Nguồn lực của tăng trưởng
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:56, 08/06/2012
Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững… Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã khẳng định như vậy. Cũng có thể nói cách khác, chất lượng nguồn lực con người là yếu tố quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Chất lượng của nguồn lực con người chính là lượng trí tuệ ở trong đó. Chất lượng nguồn nhân lực thấp cũng là một yếu tố kìm hãm sự phát triển. Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, quá trình đào tạo còn nhiều bất cập nên khi nhận lao động vào làm việc, doanh nghiệp phải đào tạo lại, tiền đào tạo chiếm tới 6-7% chi phí sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện nay ở nước ta mới chỉ trên 30% - rất thấp so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Một điều nữa rất đáng quan tâm là tỷ lệ lao động nông nghiệp ở nước ta khá cao và đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ cùng với việc thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Trong tương lai không xa sẽ có hàng chục triệu lao động nông thôn chuyển sang khu vực công nghiệp, dịch vụ. Nếu không được đào tạo một cách bài bản, họ sẽ là đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất.
Trong xu hướng tiến đến nền kinh tế tri thức hiện nay, khi thông tin và tri thức đã trở thành yếu tố cốt lõi của xã hội hiện đại, đầu tư về nguồn vốn chỉ góp một phần nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế. Phần lớn giá trị thặng dư của sản phẩm được quyết định bởi chất lượng lao động. Do đó, vấn đề chất lượng lao động cần được nhìn nhận một cách đầy đủ, đúng mức. Nên chăng, Nhà nước cần có một nhóm chính sách và những khoản ngân sách nhất định để chuẩn bị nguồn nhân lực cho chương trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Một vấn đề nữa không kém phần quan trọng là ngay trong tiến trình tái cơ cấu, cũng phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao - nguồn nhân lực đặc biệt để bảo đảm cho sự vận hành. Thực tế cho thấy, việc làm ăn thua lỗ của không ít "ông lớn độc quyền" trong nền kinh tế có nguyên nhân từ sự điều hành yếu kém của những người đứng đầu. Những vụ tiêu cực tham nhũng, thất thoát vốn liên quan đến Vinashin, Vinalines… để lại nhiều hệ lụy và nhiều bài học xương máu. Do vậy, có thể nói, nguồn nhân lực đặc biệt này có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt và tác động trực tiếp đến kết quả của việc cơ cấu lại nền kinh tế.
Mọi nguồn lực tự nhiên đều có thể bị khai thác cạn kiệt, chỉ có trí tuệ con người là không bao giờ cạn kiệt. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng hàm lượng chất xám trong mỗi sản phẩm là giải pháp tích cực nhất trong bối cảnh kinh tế hiện nay khi nguồn vốn có hạn, các nguồn lực tự nhiên không thể khai thác một cách quá mức.