SCO khẳng định vị thế mới

Thế giới - Ngày đăng : 06:20, 08/06/2012

(HNM) - Giữa lúc cả Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) phập phồng lo ngại trước nguy cơ Hy Lạp trở thành thành viên đầu tiên rời khỏi Eurozone kéo theo những hệ lụy khôn lường cho nền kinh tế toàn cầu, Hội nghị Thượng đỉnh tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 12 vừa kết thúc tại Bắc Kinh (Trung Quốc) chiều 7-6 sau hai ngày thảo luận đã mở ra nhiều triển vọng hợp tác mới cho khu vực cũng như thế giới.

SCO ngày càng khẳng định vai trò cán cân quyền lực mới.

Diễn ra trong bối cảnh SCO bước vào giai đoạn phát triển 10 năm lần thứ hai, cuộc gặp mặt của người đứng đầu sáu quốc gia thành viên (Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan), đại diện bốn nước quan sát viên (Iran, Mông Cổ, Pakistan, Ấn Độ) cùng hai nước đối thoại Belarus và Sri Lanka tại Bắc Kinh lần này đã cho thấy SCO đang có tiềm lực phát triển to lớn và tương lai hợp tác rộng mở. Tuyên bố chung kết thúc hội nghị một lần nữa nhấn mạnh, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư nhằm khai thác tiềm năng kinh tế nội khối là ưu tiên hàng đầu của SCO. Để đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong thời kỳ khủng hoảng hiện nay, các thành viên SCO thống nhất sẽ thành lập một tài khoản đặc biệt và ngân hàng phát triển. Song, thành công nổi bật của hội nghị là cam kết sẽ cung cấp một khoản cho vay trị giá 10 tỷ USD của Trung Quốc nhằm hỗ trợ hợp tác kinh tế giữa các nước trong SCO. Theo đó, Trung Quốc sẽ giúp đào tạo 1.500 chuyên gia cho các nước thành viên SCO trong vòng ba năm tới; đồng thời cung cấp 30.000 học bổng chính phủ và mời 10.000 giáo sư và sinh viên các nước SCO tới Trung Quốc nghiên cứu trong thập kỷ tới.

Cho rằng tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, Chủ tịch nước chủ nhà Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thừa nhận, sự phát triển của SCO đang đứng trước cả cơ hội lẫn thách thức. Vì thế, hội nghị là dịp để các nước thành viên xác định mục tiêu phát triển của tổ chức trong 10 năm tới, trong đó làm thế nào để xây dựng SCO thành một lực lượng tiên phong thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực là trọng tâm ưu tiên. Cùng với nhận định trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, trong chương trình hành động giai đoạn 2013-2015, SCO cần chú trọng tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố, ly khai và cực đoan nhằm đối phó với các tình huống đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Để SCO khẳng định được vị thế trên trường quốc tế, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã đưa ra đề xuất bốn điểm, trong đó nhấn mạnh nhu cầu phát triển hòa bình và ổn định trong khu vực, tăng cường lòng tin, sự đoàn kết, hợp tác và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên, đấu tranh chống các thế lực ly khai, cực đoan, khủng bố và phối hợp lập trường trong các vấn đề chung.

Sau hơn một thập niên hình thành và phát triển theo sáng kiến của Nga và Trung Quốc năm 2001, SCO đang thể hiện vai trò quan trọng cho một kế hoạch lớn hơn tại khu vực dựa trên bốn trụ cột hợp tác chính gồm chính trị, an ninh, kinh tế và nhân văn. Sự lớn mạnh của SCO thời gian qua khiến tổ chức này thành mục tiêu được nhiều nước trong khu vực hướng tới. Quyết định trao cho Afghanistan tư cách quan sát viên và chấp thuận Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác đối thoại tại hội nghị lần này là bằng chứng cho thấy, Nga và Trung Quốc - hai thành viên chủ chốt của SCO đang tìm cách xây dựng một trục mới trải dài từ Châu Á tới Trung Đông. Trục địa - chính trị này với các mạng lưới quan hệ đối tác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương dự báo không chỉ cạnh tranh với chiến lược "Đông tiến" của Mỹ và đồng minh mà còn trở thành một cực đối trọng với các thế lực khác trên trường chính trị toàn cầu.

Với độ che phủ lên tới 60% lãnh thổ của hai châu lục Á - Âu và 25% dân số thế giới, SCO hoàn toàn có cơ sở để trở thành không gian chiến lược đối trọng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ cầm đầu. Nhờ những lợi thế trên cả bình diện địa - chính trị lẫn địa - kinh tế, cùng với tốc độ tăng trưởng ấn tượng của Trung Quốc, tiềm năng công nghệ của Nga cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của vùng Trung Á…, SCO được nhận định sẽ trở thành một quyền lực mới trên chính trường quốc tế.

Đình Hiệp