Tinh thần nhân bản dồi dào
Xã hội - Ngày đăng : 06:54, 08/06/2012
Cuối năm 2011, một tuyển tập gồm 8 tiểu thuyết tiêu biểu của "tác gia tiểu thuyết" này do con trai ông sưu tầm, đã được NXB Khoa học xã hội xuất bản. Hội Nhà văn Hà Nội hiện đang tập hợp tham luận cho hội thảo về "Tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật" diễn ra trong năm nay.
Tám tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật trong cuốn sách lần này từng được ấn hành riêng lẻ từ những năm 1940, một số được tái bản năm 1999. Đó là "Hòm đựng người", "Bà Chúa Chè", "Chúa Trịnh Khải", "Loạn kiêu binh", "Ngược đường Trường Thi", "Rắn báo oán", "Thiếp chàng đôi ngả", "Bốn con yêu và hai ông đồ". Trong đó, "Bà Chúa Chè" đã in đến lần thứ tám.
Vừa qua, nhà giáo Nguyễn Triệu Căn, con trai tác giả Nguyễn Triệu Luật thay mặt gia đình tới dự hội thảo nhân 100 năm Ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, một người bạn của cha ông. May mắn gặp được ông dịp này (vì ông hiện không ở Hà Nội), ông chia sẻ: "Năm 2010, tôi được học trò cho biết tại TP Hồ Chí Minh có một con đường mang tên cha tôi - đường Nguyễn Triệu Luật (quận Bình Tân). Niềm vui ấy đã thúc giục tôi tìm kiếm lại những bản in một số tiểu thuyết tiêu biểu của cha trong một cuốn sách mới".
Và nhà văn hóa Hữu Ngọc (dạy học cùng với Nguyễn Triệu Luật ở Vinh những năm 1940-1941) là một trong ít người đã ủng hộ về cả tinh thần và vật chất cho sự ra đời của "Tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật".
Biết tin về tác phẩm này, nữ nhà văn Trần Thùy Mai cũng chia sẻ với Hànộimới rằng chị rất thích tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật và từng đọc bộ ba tác phẩm nổi tiếng của ông từ thuở còn là nữ sinh Trường Quốc học Huế. Quả thực, với tuyển tập này, bạn đọc hôm nay có dịp tiếp cận được với những tác phẩm kết hợp giữa chất liệu hấp dẫn của sử liệu và sự rung động của văn chương. Trong đó, điểm chung dễ nhận thấy là một "tinh thần nhân bản dồi dào" của ngòi bút Nguyễn Triệu Luật. Với "Hòm đựng người", tác giả đã đưa người đọc về thời kỳ Lê Trịnh và "cận cảnh" vào số phận những cung nữ phải theo vào sơn lăng vua Lê, nhốt chặt tuổi xuân ở chốn lạnh lẽo ấy. Bi kịch xảy ra khi một Hoàng tử nhà Lê cả gan thâm nhập vào sơn lăng để chung sống với một cung nữ vốn là người yêu cũ…
Nhà văn hóa Hữu Ngọc cho rằng: "Nguyễn Triệu Luật viết tiểu thuyết lịch sử theo phong cách của nhà điện ảnh Pháp Sacha Guitry, chủ yếu là sự thật lịch sử thêm thắt ít nhiều dã sử để hấp dẫn người đọc". Còn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc viết trong phần giới thiệu tác phẩm thì "ngày nay, truyện của Nguyễn Triệu Luật vẫn rất đáng đọc, để hiểu về lịch sử Thăng Long một thời xa xưa, cũng như kỹ thuật viết văn của tiểu thuyết gia Việt Nam một thời".
Ông Nguyễn Triệu Căn cho biết, hiện cũng vẫn còn thiếu một số tiểu thuyết của cha ông chưa có điều kiện tập hợp được. Một số nhà nghiên cứu như Lại Nguyên Ân… đã cung cấp cho ông nhiều thông tin bổ ích về các tác phẩm của Nguyễn Triệu Luật. Tới đây, gia đình tác gia tiểu thuyết này sẽ phối hợp với Viện Văn học tiếp tục tập hợp, cho ra đời một tuyển tập nữa, nhằm giới thiệu đầy đủ hơn những đóng góp văn chương của nhà văn, nhà giáo Nguyễn Triệu Luật. Nếu được như vậy thì cũng thực là một sự "hội ngộ" ý nghĩa, vì hiện nay khá nhiều nhà văn Việt Nam cũng đang quay về với lịch sử để tìm kiếm cảm hứng, ý tưởng mới cho sáng tạo của mình.