Câu khách bằng khuyến mãi sắp hết hạn
Xã hội - Ngày đăng : 11:04, 07/06/2012
Cách đây hơn một tháng, trên đường đi làm về, chị Tuyết thấy một cửa hàng đồ gia dụng trên phố Thái Hà treo biển giảm giá 20% nhưng chỉ áp dụng "nốt tuần này". Sợ hết cơ hội mua đồ giá rẻ, chị liền sắm về một chiếc nồi cơm điện và máy xay sinh tố. Nhưng vài tuần sau, chị Tuyết thấy cửa hiệu đó vẫn "giảm giá nốt tuần này". Vào xem, 2 mặt hàng chị đã mua còn có giá rẻ hơn trước.
"Ngẫm ra mới thấy 'nốt tuần này' chẳng là tuần nào cả, tưởng mua rẻ hóa lại đắt", chị Tuyết than vãn. Chia sẻ băn khoăn này với chủ hiệu, chị được giải thích: hàng khuyến mãi vẫn còn nên tiếp tục áp dụng đến lúc hết để nhiều khách có cơ hội mua sắm.
Khuyến mãi áp sát ngày, thu hẹp thời hạn ưu đãi được nhiều chủ kinh doanh vận dụng để câu khách. Ảnh minh họa: Xuân Ngọc
Trước Tết, một cửa hàng mỹ phẩm trên phố Cầu Giấy, Hà Nội cũng đề biển "Sắp hết hạn mặt bằng, giảm giá đồng loạt 60%". Tuy nhiên, biển hiệu vẫn treo từ đó đến nay chưa được dỡ xuống. Nhân viên tại đây cho biết không rõ về thời gian chuyển địa điểm hay ngừng bán. Nhưng từ khi có thông báo, khách vào xem, mua hàng có vẻ đông hơn.
Trên nhiều tuyến phố của Hà Nội như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học, Chùa Bộc, Cầu Giấy... bandroll thông báo khuyến mãi sắp hết hạn xuất hiện khá nhiều với những câu na ná nhau như "duy nhất trong một tuần", "áp dụng chỉ trong 2 ngày..." hay "mặt bằng sắp hết hạn, thanh lý gấp"...
Áp dụng phương thức trên cho việc kinh doanh cửa hàng giày da, anh Trần Đức Long (Nguyễn Thái Học, Hà Nội) thấy khá hiệu quả. Cứ một đến 2 tháng, anh lại tung ra một đợt giảm giá tất cả các sản phẩm từ 20% đến 30%. Mỗi chương trình như vậy chỉ diễn ra trong vòng 3 ngày nhưng thu hút được lượng khách bằng 5-6 ngày bình thường cộng lại.
Anh Long chia sẻ, cách này vừa để tri ân những khách hàng thân thiết, vừa kích tâm lý người tiêu dùng để bán nhanh hơn. Vì theo anh, thực tế, nhiều người định mua rồi do dự, lưỡng lự và không sắm nữa. "Quý hồ tinh bất quý hồ đa, thỉnh thoảng mới có khuyến mãi sẽ giá trị hơn là giảm giá quanh năm suốt tháng. Ưu đãi ngắn hạn nên ai thực sự cần mua sẽ quyết định luôn", anh Long nói.
Không chỉ vậy, một số cửa hiệu, nhà hàng tặng phiếu giảm giá cho khách khi hạn sử dụng chỉ còn một đến 2 ngày sau đó. Từng áp dụng cách này, đại diện của của một quán ăn trên phố Duy Tân, Hà Nội giải thích, làm vậy để tránh người tiêu dùng quên thẻ ưu đãi và hy vọng nhìn thấy rõ tác dụng kích cầu của khuyến mãi.
"Nhiều khuyến mãi được áp dụng trong thời gian dài, khách nhận, cất đi rồi quên. Gây ấn tượng bằng việc sắp hết hạn chỉ mong thực khách nhớ, tận dụng và sớm quay lại", anh nói.
Trao đổi với PV, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Công ty Lê Media cho biết khuyến mãi áp sát ngày, co hẹp thời gian của mỗi chương trình giảm giá là một trong những chiêu thức marketing hiệu quả. Điều đó nhằm tác động đến tâm lý người tiêu dùng để họ quyết định mua hàng nhanh chóng hơn.
Ông Vinh cho rằng đó cách làm được áp dụng phổ biến trong kinh doanh hiện nay. "Nếu chỉ đề chung chung là khuyến mãi sẽ gây sự nhàm chán, khách chần chừ không mua với suy nghĩ 'cơm không ăn, gạo còn đó'. Nhưng gia hạn để đánh vào tâm lý của 'thượng đế' thì có thể sẽ bán hàng chạy hơn", ông Vinh nói.
Tuy nhiên, ông Lê Quốc Vinh cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần tỉnh táo, không nên mua hàng theo cảm giác mà cần căn cứ vào nhu cầu sử dụng thực tế. Bởi các trung tâm mua sắm, cửa hàng kinh doanh thường liên tục đưa ra các chương trình giảm giả. Hầu hết khuyến mãi sau đều có ưu đãi lớn hơn khuyến mãi trước.
"Khuyến mãi lúc nào cũng có, vấn đề là có đúng vào sản phẩm chúng ta cần mua hay không. Nếu thấy cần thiết, giá hợp lý thì người tiêu dùng nên chớp lấy cơ hội, còn sắm đồ vì sợ chương trình sắp hết thì không nên, mua về mà không sử dụng đến sẽ lãng phí hơn nhiều", ông Vinh chia sẻ.
Một chuyên gia khác về marketing lại cho rằng khuyến mãi áp sát ngày để câu khách là lợi bất cập hại. Bởi đầu tư cho mỗi tấm biển quảng cáo, bandroll đều tốn một khoản tiền nhất định, nếu áp dụng được ít ngày thì rất lãng phí. Thêm đó, cách làm này còn có nguy cơ làm mất một thị phần khách hàng.
Vị này đưa ví dụ, khách qua đường nhìn biển khuyến mãi rất thích nhưng vì bận công việc không ghé vào được. Qua thời hạn ưu đãi ghi trên bandroll, họ có thời gian rảnh cũng không lui tới nữa vì đinh ninh chương trình đã kết thúc. "Vận dụng chiêu thức này, người kinh doanh cần tính toán kỹ để tránh "gậy ông đập lưng ông", chuyên gia về marketing tư vấn.