Tạo mặt bằng cho hệ thống phân phối hàng Việt

Kinh tế - Ngày đăng : 07:56, 06/06/2012

(HNM) - Hàng Việt có chỗ đứng trên thị trường như hiện nay phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của các nhà phân phối.


Khách hàng lựa chọn sản phẩm của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Ảnh: Mai Vy

Cùng với hệ thống hơn 9.000 chợ truyền thống đang hoạt động, các loại hình phân phối hàng hóa hiện đại gồm siêu thị, cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại… đã cải cách mạnh hệ thống phân phối hàng hóa ở nước ta. Phương thức kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) cũng hiện đại và chủ động hơn, tạo nguồn hàng ổn định mang tính cạnh tranh cao. Nhờ đó, chỉ sau hơn chục năm hình thành và phát triển, loại hình phân phối hàng hóa hiện đại đã làm một cuộc đảo ngược, từ 100% hàng nhập khẩu trong thời gian đầu, đến nay hàng Việt đã chiếm 90-95%. Bình quân mỗi hệ thống siêu thị có 2.000-3.000 nhà cung cấp hàng hóa là các DN, cơ sở sản xuất trong nước...

Không còn ở thế yếu so với hàng nhập ngoại như những năm trước, đến nay tỷ lệ tiêu thụ hàng Việt đã tăng lên đáng kể. Có thể thấy rõ nhất sức bật của hàng Việt tại các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Tại những siêu thị lớn như BigC, Co.op Mart… tổng mức lưu chuyển hàng hóa sản xuất trong nước hiện chiếm khoảng 95%. Đặc biệt, trong chính sách thu mua của BigC, sản phẩm của các DN trong nước có chất lượng bảo đảm, giá hợp lý luôn được ưu tiên hàng đầu. Trong số các mặt hàng bán tại hệ thống siêu thị BigC, dẫn đầu các ngành hàng là sản phẩm của các nhà sản xuất trong nước, như thời trang nam Việt Tiến, giấy Vĩnh Tiến, đồ nhựa Đại Đồng Tiến, dụng cụ học sinh Thiên Long, sữa Vinamilk, bánh kẹo Kinh Đô… Đại diện Siêu thị BigC cho biết, số lượng khách mua hàng do DN trong nước sản xuất tiếp tục tăng lên mỗi ngày. Vì vậy, thời gian tới, BigC vẫn trung thành với chiến lược ưu tiên hàng Việt. Tại nhiều siêu thị khác như Hapro, Intimex, Fivimart, Vinatex Mart, Vietmart… cũng ghi nhận sự chiếm lĩnh của hàng Việt. Đại diện hệ thống siêu thị Vinatex Mart cho biết, thế mạnh của Vinatex Mart là các sản phẩm may mặc. Trong cơ cấu hàng của siêu thị chủ yếu là hàng sản xuất trong nước, nhất là sản phẩm của các công ty con trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Hay như Công ty CP Siêu thị Việt (Vietmart) - DN chuyên phân phối hàng thời trang Made in Vietnam, sau 2 năm hoạt động, siêu thị Vietmart đã trở thành điểm mua sắm thu hút lượng lớn người tiêu dùng và trở thành đối tác phân phối tin cậy của các nhà sản xuất hàng dệt may "nội", như Việt Tiến, May 10, Đức Giang, Hanosimex, Phong Phú…

Ngoài ưu tiên kinh doanh hàng Việt, BigC còn đẩy mạnh tìm hàng Việt có chất lượng để xuất khẩu sang các chuỗi siêu thị của Tập đoàn Casino - tập đoàn mẹ của BigC trên thế giới. Được biết, mỗi năm BigC xuất khoảng 1.000 container hàng Việt gồm nông sản, thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, thời trang… sang thị trường Châu Âu, Mỹ Latin… Trong khi đó, với lợi thế về số lượng điểm bán ở khắp các tỉnh, TP trên cả nước, thời gian tới Saigon Co.op có chủ trương sẽ hướng đến giảm lượng hàng nhập khẩu, đẩy mạnh bán hàng sản xuất trong nước. Ngoài ra, các siêu thị thuộc Co.op Mart tại các tỉnh, TP sẽ đưa hàng Việt đến các vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, phần lớn các nhà phân phối cho biết, việc thiếu mặt bằng để xây dựng hệ thống bán lẻ là một trong những rào cản khiến DN gặp khó khăn trong việc phát triển hệ thống phân phối.

Việt Nga