Không ngừng sáng tạo các phong trào thi đua yêu nước
Chính trị - Ngày đăng : 07:47, 08/06/2012
- Hà Nội có khá nhiều phong trào thi đua cũng như nhiều danh hiệu khen thưởng khác nhau. Lý do nào để TP xây dựng đa dạng các phong trào như vậy thưa ông?
+ Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng kêu gọi và mong muốn là cả nước, ai cũng thi đua, ái quốc, bất kể từ già, trẻ, trai, gái; giàu, nghèo, lớn, nhỏ. Vì vậy, theo tôi, việc TP tổ chức các phong trào thi đua đa dạng với nhiều danh hiệu khác nhau như hiện nay là hướng tới việc phát hiện và kịp thời biểu dương những tấm gương sáng trong mọi tầng lớp nhân dân, để ai cũng thấy mình có thêm động lực thi đua. Tính ra, TP đang có khoảng 20 quy chế, quy định khác nhau về thi đua khen thưởng; cho phép TP triển khai các phong trào thi đua rộng khắp với sự tham gia của hàng triệu người, đóng góp thiết thực cho sự phát triển chung của TP.
- Nhưng nhiều phong trào, nhiều danh hiệu như vậy, ông có cho rằng công tác thi đua khen thưởng nói chung có nguy cơ bị loãng không?
+ Với những phong trào đang có, Hà Nội đã định hình rất rõ nét đặc trưng của mỗi phong trào. Từng phong trào, danh hiệu đều có mục đích riêng, hướng đến những đối tượng cụ thể, đặc biệt là đều xuất phát từ thực tiễn. Mặc dù vậy, hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện các quy chế, quy định liên quan để nâng cao chất lượng các phong trào, danh hiệu thi đua giúp việc phát hiện, biểu dương ngày càng kịp thời hơn, các đối tượng được khen thưởng được đánh giá khoa học và chính xác hơn.
- Hà Nội đang cùng các bộ, ngành soạn thảo dự án Luật Thủ đô để trình Quốc hội. Lĩnh vực thi đua khen thưởng ở Hà Nội có cần những quy định mang tính đặc thù không, thưa ông?
+ Tôi nghĩ là rất cần. Vì cũng như nhiều đô thị lớn khác, TP Hà Nội là Thủ đô của cả nước càng cần phải có các phong trào thi đua và những danh hiệu thi đua mang tính đặc thù; được cho phép cụ thể trong luật để có thể phát huy sáng tạo trong lĩnh vực này. Nhiều danh hiệu thi đua như: Người tốt, việc tốt, Công dân Thủ đô ưu tú, Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô… Thành phố xây dựng và thực hiện những năm qua đã làm rất tốt vai trò phát hiện, bồi dưỡng, nhân điển hình tiên tiến nhưng Điều 31 không quy định cụ thể các địa phương có các danh hiệu thi đua..; giá như luật ghi rõ ràng hơn thì không những không có rắc rối mà còn phát huy được sức sáng tạo không ngừng trong công tác thi đua khen thưởng của địa phương. Hiện nay đang trong quá trình góp ý sửa đổi Luật Thi đua - Khen thưởng, tôi hy vọng là những mong muốn này sẽ được đáp ứng. Nếu có thêm những quy định cụ thể trong Luật Thủ đô nữa thì rất tốt.
- Công tác đánh giá đối tượng khen thưởng luôn có vai trò rất quan trọng. Xin ông cho ví dụ cụ thể về những cải tiến của TP trong lĩnh vực này?
+ Việc cải tiến công tác đánh giá đối tượng khen thưởng được TP rất coi trọng. Điều băn khoăn nhất của chúng tôi trước đây là việc đánh giá đôi khi phụ thuộc nhiều vào đề xuất của cơ sở và bằng trực giác, nên phải tập trung tìm các giải pháp khắc phục điều này. Năm 2011, TP đã thành lập Hội đồng khoa học sáng kiến để xem xét các sáng kiến, giải pháp, đề tài của các cá nhân để lựa chọn công nhận Chiến sỹ thi đua TP và đề cử Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Hội đồng này đang do Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, qua làm việc đã định lượng, đo đếm được cụ thể hiệu quả của các sáng kiến, giải pháp, đề tài của các ứng viên chiến sĩ thi đua. Điều đó đã khắc phục được tình trạng công nhận tràn lan, công nhận chủ yếu cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý và tăng số cán bộ cơ sở, người trực tiếp lao động sản xuất được công nhận là Chiến sỹ thi đua các cấp.
- Sắp tới, phong trào thi đua TP sẽ tập trung vào những công việc gì, thưa ông?
+ Chúng tôi đã tham mưu rất cụ thể với TP về công tác này. Các phong trào thi đua sẽ được tổ chức rất thiết thực, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể đang đặt ra. Chẳng hạn, tới đây, TP sẽ thống nhất các quy chế, quy định khen thưởng đối với khối doanh nghiệp. Hiện nay với DN, TP có quy chế xét tặng "Cúp Thăng Long", với doanh nhân có quy chế "Nhà DN Hà Nội giỏi", với công nhân có "Bằng Sáng kiến, Sáng tạo Thủ đô"… thì nay sẽ chỉ còn một quy chế. Đây là nhóm đối tượng thi đua có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn hiện nay, trong khi các quy chế, quy định thi đua đang khá dàn trải, nên cần có sự thống nhất quy về một mối.
Ngoài ra, ngay trong tháng này chúng tôi sẽ tiến hành ký kết hợp tác với một số cơ quan truyền thông, báo chí (Báo Nhân Dân, Báo Lao động, Báo Hànộimới, Báo Kinh tế và đô thị, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội) cam kết mỗi đơn vị đều có chuyên mục, mỗi tuần ít nhất 2 bài viết về gương điển hình tiên tiến. Đây là hoạt động đầu tiên nhằm thực hiện Kế hoạch số 54/KH-UBND của UBND TP về đẩy mạnh công tác tuyên truyền phong trào thi đua yêu nước, gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và kế hoạch 5 năm (2011-2015). Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục in sách "Những bông hoa đẹp" tập thứ XIX, cùng Hội Nhà báo TP tổ chức cuộc thi viết về gương "Người tốt, việc tốt" và với Báo Hànộimới Ban Thi đua - Khen thưởng TP tiếp tục đồng tổ chức cuộc thi viết "Nét đẹp người Thủ đô" lần thứ hai. Các cuộc thi như vậy luôn là những kênh quan trọng giúp cho chúng tôi phát hiện nhiều nhân tố mới có giá trị, là cơ sở để nâng cao chất lượng các phong trào thi đua của TP.