Luật Việc làm: Kỳ vọng của hơn 30 triệu người lao động
Đời sống - Ngày đăng : 07:24, 07/06/2012
Luật Việc làm khi được thực thi sẽ bảo vệ tốt hơn lợi ích hợp pháp của người lao động. Ảnh: Thu Giang |
Những nội dung có lợi cho NLĐ được cụ thể trong 11 chương và 132 điều trong Dự thảo Luật Việc làm trình Quốc hội khóa XIII xem xét, thông qua trong năm 2013 như quy định về bảo hiểm việc làm, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, phát triển kỹ năng nghề, tuyển và đăng ký sử dụng lao động... Các nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử, bảo đảm cơ hội có việc làm, nơi làm việc của NLĐ, quyền lựa chọn việc làm. Các hành vi bị nghiêm cấm là: Gian lận, giả mạo hồ sơ trong thực hiện bảo hiểm việc làm; sử dụng quỹ bảo hiểm việc làm sai mục đích; gây phiền hà, trở ngại, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, người sử dụng lao động trong lĩnh vực việc làm; dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt NLĐ hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm để thực hiện những hành vi trái pháp luật; khai thác, sử dụng thông tin thị trường lao động vào mục đích trái pháp luật; phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp; xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, người sử dụng lao động…
Ông Nguyễn Thanh Hòa khẳng định, những quyền lợi mà NLĐ được hưởng là biện pháp bảo đảm việc làm, phòng chống thất nghiệp như hỗ trợ cho người sử dụng lao động để họ đào tạo phát triển kỹ năng nghề cho NLĐ, thanh toán các chế độ (tiền lương, BHXH, bảo hiểm việc làm) góp phần duy trì, ổn định việc làm cho NLĐ. Việc hỗ trợ được thể hiện trong các trường hợp cụ thể như: Người sử dụng lao động vay tiền từ các tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng để trả tiền lương; tiền đóng BHXH bắt buộc; bảo hiểm việc làm; bảo hiểm y tế; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề thì được hỗ trợ lãi suất tiền vay. Trường hợp chủ sử dụng lao động gặp khó khăn do suy giảm kinh tế được hỗ trợ kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho NLĐ; đào tạo lại cho NLĐ trước khi chuyển làm nghề khác trong doanh nghiệp.
Dự thảo Luật Việc làm cũng quan tâm đến việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm việc làm. NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên sẽ được tham gia bảo hiểm việc làm, tức là được tham gia hưởng BHTN nếu họ mất việc làm. Như vậy những quy định trong Luật Việc làm chính là "giá đỡ" cho lao động tự do, lao động phổ thông hiện nay.
Đây là những ưu điểm của Luật Việc làm để giải quyết những điểm còn mâu thuẫn trong Bộ luật Lao động như kỳ vọng của Bộ LĐ-TB&XH. Tuy nhiên, trong thời gian nghiên cứu, lấy ý kiến đóng góp, chỉnh sửa, Bộ LĐ-TB&XH vẫn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia lao động, các cơ quan liên quan để dự thảo hoàn thiện nhất để trình Quốc hội xem xét. GS Nguyễn Quang Thái, Hội LHKHKT Việt Nam nêu ý kiến, việc nhất quán cho mỗi NLĐ một số thẻ thống nhất dưới dạng thẻ lao động là cần thiết. Nhưng không thể cứ mỗi lĩnh vực một lao động lại có những số thẻ khác nhau như: BHTN một số riêng, BHXH, BHYT lại một số mới, nếu thêm số thẻ bảo hiểm việc làm sẽ thành rối rắm. Vì vậy nên gắn số thẻ cho lao động với số chứng minh thư thì không thể trốn tránh, làm lậu hay trốn thuế được. GS Nguyễn Quang Thái cũng cho rằng nên cụ thể khái niệm về "thiếu việc làm" là do chưa sử dụng hết thời gian lao động, chứ không phải có khả năng làm việc khác.
Các ý kiến khác lại lo ngại, nếu có thêm bảo hiểm việc làm sẽ gây hiệu ứng không tốt cho NLĐ. Vì hiện nay cùng một lúc phải đóng nhiều loại bảo hiểm thì chủ sử dụng lao động phải tìm cách cắt giảm nhân công, hoặc tìm cách nợ đọng, trốn đóng BHXH, vì thế các cơ quan nghiên cứu nên cân nhắc, tính toán hợp lý nhất về việc đóng bảo hiểm việc làm nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Một số ý kiến cho rằng những quy định về vai trò của tổ chức công đoàn phải tách bạch với bộ phận lãnh đạo DN để sâu sát hơn đến quyền lợi của NLĐ. Luật Việc làm cũng nên tách biệt rõ ràng giới tính ở những lĩnh vực, ngành nghề lao động. Vì hiện nữ giới đang là đối tượng yếu thế dễ mất việc làm hơn nên các nhà hoạch định chính sách cần lồng ghép vấn đề về giới trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phân tích để xem xét và đề ra giải pháp đưa vào văn bản luật đối với chính sách việc làm.