Cho chừa thói "dậu đổ bìm leo"…

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:16, 07/06/2012

(HNM) - Lẽ thường, người sa cơ lỡ vận, cả do nguyên nhân khách quan và chủ quan thì điều mà họ cần nhất có lẽ là một (hay nhiều) bàn tay chìa ra.


Xã hội ta đã có lúc cẩn trọng đến mức khuyến cáo cách viết, cách nói về người không may phải sống chung với "ết" là "người có HIV" thay vì "bị HIV". Truyền thông tự thấy mình có trách nhiệm tuyên truyền về cách đối xử với người có HIV, rằng không nên và không thể có thái độ kỳ thị hay ghẻ lạnh, quay lưng lại với họ. Như những người không may sa vào tệ nạn, do tự nhận đường sai hay bị dòng đời xô đẩy, vào trại tập trung cải tạo lao động còn được Nhà nước bỏ tiền đầu tư dạy lại cách làm người, dạy nghề để có thể đoạn tuyệt với tệ nạn, có thể mưu sinh mà không cần phải phạm luật…

Đấy là nói về những gì thường thấy liên quan đến những người đã bị tòa án định tội.

Hơn một tuần qua, báo chí đưa tin mấy người mẫu, diễn viên, sinh viên vướng vòng lao lý vì hành vi "bán thân". Chuyện sai lè lè rồi, không cần phải nói thêm về lý do, động cơ vì người có hành vi sai đều không thuộc diện "đói thì đầu gối phải bò", cũng chẳng ai bắt ép họ phải làm việc đó. Nhưng, những gì diễn ra quanh những người sa cơ lỡ bước ấy có khi lại đáng xấu hổ hơn cả những người đã làm việc đáng xấu hổ. Ấy là phản ứng thái quá của một số người hoạt động trong ngành giải trí - đồng nghiệp với những người đang bị pháp luật "hỏi thăm". Nếu phải gọi tên hành vi của nhóm người "còn đang sống lành mạnh" nói trên, thật khó tránh dùng cụm từ "dậu đổ bìm leo", mưu lợi trên nỗi thống khổ của đồng nghiệp.

Nói vậy là bởi ngay sau vụ "người mẫu bán thân" thứ nhất rồi thứ hai, bị phanh phui chỉ trong ít ngày, bạn đọc thấy một số anh X, một số chị Y trong làng giải trí - tức không phải một người - đăng đàn. Người thanh minh về một tấm ảnh chụp chung, như thể muốn nói tôi không may chụp ảnh với "hủi", chứ không có quan hệ thân mật gì đâu; người nhảy dựng lên, rằng tôi cùng cô ấy quen nhau chỉ là tình cờ; lại có người kể lể rằng mình đã cố khuyên can mà không được… Nhưng, tất cả những động thái không lấy gì làm hay ho ấy phải chăng chỉ là cách thể hiện sự sung sướng, hỉ hả của một nhân vật "có tên" trong làng giải trí trước việc đồng nghiệp bị bắt.

Rất khó tìm sự thể hiện đúng mực từ những người trong giới đã phát ngôn sau hai sự vụ nói trên, thật lạ! Lạ hơn là cái màn hài kịch ấy (nếu có thể gọi như thế) lại có cơ hội đến với bạn đọc qua báo chí. Lạ, ngay cả khi người cầm bút thật sự không biết gì về mục đích thật sự của những người đã "đăng đàn" (?).

Cái thói "dậu đổ bìm leo" rất xấu, trong thực tế không chỉ đã xuất hiện trong giới giải trí mà thôi. Khi có người đứng trên nỗi tủi nhục của đồng nghiệp để mưu cầu việc riêng, hoặc giả là chỉ "nổ" cho sướng, thì xã hội cần lên án việc làm ác ý ấy của họ. Bởi, đơn giản là không thể đồng tình với người nỡ đạp thêm vào người đã ngã.

Lên án, chứ nhất quyết không thể tạo "đất" cho người "ác" thể hiện.

Dục Tú