở nhấn mạnh thêm, trong đột phá thể chế, cần kiên quyết tổ chức bộ máy nhà nước các cấp, các ngành theo hướng không để lợi ích nhóm chi phối. Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân - Khánh Hòa lưu ý, trong tái cấu trúc các ngành kinh tế cần tránh tư duy nhiệm kỳ.
Đại biểu Lê Bộ Lĩnh phân tích, việc xác định khâu đột phá chắc chắn không phải là sự lặp lại các chiến lược, mà phải là phương thức thực hiện để đạt mục tiêu, trong đó, phải xác định cải cách thể chế là đột phá của các đột phá.
Đại biểu Lĩnh cho rằng, để khắc phục các điểm yếu thể chế hiện nay cần tăng cường sự minh bạch, sự phối hợp giữa các cơ quan, địa phương và trách nhiệm thực thi.
“Chúng ta phải gắn tái cấu trúc với đổi mới tư duy thì mới hoàn thiện được quá trình tái cấu trúc như mong muốn”, đại biểu Lĩnh nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh - Đắk Nông cho rằng, với 3 tuyến tái cơ cấu ưu tiên mà Chính phủ đã đặt ra trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, vai trò của đầu tư công phải xác định là dẫn dắt nguồn lực chảy vào đâu mà hạt nhân của đầu tư công là hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Việc phân bổ nguồn lực cho khu vực này sẽ đóng vai trò quan trọng, vì nếu sai sẽ gây méo mó thị trường. Cần phải có sự công bằng thực sự để nguồn lực của đất nước sẽ tập trung đúng vào nơi quản lý hiệu quả hơn, tạo ra nhiều giá trị và việc làm hơn trên cơ sở góp vốn đầu tư, đồng thời, giải quyết được mối tương quan giữa các nhóm lợi ích.
Coi trọng nông nghiệp khi thực hiện tái cơ cấu
Đại biểu Huỳnh Văn Tính - Tiền Giang nhận xét, Đề án tái cơ cấu mới xác định các mục tiêu mang tính định tính đối với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp mà chưa có các mục tiêu mang tính định lượng đối với cơ cấu sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp. Đề án cần làm rõ được nguồn lực tài chính và lộ trình thực hiện cũng như cần có cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực xã hội để đạt được mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của lĩnh vực nông nghiệp từ 20,6% GDP xuống còn 15% GDP, nếu không sẽ không khả thi.
Đại biểu Tính đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp, chính sách mạnh mẽ, có tính đột phá đối với đổi mới đầu tư nông nghiệp, nông thôn, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng tăng quy mô sản xuất, hình thành vùng sản xuất chuyên canh; có biện pháp mạnh giải quyết những bất cập liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai hiện nay.
Cũng đề cao vai trò của nông nghiệp, nông thôn trong tiến trình tái cơ cấu, các đại biểu Huỳnh Minh Hoàng - Bạc Liêu, Tôn Thị Ngọc Hạnh – Đắc Nông cho rằng, giai đoạn đầu từ nay đến năm 2015 việc tăng đầu tư cho nông nghiệp là giải pháp quan trọng thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, là tiền đề bảo đảm chuyển đổi thành mô hình tăng trưởng hiệu quả và bền vững.
Đại biểu Hoàng phân tích, sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay vẫn là một ngành sản xuất rộng lớn với khoảng 70% dân số sống ở nông thôn, trong hơn 20 năm qua, nông nghiệp đã giúp cho nền kinh tế nước nhà 3 lần thoát khỏi các cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước dành cho nông nghiệp lại rất thấp và ngày càng giảm dần. Đại biểu Hoàng đề nghị, cần tăng mạnh đầu tư cho nông nghiệp, tối thiểu đạt từ 14% đến 16% GDP. Trong đầu tư cho nông nghiệp cần quan tâm đặc biệt đến đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật cho ngành sản xuất này, nhất là cho hệ thống giao thông, công trình thủy lợi, cơ giới hóa các khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch, bảo quản và chế biến, đào tạo nghề cho người lao động nông thôn…
Đại biểu Lê Văn Lai - Quảng Nam cũng đề nghị, khi tái cấu trúc kinh tế trong tình hình hiện nay, phải đặt vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân vào vị trí trung tâm của tái cấu trúc và phải dành phần thích đáng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Trên cơ cấu của đề án, từ quan điểm chỉ đạo đến mục tiêu cần đạt, các nhóm giải pháp và tổ chức thực hiện… đều phải gắn liền và phải thể hiện vấn đề nông nghiệp, nông thôn.
“Trong tái cấu trúc đầu tư mà trọng tâm đầu tư công có nội hàm tính toán lại tỷ lệ đầu tư từng lĩnh vực, có lẽ đây là cơ hội để lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được đặt ra một cách nghiêm túc và đầy trách nhiệm. Trong tái cấu trúc về doanh nghiệp Nhà nước có nội hàm về sáp nhập, cổ phần, giải thể, xem xét về hiệu quả đầu tư, chấn chỉnh cách làm không hiệu quả, nhất thiết sẽ xuất hiện một thực tế nguồn lực đầu tư lĩnh vực này phải được giảm xuống hay ít nhất chưa tăng trong lúc này. Phải chăng đây là cơ hội để lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được hưởng lợi thế trong lời giải của bài toán đầu tư và sẽ rất nhân văn khi chúng ta tăng cường kiểm tra, tăng cường giám sát để chống thất thoát, chống lãng phí, tăng việc tiết kiệm để đầu tư lĩnh vực rất nhạy cảm nhưng cũng rất dễ bị tổn thương đó là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân?”, đại biểu Lai nêu vấn đề.
Theo đại biểu Lai, sẽ là chậm nếu bức tranh nông nghiệp nông thôn không được khởi sắc một cách căn bản trong chủ trương tái cấu trúc lần này. Phương châm lý tưởng "ly nông bất ly hương" phải được tạo dựng cơ hội trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.
Đồng quan điểm với đại biểu Lai, đại biểu Đặng Xuân Huy - Đồng Tháp cũng cho rằng, những thành tựu của ngành nông nghiệp vẫn còn chưa tương xứng với lợi thế phát triển kém bền vững, sức cạnh tranh thấp, việc đổi mới mô hình sản xuất còn chậm, đời sống người làm nông nghiệp còn nhiều bấp bênh qua từng mùa vụ. Vì vậy, cơ cấu lại ngành nông nghiệp của vùng là một tất yếu khách quan nhằm tạo những chuyển biến mang tính đột phá theo hướng nâng cao giá trị cạnh tranh và phát triển bền vững.
Để thực hiện việc này, theo đại biểu Huy, cần thay đổi tư duy trong đầu tư, nguồn lực để phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhà nước cần tập trung nguồn lực đầu tư vào một số khâu thiết yếu mang tính động lực như xây dựng, quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp theo chuỗi sản phẩm, đầu tư kết cấu hạ tầng thủy lợi, tạo nguồn giao thông gắn với đê bao bảo vệ cánh đồng mẫu lớn, đầu tư giống mới có năng suất, chất lượng, hỗ trợ người nông dân trong bảo vệ sau thu hoạch… Đồng thời, cần xác định rõ mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp theo hướng tăng quy mô sản xuất, áp dụng kỹ thuật sản xuất hiện đại để vừa đạt được chất lượng và hiệu quả tốt nhất vừa gắn với bảo vệ môi trường; có chính sách đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, trước hết là chính sách về đất đai, tín dụng đầu tư công và phương thức tổ chức sản xuất.
Đã có phương án xử lý với 9 ngân hàng yếu kém
Tham gia giải trình thêm ở mảng tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, đề án tái cấu trúc ngân hàng xây dựng các mục tiêu phát triển từ nay cho đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó trọng tâm là từ nay đến năm 2015.
Thống đốc cho biết, Đề án có đưa ra mục tiêu đạt tới, nhóm các giải pháp thực hiện, các lĩnh vực cần cấu trúc lại… và có phân chia cho từng giai đoạn và kết quả đạt được trong từng giai đoạn đó với từng loại hình ngân hàng cụ thể. Đặc biệt, trong nhóm giải pháp cho các ngân hàng thương mại, ngoài những mục tiêu chung tổng quát, Chính phủ cũng có thêm các giải pháp để tăng cường năng lực cho khối ngân hàng này nhằm đảm bảo hoạt động an toàn cho hệ thống.
Chính phủ cũng đã nhất trí trong năm 2012 tập trung xử lý những ngân hàng đặc biệt yếu kém. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có phương án xử lý với cả 9 ngân hàng, Chính phủ đã thông qua 2/9 phương án. Từ nay đến tháng 6, sẽ thông qua hết 9 phương án.
Về nguồn lực tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Thống đốc cho biết, chúng ta sẽ kêu gọi và huy động nguồn vốn từ mọi thành phần kinh tế. Theo Thống đốc, thời gian qua, đã có nhiều nhà đầu tư, tổ chức kinh tế tham gia quá trình này, chấp nhận tổn thất trước mắt để thu lợi trong tương lai. Ngoài vốn từ các tổ chức trong và ngoài nước, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tham gia góp vốn, thành lập các công ty mua bán nợ. Tuy nhiên, sự tham gia của Nhà nước chỉ mang tính chất đòn bẩy, tạo công cụ trong ngắn hạn. Thống đốc khẳng định, các giải pháp này nếu có sự phối hợp nhịp nhàng thì sẽ giải quyết được nguồn lực lớn.
Thống đốc cũng cho biết, trong tái cấu trúc ngân hàng có nội dung hướng tới tam nông. Ví dụ, với Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, chủ trương của Chính phủ là ít nhất trong 5 năm tới không cổ phần hóa, biến ngân hàng này thành trụ cột của hệ thống tài chính dành cho nông nghiệp, nông thôn và đặt dư nợ tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 80% dư nợ tín dụng của ngân hàng này. Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ ưu tiên các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Thống đốc khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong quá trình tái cấu trúc nông nghiệp, nông thôn để đưa công nghệ cao vào sản xuất.
Cùng tham gia giải trình thêm tại phiên thảo luận còn có Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ với các nội dung về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh về tái cơ cấu đầu tư công.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, về nguồn lực cho tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, chúng ta sẽ dựa vào quỹ hỗ trợ tái cấu trúc và sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước; thông qua mua bán nợ; huy động các cổ đông chiến lược nước ngoài; vay ODA. Theo Bộ trưởng, hiện ADB đã cam kết cho Việt Nam vay 600 triệu USD với thời gian dài, lãi suất rẻ để tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, trong đó tập đoàn Sông Đà sẽ là tập đoàn được làm thí điểm đầu tiên với số tiền được cam kết dành cho tái cơ cấu là 120 triệu USD.