Giá điện cần công khai minh bạch
Kinh tế - Ngày đăng : 05:57, 07/06/2012
Nên có nhiều thang để tính giá, quy định mức nào được Nhà nước hỗ trợ nhiều, mức nào được Nhà nước hỗ trợ tương đối để bảo đảm tương đương thu nhập của người dân - đề xuất của đại biểu Đinh Thế Huynh (đoàn Thanh Hóa) cũng là ý kiến chung của đa số đại biểu tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực, sáng 6-6.
Đa số đại biểu Quốc hội đều mong muốn Chính phủ quan tâm hơn nữa trong việc chống độc quyền trong lĩnh vực điện lực. Ảnh: Ngọc Hà |
Quan tâm đến quy hoạch phát triển ngành điện, đại biểu Trịnh Thế Khiết (đoàn Hà Nội) đề xuất cần tính tới sự kết hợp hài hòa giữa các vùng, miền và lợi ích tổng thể của người dân. Thời gian qua, do quy hoạch phát triển chưa tốt "nhà nhà làm thủy điện" nên đã xảy ra hiện tượng như ở sông Thu Bồn người dân không có nước để sản xuất do phía đầu nguồn các DN giữ nước để phát điện.
|
Cho rằng việc độc quyền của ngành điện là do cơ chế tạo ra, do vậy mới có tình trạng "muốn cắt điện lúc nào thì cắt, muốn cho lúc nào thì cho", theo đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội), giá điện có thể thực hiện theo cơ chế thị trường song ngành điện cần công khai minh bạch về giá cả và bảo đảm đầu tư cơ sở hạ tầng tốt. Tha thiết mong Chính phủ quan tâm chống độc quyền trong lĩnh vực điện, tạo cơ hội để nhiều doanh nghiệp tham gia kinh doanh điện và người dân có nhiều cơ hội lựa chọn đơn vị cung cấp, đại biểu An cho rằng việc người dân vẫn đang phải "gánh" chi phí của tỷ lệ điện hao hụt hơn 10% trong truyền tải là chưa bảo đảm quyền, lợi ích của người tiêu dùng.
Cùng chung quan điểm trên, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhận xét, mối quan hệ cung cầu, khách hàng và nhà cung cấp trong ngành điện lực hiện nay là chưa bình đẳng. Tuy nhiên, trong đánh giá kết quả 7 năm thực hiện Luật Điện lực chưa nói đến điều này, đây là thiếu sót lớn. Về đề xuất của Chính phủ, thị trường điện sẽ được hình thành, phát triển theo 3 giai đoạn với các cấp độ: một là thị trường phát điện cạnh tranh (2005 - 2014); hai là thị trường bán buôn điện cạnh tranh (2015 - 2022) và ba là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (từ sau năm 2022), đại biểu Thiện cho rằng lộ trình này tương đối cứng nhắc, cần đan xen để thúc đẩy thị trường cạnh tranh nhanh hơn...
Cũng trong sáng qua, các tổ đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Luật sư. Tại phiên làm việc buổi chiều, QH tiếp tục thảo luận tại tổ về dự án Luật Hợp tác xã (HTX) sửa đổi. Nhất trí với sự cần thiết phải ban hành luật, các đại biểu cho rằng điều này sẽ giúp thể chế hóa đầy đủ hơn quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế HTX, hoàn thiện khung pháp lý để HTX hoạt động đúng bản chất, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời khuyến khích người dân, hộ gia đình hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau cùng tham gia HTX để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên một số ý kiến đề nghị không nên quy định mức vốn góp tối đa để phát huy khả năng huy động vốn. Có đại biểu đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành là quy định mức góp vốn không quá 30%...
Ngành điện chỉ nên tập trung sản xuất, kinh doanh điện Để tính được giá điện chúng ta phải dựa vào báo cáo tài chính kiểm toán của ngành. Nhưng ngành điện lại kinh doanh thêm ngoài ngành nên nếu dựa vào đây để làm căn cứ tính giá điện thì cần phải tái cơ cấu ngành điện, tức là ngành điện phải tập trung vào điện, không được đầu tư ra ngoài ngành. Đó là trao đổi của đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - với báo chí xung quanh các nội dung liên quan tới Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực. - Yêu cầu ngành điện chỉ tập trung vào nhiệm vụ chính đã từng được đặt ra nhưng chưa có một thời hạn cụ thể. Theo ông, thời hạn đó là bao nhiêu? + Tôi nghĩ là trong thời gian 5 năm. Thực ra thì ngành điện đầu tư ra ngoài ngành cũng không lớn. Nhưng điều mà chúng ta cần là minh bạch để có cơ sở tính rõ giá bán lẻ điện là dựa vào báo cáo tài chính của ngành điện. Họ chi phí bao nhiêu, lời lãi bao nhiêu, có như vậy thì chúng ta mới có cơ sở để kiểm toán, giám sát giá điện. - Nhưng hằng năm ngành điện không có báo cáo tài chính, công bố công khai trong khi các doanh nghiệp khác đều phải có báo cáo? + Luật Điện lực (sửa đổi) hiện nay có quy định là phải có báo cáo tài chính và được kiểm toán độc lập công khai minh bạch, trên cơ sở đó để tính giá điện. Cho nên Luật Điện lực (sửa đổi) rất có ý nghĩa. Nhưng nếu như ngành điện thua lỗ mà được Nhà nước hỗ trợ, thì suy cho cùng đó cũng chính là tiền do người dân đóng góp. Vì vậy, sự minh bạch là cần thiết và người dân rất cần điều đó. - Xin cảm ơn ông! Đà Đôngghi |